(Tổ Quốc) - Trên con nước đen ngòm, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối do rác thải vốn là nhà của vô số loăng quăng, bọ gậy. Đây là nơi tá túc của hai vợ chồng bác Ly hơn suốt 50 năm qua.
Đôi vợ chồng già lênh đênh trên con nước đen: Không con, không nhà, không gạo, không giấy tờ tùy thân...
Để xuống nhà hai vợ chồng bác Nguyễn Hải Ly (73 tuổi) và bác Nguyễn Trung Quang (70 tuổi), phải băng qua một con đường đầy rác thải, phế liệu mà dân cư xung quanh xả ra. Ở mép sông có thể thấy nhung nhúc loăng quăng, bọ gậy; Tiếng muỗi vo ve có thể nghe thấy từ cách xa nhiều mét.
Vì là ở khúc sông đã chết, nên cũng chẳng có mống cá nào, nước sông lúc nào cũng trong tình trạng có màu đen ngòm và bốc mùi hôi thối, nếu không phải dân cư sống lâu năm trên con sông này như gia đình bác Ly và những hộ dân xung quanh thì chắc chắn sẽ không thể nào chịu được.
Hai bên bờ sông là những bãi rác mà người dân quanh vùng xả ra, từ những túi nilon, vỏ lon nước, chai lọ, đồ ăn đồ uống thừa, đôi khi còn có cả xác động vật chết…
Cuộc đời lênh đênh sông nước
Hai vợ chồng bác lấy nhau cách đây hơn 50 năm. Do những xích mích với gia đình nhà chồng, nên hai bác rời bỏ quê nhà ở Mai Lĩnh để ra Hà Nội sinh sống. Ra Hà Nội với đôi bàn tay trắng, rồi chẳng có nổi một căn nhà trên mặt đất, đành dành dụm mua một con thuyền, cải tạo thành nơi sinh sống.
Nơi trú ngụ của đôi vợ chồng già.
"Căn nhà" được chia làm ba gian: Đuôi thuyền để ngủ, giữa thuyền là không gian sinh hoạt chung và đầu thuyền là bếp. Nói là gian nhưng thực ra mỗi khu chỉ đủ chỗ cho một người lớn ngồi, trần mái thuyền cũng khá thấp, không đủ để họ đứng thẳng người.
Trên thuyền cũng chẳng có tài sản gì đáng giá, cũng chẳng có điện, có đèn. Tài sản quý giá nhất với hai bác là những bức ảnh của bốn người con trai, được treo ngay ở lối ra vào.
Hai vợ chồng bác vốn sinh được bốn người con, những không may mất sớm. Hai người con đầu mất do tai nạn đuối nước, hai người con sau thì mất do suy dinh dưỡng. "Đứa lớn nhất tên là Anh Tuấn, đứa thứ hai là Tuấn Anh. Hai thằng nó ngoan lắm, hồi còn bé tí đã biết đỡ đần bố mẹ. Tuấn nó còn ước thành người mẫu nữa cơ".
Họ có với nhau 4 người con, nhưng chúng đều đoản mệnh.
Chẳng có con cái, đôi vợ chồng già phải lăn lộn kiếm cái ăn trên con sông này. Họ làm đủ thứ, từ theo dân làng chài đánh bắt cá, đi mò ốc mang ra chợ bán. Sau con sông bị chặn, không thể lưu thông, đồng thời rác thải của dân cư quanh đó cứ ngày ngày xả xuống, lâu dần khiến con sông ngày một ô nhiễm, cá cũng cứ thế mà chết dần.
Mất "nguồn vốn" duy nhất, đồng thời cũng ngày một già yếu, chân tay đau nhức, đôi mắt không còn sáng nên thu nhập chính bây giờ của hai vợ chồng đến từ việc nhặt ve chai, phế liệu mang đi bán đồng nát. Hôm nào nhặt được nhiều thì mỗi người được gói mì tôm với rau, hôm nào không nhặt được gì thì đành phải chia nhau gói mì tôm, thậm chí là nhịn đói cả ngày.
Với hai bác, bát mì tôm rau là quý lắm rồi, cả cuộc đời chỉ mong hôm nào cũng có mì tôm rau để ăn, chứ cân gạo, bát cơm là điều gì đấy quá xa xỉ.
"Giờ thì hai bác cứ luân phiên nhau mà đi nhặt thôi, khi nào bác khỏe thì bác đi, bác Quang trông thuyền, khi nào bác Quang khỏe thì bác Quang đi, bác ở nhà trông thuyền.
Cũng chả được là bao đâu, ngày đôi ba chục, gọi là đủ tiền rau cháo qua ngày. Hôm nào ốm đau thì dân quanh đây người ta cũng cho được tí gạo để nấu cháo chứ ngày thường cũng chả có tiền mà mua.", bác Hải Ly tâm sự.
Vì sống trôi nổi trên sông, nên hai vợ chồng không có bất kì loại giấy tờ tùy thân nào... Không có thẻ BHYT nên mỗi khi ốm đau, hai bác không thể đi bệnh viện, đành phải cắn răng chịu đựng.
Cứ mỗi khi trái gió dở trời, bác Quang lại lên cơn đau đầu, mấy ngày nay còn bị cảm nặng, không thể ở lại thuyền mà phải lên nằm nhờ một căn chòi của công nhân xây dựng gần đó để nghỉ ngơi...
Đến lúc chết biết đi đâu về đâu
Lênh đênh trên con nước này cũng đã hơn 50 năm, khi được hỏi hai bác có ước mơ gì, bác Ly rơi nước mắt, nói rằng muốn được có một căn nhà ở đất liền. Nhưng với hoàn cảnh của hai vợ chồng bác, việc lên bờ chẳng dễ dàng gì. "Bây giờ cả hai tuổi thì cao, sức thì kiệt, đau ốm liên miên. Ngày kiếm được chục nghìn bạc, mua cân gạo còn chả có thì tiền đâu thuê nhà mặt đất".
Trước đây hai bác cũng hai lần được những nhà hảo tâm đến đề nghị cho bác một căn nhà. Tuy nhiên hai bác lại không muốn đi. Lần đầu được các Sơ ở nhà thờ Giáo xứ Hà Nội cấp cho một căn nhà trên đất liền, nhưng ngặt nỗi, hai bác phải vào tận trong Đắc Nông để nhận.
Với hai ông bà già, việc đi từ Hà Nội vào tận trong đó là một quãng đường vô cùng xa xôi, chưa kể hàng năm hai bác cũng vẫn phải về quê lo cho bàn thờ gia tiên.
Lần thứ hai thì có một tổ chức từ thiện thuê một căn nhà cấp bốn cũng gần con sông đang sống. Người ta trả tiền nhà đều đặn hàng năm, nhưng hai bác cũng lắc đầu từ chối. "Bây giờ bỏ thuyền lên đó ở, người ta chu cấp cho đầy đủ thì sướng đấy.
Nhưng nhỡ sau này người ta không chu cấp, thì mình biết lấy tiền đâu mà trả, mà không có tiền thì ai cho ở nữa. Đến lúc ấy thì biết đi đâu về đâu", bác Quang lắc đầu.
Cuộc sống của hai vợ chồng bác Ly có thể nói là tạm yên ổn vì mưa bão không nhiều, hàng ngày hai bác vẫn đi nhặt chai lọ, phế liệu mang đi bán để kiếm tiền sinh hoạt. Nhưng khi mưa bão, lũ lụt, nước dâng, căn nhà của hai bác vẫn phải đối mặt với đầy rẫy hiểm nguy. Cuộc sống bây giờ trôi nổi theo dòng nước giống như cuộc đời, số phận của chính hai bác vậy.
Đình Long