(Tổ Quốc) - "Tôi phải đi vặt rau lang, thái rau lang đem trộn chung với cám" – Hồ Bích Trâm kể về quá khứ vất vả.
Mới đây, chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với sự tham gia của diễn viên Tấn Hoàng, diễn viên – nhà sản xuất Hồng Ánh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, diễn viên Hồ Bích Trâm và đội trưởng Á hậu Hà Thu – Á hậu Thùy Dung.
Tại chương trình, các nghệ sĩ được cùng nhau nhìn lại hình ảnh chiếc bếp củi nhóm lửa ở quê ngày xưa.
Là một người từng sinh ra và lớn lên ở quê, diễn viên Hồ Bích Trâm bật khóc tâm sự:
"Nhìn hình ảnh chiếc bếp lửa khiến tôi rất nhớ nhà vì bản thân tôi là người sống ở quê. Từ nhỏ tôi đã gần gũi với chiếc bếp lửa này nên nhìn thấy nó tôi có rất nhiều cảm xúc.
Cách đây tầm một tháng tôi có về quê, đúng lúc nhà tôi cúp điện. Lúc đó, tôi thấy mẹ đã đun sẵn cho tôi một ấm nước để tắm bằng bếp lửa.
Ở nhà tôi dưới quê, dù Tết hay ngày thường mẹ tôi cũng đều nấu bếp củi. Dù tôi đã mua nồi cơm điện, bếp ga nhưng mẹ tôi không bao giờ dùng, vẫn nấu củi.
Tôi hỏi vì sao mẹ cứ nấu bếp củi hoài, mẹ bảo nấu bếp củi thì cơm ngon, có cháy để ăn, kho cá cũng ngon hơn, nếu bếp ga mẹ thấy không ngon. Với lại nấu bếp củi thì tiết kiệm tiền ga, tiền điện.
Tôi cũng có kinh nghiệm 15 năm nấu cơm bằng bếp củi, 15 năm nấu cám heo. Nhà tôi dưới quê trước đây nuôi đến 60 con heo. Tôi phải đi vặt rau lang, thái rau lang đem trộn chung với cám.
Cứ 4 giờ sáng tôi phải dậy đun củi để nấu cám heo. Nồi cám heo nhà tôi đen thui luôn.
Tôi còn để sẵn một thanh đũa tre to để ngoáy cám, tôi ngoáy nhiều tới mức giờ tay to luôn.
Tôi tự nấu cám nuôi một con heo còi của mình. Con heo đó tưởng chết mà tôi nuôi cho béo mầm, đem bán được hẳn 750 ngàn thời đó. Ba tôi đem tiền đi mua cho tôi một chiếc dây chuyền vàng mà vẫn còn thừa mấy trăm ngàn, liền mua thêm 100 hột vịt lộn về ăn".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi không may mắn được sống dưới quê nên không được thấy cái bếp củi như thế nào. Nhưng mỗi lần nhìn chiếc bếp củi, tôi lại nhớ tới Đà Lạt và bà nội mình vì Đà Lạt là quê nội tôi.
Hồi trước, cứ mỗi lần tôi về quê bà nội lại vào bếp củi đun nước nóng cho tôi rồi nấu cả mỳ cho tôi ăn.
Đó chỉ là một tô mỳ bình thường thôi, nhưng tôi ăn thấy ngon lắm. Cứ mỗi lần nhìn bếp, tôi lại nhớ đến bà.
Bà nội tôi đã mất cách đây 8 năm rồi. Từ đó tới giờ, tôi vẫn giữ thói quen đi Đà Lạt bằng xe khuya để lên Đà Lạt vào lúc 5 giờ sáng. Tầm đó, tôi đi bộ lại nhà bà nội.
Chỉ tiếc là bây giờ tôi không có bà nội nấu mỳ cho ăn nữa".
Tùng Ninh