Đôi vợ chồng trẻ Hà Nội chi chưa đến 25 triệu đã được 1 đám cưới ấm cúng và hạnh phúc, cô dâu mách nhỏ các bạn trẻ cách tổ chức đám cưới siêu tiết kiệm

(Tổ Quốc) - Với nhiều cặp đôi chuẩn bị đám cưới, khoản tiền 25 triệu có lẽ sẽ chưa đủ cho 1 gói chụp ảnh dã ngoại nhưng với vợ chồng chị Hân anh Hướng lại khác. Chỉ với 25 triệu, anh chị đã lo trọn 1 đám cưới xum vầy, tươm tất.

Khi được hỏi về khoản tiền lo cho đám cưới của hai vợ chồng, chị Hân kể: "Vẫn biết rằng cả đời chỉ cưới hỏi 1 lần song với thời buổi kinh tế khó khăn, bản thân tài chính của cả hai vợ chồng đều eo hẹp, vợ chồng mình đã đặt phương châm tiết kiệm lên hàng đầu.

Mình nghĩ đám cưới chỉ là khởi đầu cho cả 1 cuộc hành trình dài phía trước.

Mọi khoản chi tiêu đều phải nằm trong kế hoạch, đúng khả năng kinh tế của vợ chồng nên bọn mình chỉ sắm sửa những thứ thật sự cần thiết cho cuộc sống về sau".

Cụ thể, chi phi cho đám cưới của vợ chồng chị Hân như sau:

Giường, chăn ga cưới, tủ quần áo: 8 triệu

Gói ảnh cưới, thuê váy, trang điểm cô dâu 2 ngày ăn hỏi, cưới: 7 triệu

Chi phí cho tuần trăng mật 3 ngày 2 đêm ở Cô Tô: 7 triệu

Nhẫn cưới: 3 triệu.

Tổng chi phí cho đám cưới hết: 25 triệu

Còn lại tiền cỗ bàn, anh chị nhờ bố mẹ hai bên ứng ra chi trả trước. Sau cưới anh chị thu lại được 110 triệu tiền mừng, vợ chồng chị Hân trích lại 70 triệu trả bố mẹ tiền cỗ cưới, còn lại 40 triệu gửi tiết kiệm.

Chị Hân cho hay, vì mọi thứ mua sắm chi tiêu cho hôn sự đều nằm trong tầm kiểm soát nên sau cưới, anh chị hầu như không bị "lao đao" vì tiền. Thậm chí sau cưới anh chị còn có 1 khoản nhỏ tiết kiệm lấy vốn làm ăn.

Dưới đây chị Hân chỉ ra một số cách tổ chức đám cưới siêu tiết kiệm để các cặp đôi tham khảo:

Chi tiêu, sắm sửa đúng trong khả năng kinh tế của mình, không vay mượn

Đôi vợ chồng trẻ Hà Nội chi chưa đến 25 triệu đã được 1 đám cưới đẹp như mơ, cô dâu mách nhỏ các bạn trẻ cách tổ chức đám cưới siêu tiết kiệm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Biết rằng cưới hỏi là chuyện trọng đại cả đời, ai cũng mong muốn tổ chức đám cưới của mình thật hoành tráng, lung linh.

Song chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực lực kinh tế của vợ chồng. Có điều kiện kinh tế không sao, nếu không có mà vì muốn làm cưới hỏi long trọng phải vay mượn khắp nơi, tới khi cưới xong lại còng lưng trả nợ sẽ khiến cuộc sống những ngày đầu hôn nhân cực kỳ căng thẳng, áp lực.

Thậm chí còn dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng. Vậy nên tốt nhất chúng ta có sao thì làm vậy, theo đúng hoàn cảnh của bản thân. Đừng cố vì "1 phút huy hoàng" bà biến mình thành con nợ của những ngày sau đó.

Tránh khoản chi không cần thiết

Trước khi tổ chức đám cưới, vợ chồng nên ngồi bàn bạc thật kỹ xem cần sắm sửa những gì cho hôn lễ: "Mình với chồng thống nhất quan điểm, đám cưới không cần rình rang, miễn đầy đủ là được. Mình thấy nhiều cặp đôi khá cầu kỳ đặt váy cưới thiết kế riêng, rồi chụp 2, 3 bộ album cưới, chăn ga cũng mấy bộ. Theo mình như thế là không cần thiết, thậm chí là lãng phí. Cuộc sống về sau mới quan trọng, cưới hoành tráng mà sau cưới còng lưng trả nợ thì mệt lắm", chị Hân cho hay.

Hạn chế tối đa chi phí tổ chức đám cưới

Ngày cưới ai cũng thích đông vui, tuy nhiên chúng ta cũng nên mời khách có chọn lọc. Không nên rải thiệp mời tràn lan, chỉ những ai chúng ta thật sự thân thiết mới mời họ. Như thế bạn sẽ kiểm soát được cỗ bàn, tránh tình trạng cỗ làm ra không có người tới dự trong khi mọi chi phí đều đắt đỏ.

Ngoài ra chúng ta cũng nên cắt bỏ những thủ tục rườm rà. "Hôm cưới, bạn thân của chồng mình có ô tô, anh ấy mượn xe bạn làm xe đón dâu. Thậm chí ăn hỏi vợ chồng mình cũng ghép chung cùng với ngày cưới luôn để giảm bớt thủ tục, chi phí. Miễn hai bên gia đình được vui vẻ, vợ chồng sau này sống với nhau hạnh phúc là được rồi", chị Hân kể.

Giang Nguyễn

Tin mới