(Tổ Quốc) - "Tôi không cần 'chiến đấu' gì cả. Ai muốn đến với bà ấy thì cứ đến, tôi cũng là một người đến với bà ấy đây. Cuối cùng ai thắng ai thì đã biết cả rồi", ông Thọ chia sẻ.
"Hơn 5 giờ rồi, cũng muộn rồi, cháu ăn cùng ông bà bữa cơm. Cơm rau dưa thôi, ăn cùng ông bà cho vui", cuối buổi nói chuyện, bà Dục Tú lên tiếng mời tôi ăn bữa cơm do nhân viên viện dưỡng lão bê vào.
Sau một lúc từ chối nhưng không thành bởi lời mời thiết tha, tôi cũng vui lòng ngồi xuống ăn bữa cơm tối cùng ông bà. Suốt thời gian ăn cơm, ông Ngọc Thọ vẫn liên tục kể chuyện. Xem ra, ông bà thật sự rất "thèm người", muốn được chia sẻ thật nhiều về cuộc sống của mình.
Bài thơ khiến người thanh niên phố Hàng Cân thành công "cưa đổ" vợ
"Gặp em xõa tóc ngồi bên cửa
Mượn gió hồ Gươm quạt rũ tay
Đôi sợi se se vờn trên má
Như mối tơ lòng vương vấn bay".
Hơn 60 năm trước, chính nhờ bài thơ này mà ông Ngọc Thọ đã thành công khiến cho bà Dục Tú phải lòng. "Cô gái" trong bài thơ của ông Thọ chẳng phải bà Tú mà là một người con gái nhà ở phố Hàng Đào. Hoàn cảnh ra đời của nó cũng khá ngẫu nhiên.
Khi đó ông Thọ cùng một thầy giáo khác đi xe ngang qua phố, thấy cô gái ấy ngồi xõa tóc quạt phe phẩy trước cửa nhà nên cả hai tổ chức một cuộc thi sáng tác thơ văn miêu tả lại cảnh tượng ấy. Phần thưởng chỉ là một bao thuốc lá. Bài thơ "Tiếng chuông lòng" do ông Thọ sáng tác đã chiến thắng.
Lúc đó, rất có thể ông Thọ chẳng ngờ được rằng nhờ bài thơ này, mình không chỉ có được bao thuốc lá mà còn khiến cô gái nhà ở phố Lương Văn Can là Dục Tú phải xiêu lòng. Ngày còn trẻ, bà Tú có rất nhiều người thầm thương trộm nhớ. Khi vô tình đọc được "Tiếng chuông lòng", bà đã rung động trước người đàn ông Hà thành hào hoa, tri thức và chọn ông trong số nhiều thanh niên đến với mình.
Ông Ngọc Thọ là Tổng biên tập đầu tiên của báo Đại biểu Nhân Dân, cựu giảng viên Đại học Đông Đô. Bà Dục Tú là một nhà giáo. Họ đã có cuộc hôn nhân kéo dài 61 năm không con cái và hiện tại, cùng nhau vào một viện dưỡng lão ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Ông Thọ hiện 90 tuổi, bà Dục Tú cũng 84 tuổi. Ở tuổi "xưa nay hiếm" cặp vợ chồng này vẫn rất ngọt ngào.
Vào những năm 1950, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ở Trung Quốc, ông Thọ làm giáo viên dạy học tại trường THPT Trưng Vương (Hà Nội) rồi dần dần làm quen, nảy sinh tình yêu với bà Dục Tú.
"Tôi hồi trẻ chắc nhìn cũng được, còn nhà tôi hồi trẻ còn được hơn tôi", ông Thọ hóm hỉnh chia sẻ.
Lúc ấy, bà Tú cười đùa: "Hồi đó bà suýt ế con ạ, vì bà xấu quá".
Nghe câu nói của vợ, ông Thọ bật cười: "Không, ai lại nói thế, bà ấy nói đùa thôi, nhà tôi cũng xinh xắn, không đến nỗi".
Nhìn nhan sắc ở tuổi 84 của bà Tú, chẳng ai tin vào chuyện bà hồi trẻ "xấu, ế". Khi được hỏi về chuyện có khi nào phải "chiến đấu" để giành được trái tim của vợ không, ông Thọ chia sẻ:
"Cái bản ngã của tôi, không phải kiêu căng đâu nhưng tôi tự tin lắm. Tôi không cần 'chiến đấu' gì cả. Ai muốn đến với bà ấy thì cứ đến, tôi cũng là một người đến với bà ấy đây. Cuối cùng ai thắng ai thì đã biết cả rồi. Đầu tiên là tôi tiếp xúc làm quen, ngày ấy tôi nói còn tốt hơn bây giờ nhiều và cuối cùng bà ấy phải lòng tôi".
Nói đến chuyện khiến bà Tú cảm mến, ông Thọ nhắc lại bài thơ "Tiếng chuông lòng" sau này được xuất bản trong tập thơ cùng tên của ông.
Người đàn ông 90 tuổi mơ màng đọc những áng thơ ngọt ngào rồi tấm tắc: "Đấy, xem như thế nhà tôi không đổ có được không!". Đúng là "tần số" của những tâm hồn đồng điệu, những áng văn thơ cũng trở thành cầu nối của tình yêu.
Năm 1960, chàng trai sống ở phố Hàng Cân tổ chức lễ thành hôn với cô gái phố Lương Văn Can trong một cửa hàng trên phố Bát Đàn. Đám cưới những năm bao cấp, chiến tranh tổ chức khá đơn giản. Sau đó, cặp đôi sinh sống trong căn nhà riêng trên phố Hàng Cân.
5 lần xé đơn ly hôn và tiếng than trách xé lòng!
Sau khi kết hôn, ông bà mãi vẫn không có con. Gia đình hai bên rất thoải mái, cả bên nội bên ngoại biết bà Tú không thể sinh con vẫn vui vẻ, chẳng nhắc nhở điều gì. Khát khao có con khiến họ tìm đến nhiều loại thuốc thang, biện pháp nhưng không thành công. Kể cả đến lúc đó, hai bên gia đình vẫn không hề tạo áp lực. Quan trọng nhất với họ vẫn là hạnh phúc của hai người.
Ông Thọ chia sẻ: "Nhiều người có hỏi tôi rằng bà ấy không sinh được con thì có kiếm người khác hay có ý định gì không. Tôi với tư cách một nhà giáo dục nói thẳng thế này: Người đàn ông không có quyền xúc phạm đến đàn bà, đặc biệt người ấy là vợ mình.
Cái thứ hai, trước hết định nghĩ con là gì? Con là hạnh phúc được cụ thể hóa, lý tưởng, niềm vui được cụ thể hóa của những đôi vợ chồng, tôi nghĩ vậy. Vậy không có con thì phải tìm niềm vui khác. Chúng tôi bất lực trong chuyện có con thì tìm kiếm niềm vui khác thôi".
Ngày ấy, người đau khổ nhất trong việc không có con chính là bà Tú. Buồn tủi và không muốn làm khổ chồng, bà viết đơn ly hôn. Thế nhưng cả 5 lần viết đơn ông đều xé cả. Lần thứ 5 ông thẳng thắn nói: "Em xúc phạm anh. Có con cũng được, không có con cũng được, không thành vấn đề. Miễn là mình sống với nhau là được".
Nhận những lời trách móc nhẹ nhàng nhưng đầy đau đớn từ chồng, bà Tú bỏ luôn ý nghĩ ly hôn, hai vợ chồng sống bên nhau thật sự hạnh phúc từ đó đến giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.
Ông Thọ là người giỏi giang, điển trai, thông thạo 4 ngoại ngữ lại từng nắm giữ vị trí quan trọng. Thường thì với người chồng như vậy, ít nhiều các bà vợ cũng tỏ ra lo lắng bởi "ong bướm" vây quanh. Nhưng bà Tú thì không. Bà thẳng thắn:
"Tôi chưa bao giờ sợ cô nào thích chồng mình cả, bởi vì tôi cũng tự tin".
Vậy đấy, cặp đôi xứng đôi vừa lứa đã cùng nhau viết nên một câu chuyện tình yêu như thế!
Những năm chiến tranh, hai ông bà sơ tán ở 2 nơi do dạy ở hai trường khác nhau. Ông Thọ sơ tán về Bắc Giang, bà về Bắc Ninh. Vậy là đều đặn cuối tuần, khi thì ông đạp xe sang chỗ bà, khi bà lại đạp xe sang thăm ông. Khoảng cách 50km khi ấy cũng trở nên gần hơn vì sự nhớ nhung. Đôi khi, hai vợ chồng lại cùng nhau về Hà Nội, thăm tổ ấm nhỏ ở phố Hàng Cân.
Đến năm 1968, ông chuyển sang làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam và tham gia làm phóng viên mặt trận. Sau 2 tháng, ông bị chảy máu dạ dày nên quay ra Bắc. Khi ấy, ông Thọ được đưa sang Liên Xô chữa trị một thời gian.
Nhớ lại những tháng ngày ấy, bà Tú vẫn còn thấy nỗi lo lắng như hiển hiện quanh đây. Chu kỳ xuất huyết dạ dày của chồng mỗi lúc một gần hơn. Trước kia 1-2 lần mỗi năm, dần dần mỗi tháng một lần. Bà Tú chạy đến bệnh viện vừa hỏi tình hình về chồng vừa khóc.
Ông Thọ đã bị đến 13 lần xuất huyết dạ dày và theo chia sẻ của ông thì mình là bệnh nhân "nổi tiếng" vì xuất huyết dạ dày ở Bệnh viện Việt Xô. Hiện tại, dạ dày ông đã bị cắt đi 3/4, ông đã sống với chỉ 1/4 dạ dày hơn 40 năm qua.
"Anh ấy bị vậy thì thuốc thang có viện lo, tôi cũng chỉ biết lo chuyện ăn uống, thổi cơm nát cho anh ấy. Mình ăn theo chồng, chồng ăn thế nào mình ăn như thế ấy suốt một thời kỳ. Sau này ổn định mới thôi", bà Tú chia sẻ.
Đến khi hết chiến tranh, hai vợ chồng tiếp tục sống những tháng ngày yên bình. Sau khi nghỉ hưu, ông Thọ còn đi dạy đến hơn 80 tuổi mới quyết định dừng hoàn toàn công việc, an hưởng tuổi già.
Niềm đam mê du lịch và hơn 20 năm hòa mình với khiêu vũ
Không có con cái, ông bà tự tìm kiếm niềm vui khác. Với họ, niềm vui đầu tiên chính là du lịch. Họ đã cùng nhau đi qua 15 quốc gia, 4 châu lục chỉ có châu Úc là chưa đặt chân đến.
Ông Thọ cho hay: "Chúng tôi coi đi du lịch là tìm kiếm niềm vui, đi đâu biết đấy. Trước khi đi thì nghiên cứu tài liệu cho biết phong cảnh, con người, tập tục... rồi sang đấy đi thôi. Sau này nhiều tuổi, tôi về hưu không thể đi được nữa thì lại tìm sang niềm vui khác, cuộc sống không có niềm vui nó mau già lắm".
Khi đó, họ tìm hiểu và quyết định đi khiêu vũ. Bắt đầu đi khiêu vũ năm 65 tuổi, hiện tại, đôi vợ chồng đã gắn bó với bộ môn này hơn 20 năm.
Lần biểu diễn khiến cho ông bà thấy đáng nhớ nhất là khi họ được mời tham gia chương trình Điều ước thứ 7. Ông Thọ chọn nhảy điệu Slow trên nền bản nhạc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí. Ca sĩ Tiến Minh là người thể hiện ca khúc.
Bây giờ nghĩ lại, ông Thọ vẫn bồi hồi: "Tiến Minh hát hay lắm, hai vợ chồng hòa cùng cảm xúc. Tôi vẫn thường nói với nhà tôi rằng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi say sưa với điệu nhảy, điệu nhạc như thế. Có thể nói rằng chúng tôi đã gửi gắm tất cả tâm hồn vào điệu nhảy".
Khi đã vào viện dưỡng lão, hai vợ chồng ông bà cũng đã 2 lần được các cụ đề nghị và đứng lên biểu diễn. Ở độ tuổi 90, họ vẫn nhảy rất "tình", hòa cùng âm nhạc đến trong từng bước di chuyển.
Những tác phẩm ông Ngọc Thọ vẽ lại về cuộc đời mình cùng các chuyến đi với vợ.
61 năm vẫn chỉ một kiểu xưng hô!
Đến bây giờ, sau hơn 60 năm bên nhau, cuộc hôn nhân của ông bà vẫn hạnh phúc. Họ không có con cái, sự mặn nồng của tình yêu dựa trên tình cảm sâu sắc dành cho nhau.
Kỷ niệm ngày cưới, mỗi năm một lần ông lại đi tìm mua quà tặng bà. Khi thì lắc tay, dây chuyền, khi lại nhẫn tặng vợ. Hoa dường như chưa bao giờ ông tìm mua vì cảm thấy không thiết thực.
"Tôi tặng những thứ có giá trị để lâu dài, hoa vài ngày là héo hết. Chưa bao giờ tôi tham khảo để tặng quà cho vợ. Quà của vợ tôi xuất phát từ suy nghĩ của tôi. Suy nghĩ từ tấm lòng nên món quà đó chính là tấm lòng. Dù nó có là gì đi nữa vẫn là tấm lòng của tôi nên không cần tham khảo ở đâu hết", ông Thọ chia sẻ.
Những tháng năm bên nhau, điều khiến họ luôn hạnh phúc có lẽ chính là những lời nói đùa diễn ra hằng ngày.
"Hôm qua anh ấy mới trêu: 'Trông em ngồi đó xinh như Thị Nở ấy', hoặc 'Trông em kháu lão quá", bà Dục Tú vừa nói vừa bật cười kể.
"Chúng ta phải luôn vui vẻ, không nghĩ đến cái chết, phải nghĩ đến sự sống. Mà nghĩ đến sự sống thì tìm niềm vui thôi. Niềm vui có nhiều cái, hành vi niềm vui, ngôn ngữ niềm vui và nói đùa là ngôn ngữ niềm vui đấy. Gây được nụ cười của nhau đâu có dễ", ông Thọ cho hay.
Đến hiện tại, sau hơn 60 năm, họ vẫn gọi anh, xưng em ngọt ngào. Nhiều đôi vợ chồng đổi cách xưng hô thành "ông tôi", "anh tôi" nhưng với họ, anh em vẫn là sự lựa chọn số một. Thậm chí, vì ở bên ngoài gọi với vào: "Anh ơi" mà bà Tú khiến mọi người ở viện cười ầm lên bởi người anh này đã 90 mà em cũng 84 rồi.
Ông Thọ thẳng thắn chia sẻ về quan điểm xưng hô: "Có đại từ nào của tình yêu hay bằng từ anh và em không? Từ xa xưa đến nay vẫn là anh và em, rất ngọt ngào.
Khi nào xưng hô chuyển qua ông, bà thì coi như mất đi sự ngọt đó rồi. Ngày xưa người ta xưng hô với nhau khác từ cậu, mợ rồi bố kèm theo tên con, mẹ kèm theo tên con. Nhưng tất cả đâu thể hiện được cái hay, cái hấp dẫn của tình yêu. Chỉ có xưng hô anh, em mới làm được điều đó.
Tiếng anh, tiếng em xuất phát từ tấm lòng, từ tình yêu nội hàm nó cũng khác với anh em kiểu tình thân. Khi phát ra âm thanh gọi người yêu, gọi vợ là em, âm thanh nó khác lắm. Bởi thế, suốt bao nhiêu năm qua tôi không muốn bỏ cách xưng hô ấy".
Cách cư xử đặc biệt với tình cũ
Cuộc nói chuyện càng say sưa, hai bên càng cởi mở, ông Thọ còn tiết lộ thêm một bí mật nữa về vợ mình. Ngày xưa, trước khi đến với ông, bà Tú đã có một anh bạn trai. Hiện tại, họ vẫn liên lạc với nhau. Tuy rằng, người bạn trai cũ đó ở tận nước Mỹ xa xôi.
Họ vẫn liên hệ với nhau bằng điện thoại. Có đợt ngày nào người cũ cũng gọi về thăm hỏi bà Tú.
"Tôi có khi nhận hộ điện thoại, nói chuyện hộ lúc vợ tôi bận rộn. Anh ta cũng trả lời, khi tiếng Anh, khi tiếng Việt, vui vẻ thôi. Tại sao lại vậy? Vì tôi biết rằng mối tình đầu quan trọng lắm.
Tôi thấy những cái gì đặc biệt được giữ lại thì trân trọng. Đó là tình đầu của vợ tôi, tôi tôn trọng. Từ tình yêu bây giờ họ có tình bạn cơ mà. Họ nói chuyện với nhau nhưng có gặp được đâu. Tôi thoải mái vậy đó, họ không ở gần, không tiếp xúc thì tôi cứ yên tâm cho nói chuyện thoải mái thôi", ông Thọ hài hước kể.
Với ông Thọ, chỉ cần có quan niệm đúng về tình yêu thì chuyện tình cũ cũng chẳng có gì đáng lo ngại. Ngay từ khi còn trẻ cả hai cũng tâm sự với nhau về tình cũ của mỗi người.
Bà Tú cũng thấu hiểu những điều ấy. Người bạn trai cũ đó có về Việt Nam nhiều lần nhưng khi họ về bà cũng không gặp, gọi điện sẽ không nghe. Bà quán triệt rõ ràng về giới hạn trong mối quan hệ với người yêu cũ. Bà ngại những điều phiền phức, phiền cho mình và còn cả gia đình đối phương.
Về phần ông Thọ, ông cũng có tình cũ nhưng không bao giờ thoải mái liên lạc được như bà Tú. Đơn giản bởi tình cũ của ông ở ngay Hà Nội. Vì khoảng cách hai bên quá gần nên ông quán triệt từ đầu sẽ không liên hệ, coi như không có mối quan hệ gì với nhau. Với ông, đó là cách giữ mình hoàn hảo nhất.
"Có những chuyện phức tạp xảy đến lắm nên tốt nhất là tôi sẽ không làm gì khiến nhà tôi phải suy nghĩ, hiểu nhầm. Ngay từ đầu, tôi không tạo cơ hội để hôn nhân có vấn đề gì đó xảy đến vì người cũ. Như nhà tôi, người yêu cũ ở cách nửa vòng Trái Đất, có nói chuyện thoải mái cũng không vấn đề.
Nhưng tôi thì không được vì bà kia ở ngay Hà Nội. Tôi phải biết giới hạn chứ. Và đúng là càng thoải mái với nhau bao nhiêu càng gắn bó bấy nhiêu. Tôi tôn trọng vợ và tôn trọng thì sẽ không làm việc gì mất lòng nhà tôi. Đã mất lòng thì không gọi là tôn trọng nữa", ông Thọ kể.
Bà Dục Tú cũng nói thêm rằng cái chính là họ tin tưởng nhau: "Ông ấy tin tôi, tôi tin ông ấy. Hai bên đều thoải mái cho nhau nhưng thoải mái đến mức nào cũng là vợ nhớ đến chồng và chồng nhớ tới vợ".
Suốt 61 năm, họ vẫn hạnh phúc bền chặt vì những triết lý hôn nhân nhẹ nhàng nhưng thâm thúy và đặc biệt ấy. Kết thúc câu chuyện, ông cười hào sảng: "Chuyện đời chúng tôi chỉ có vậy, không thêm, không bớt. Có như thế nào, tôi kể như thế ấy mà thôi".
Có lẽ, trong thế kỷ 21 này, cái "không thêm không bớt" đó của ông cũng đã đủ kỳ diệu, đủ đặc biệt. Hi vọng rằng, ông bà Ngọc Thọ - Dục Tú sẽ có nhiều sức khỏe sống thật vui vẻ, hạnh phúc như những gì họ được trải nghiệm suốt 61 năm qua.
Bài: Ca Ca - Ảnh: Quang Huy