Diễn viên Thuận Nguyễn "gầy như da bọc xương" vì giảm 22kg để đóng phim: Kiểu giảm cân nguy hiểm, coi chừng rước bệnh - hại thân!

(Tổ Quốc) - Giảm hơn 20kg để đóng phim và rồi tăng cân đột ngột trở lại, sức khỏe của Thuận Nguyễn có lúc suy yếu đến mức không thể ngồi dậy, không thể ăn uống gì.

Thuận Nguyễn gầy trơ xương vì giảm 22kg để đóng phim

Xuất hiện trong vai Ken của phim "Bẫy ngọt ngào", chàng diễn viên điển trai Thuận Nguyễn không chỉ khiến khán giả xuýt xoa vì khả năng diễn xuất, mà còn vì những nỗ lực của anh trong hành trình hoàn thành vai diễn.

Anh đã nỗ lực giảm 22kg từ 92kg xuống còn 70kg trong vòng 3 tháng để phù hợp với tạo hình nhân vật và sau đó tăng trở lại 22kg trong 2 tuần để thực hiện những cảnh quay tiếp theo.

tn6-16450915014451951013998.jpeg

Thuận Nguyễn gầy trơ xương sau khi giảm cân.

Theo Thuận Nguyễn chia sẻ, để giảm cân thành công anh đã kết hợp nhiều phương pháp với nhau như nhịn ăn, nhịn uống, xông hơi… Sau đó anh thực hiện nhiều giờ chạy bộ, tập tạ nặng và duy trì sức bền, sức dẻo để tăng cân nhanh. Sự hy sinh cho vai diễn khiến sức khỏe của Thuận Nguyễn ở trong tình trạng báo động, có những lúc không thể ngồi dậy, không thể ăn uống gì, luôn cần một bác sĩ đi cùng.

dsc00785-16450915016792035101414.jpeg

Thuận Nguyễn tăng trở lại 22kg trong thời gian 2 tuần.

Giảm cân và tăng cân quá vội, coi chừng rước bệnh, hại thân

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (Bệnh viện Quân Y 110), để có được cân nặng lý tưởng, chúng ta nên giảm cân hoặc tăng cân một cách từ từ. Việc giảm cân quá nhanh, sau đó tăng cân nhanh sẽ gây mệt mỏi cho cơ thể, đồng thời khiến các cơ quan nội tạng bị tổn thương do thiếu năng lượng, mất nước điện giải, đặc biệt gây hại cho thận. Ngoài ra, cơ thể bị mất điện giải nhiều sẽ gây hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, chuột rút tay chân....

Theo phân tích của bác sĩ Hoàng, muốn giảm cân chúng ta cần kiểm soát calo đầu vào và calo đầu ra. Calo đầu vào được quyết định bằng việc chúng ta ăn gì, uống gì; mọi đồ ăn, thức uống ta đưa vào cơ thể đều sẽ biến thành calo (trừ nước lọc). Còn calo đầu ra phụ thuộc vào cách tiêu hao năng lượng của cơ thể chúng ta (ví dụ làm việc, lao động, thể dục thể thao).

"Trung bình mỗi người lớn cần 30 – 35 calo/kg cân nặng, ví dụ người 60kg thì cần 1800-2000 calo/ngày. Cấu trúc của cơ thể người gồm có xương, cơ, mỡ, và nước. Cách giảm cân tốt nhất, khỏe mạnh nhất đó là giảm mỡ. Bằng cách cắt giảm calo và tăng hoạt động, người dưới 45 tuổi có thể cắt giảm 500 calo/ngày; trên 45 tuổi chỉ nên cắt giảm 300 calo/ngày như vậy sẽ không bị mệt, vẫn có thể duy trì các hoạt động của cơ thể", bác sĩ Hoàng nói.

5e04e2f445e7d6f9bbd11edf967e4846.jpeg

Việc giảm cân quá nhanh, sau đó tăng cân nhanh sẽ gây mệt mỏi cho cơ thể, đồng thời khiến các cơ quan nội tạng bị tổn thương.

Nhìn chung, một cơ thể khỏe mạnh là cơ thể có cân nặng ổn định, không nên cố gắng tăng hoặc giảm quá nhanh. Để giữ cho cân nặng luôn ổn định, ThS.BS Dương Quốc Phong (Bệnh viện Thống Nhất và là giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM) khuyến cáo:

- Mọi người cần tránh các thực phẩm cung cấp năng lượng nhiều như: bánh rán, thịt nhiều mỡ, đồ chiên, xào.

- Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có năng lượng rỗng như bánh kẹo, nước ngọt có gas, bia…

- Nên tăng cường sử dụng thực phẩm có tác dụng gây no, không chứa năng lượng nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe như rau xanh, trái cây.

- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để tiêu thụ năng lượng, ít nhất 30 phút/ngày.

Đậu Đậu

Tin mới