(Tổ Quốc) - Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) là một trong các ca bệnh Covid nặng nhất tại Việt Nam. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã phải sử dụng kết hợp nhiều phương pháp một lúc để hỗ trợ bệnh nhân. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các chuyên gia đang cân nhắc đến việc ghép phổi cho ca bệnh này.
Ngày 20/3, ca bệnh số 91 được công bố dương tính với Covid-19. Bệnh nhân là nam, quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines. Ngày 08/02/2020 là hành khách từ London - Anh về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, bệnh nhân có tham dự một chương trình nhạc hội với hàng chục người tham gia tại quán bar Buddha, TP HCM. Từ thời điểm này, quán bar Buddha trở thành ổ dịch lớn thứ hai cả nước, bởi hàng loạt ca dương tính sau đó có liên quan tới địa điểm này.
Kể từ ngày nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp tăng dần. Bác sĩ phải hỗ trợ từ biện pháp hô hấp bằng cách thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn và tới ngày 6/4 phải can thiệp ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) đến ngày thứ 4. Hệ miễn dịch của BN 91 đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể, gây ảnh hưởng phủ tạng. Hiện tượng này y học gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay cơn bão cytokine nhưng không thể lý giải được nguyên nhân.
Để điều trị, các bác sĩ chọn duy trì can thiệp ECMO để giúp hoạt động chức năng của phổi phải đã bị tổn thương, chờ phản ứng viêm qua đi.
Theo thông tin từ các bác sĩ, lý do phi công còn ở nhóm tuổi, nguy cơ không phải cao nhất nhưng lại là một trong những ca bệnh nặng là do phi công này có tình trạng béo phì, thuộc nhóm bệnh có nguy cơ cao nếu mắc thêm Covid-19.
Bệnh nhân 91 có diễn tiến bệnh phức tạp và là một trong các ca bệnh Covid nặng nhất tại Việt Nam.
Những diễn biến tích cực ban đầu của ca bệnh
Ngày 8/4, sức khỏe bệnh nhân có diễn biến ổn định với oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể và lọc máu liên tục, bệnh nhân không sốt, nằm yên (có dùng thuốc an thần) và không dùng thuốc vận mạch, có biểu hiện suy tạng.
Ngày 10/4, kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR SARS-CoV-2 ở mẫu bệnh phẩm dịch phế quản cho kết quả âm tính. Trong khi đó, bệnh phẩm ở dịch mũi họng của BN số 91 thì còn dương tính yếu. Tổn thương phổi ngưng tiến triển, tuy nhiên thông khí còn rất hạn chế.
Ngày 13/4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm "dương tính nhẹ" trở lại sau 1 ngày có kết quả âm tính. Bệnh nhân vẫn ở tình trạng xấu, bị rối loạn đông máu trầm trọng, nhưng lại kháng các thuốc đông máu đang dùng ở Việt Nam dù thuốc rất tốt. Ngành Y tế đã phải đặt mua thuốc trị đông máu từ Đức về.
Ngày 16/4, kết quả xét nghiệm cho thấy dịch rửa phế quản đã âm tính, dịch mũi họng còn dương tính, các chuyên gia hồi sức chuẩn bị cho bệnh nhân cai ECMO.
Xét nghiệm âm tính, dương tính đan xen nhau
Ngày 19/4, BN 91 có diễn biến lâm sàng ổn định, kết quả RT PCR đều âm tính với virus corona ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng. Bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Dù vậy, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục dùng ECMO do phổi vẫn còn tổn thương nặng chưa cải thiện.
Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, âm tính liên tục đan xen nhau.
Ngày 20/4, kết quả xét nghiệm dịch mũi họng với bệnh nhân 91 lại dương tính nhẹ. Tới ngày 21/4, chức năng phổi của bệnh nhân 91 đã cải thiện khá hơn sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM tập vật lý trị liệu hô hấp. Dù vậy, phổi của bệnh nhân vẫn trong tình trạng tổn thương nặng khi kết quả siêu âm cho thấy một nửa phổi bên trái của bệnh nhân đông đặc và tình trạng tương tự ở 1/3 dưới phải.
Ngày 22/4, bệnh nhân 91 đã kiểm soát tạm ổn được rối loạn đông máu và ngưng lọc máu. Vấn đề của bệnh nhân lúc này là tình trạng viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cepacia và vi nấm aspergillus. Bệnh nhân được sử dụng kháng sinh, kháng nấm, tập vật lý trị liệu hô hấp cải thiện chức năng phổi, thở máy, can thiệp ECMO nhưng các bác sĩ cũng đang giảm dần thông số máy.
Ngày 24/4, bệnh nhân đã bắt đầu lọc máu trở lại sau 2 ngày ngưng, kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng và dịch rửa phế quản ngày 23/4 của bệnh nhân đã cho kết quả âm tính với Covid-19. Kết quả X-quang và siêu âm cho thấy tình trạng phổi của bệnh nhân diễn tiến xấu hơn. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO và kháng sinh, kháng nấm, có tổn thương thận nên được lọc máu hỗ trợ chức năng thận.
Ngày 25/4, bệnh nhân vẫn ở tình trạng phổi tổn thương nặng. Phổi bên phải của bệnh nhân đông đặc toàn bộ mặt sau và đáy phổi, có tràn dịch lượng ít. Tình trạng tương tự ở 1/2 dưới phổi trái. So với tình hình ngày đầu nhập viện, tình trạng đông đặc ở phổi trái đã có cải thiện, nhưng phổi phải tổn thương lại nặng hơn. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp bệnh nhân có kết quả âm tính với Covid-19.
Bệnh nhân dương tính trở lại, tình trạng trở nên nguy kịch hơn
Ngày 26/4, bệnh nhân dương tính trở lại với Covid-19.
Ngày 27/4, bệnh nhân đã có xét nghiệm âm tính với virus corona. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân vẫn trong tình trạng tổn thương nặng chưa cải thiện nhiều. Phổi phải xẹp vùng sau dưới, không tràn dịch màng phổi, phổi trái đông đặc nửa dưới. Nam phi công tiếp tục được thở máy, mở khí quản, can thiệp ECMO và sử dụng kháng sinh, kháng nấm.
Bệnh nhân đông đặc phổi, tràn khí màng phổi phải, tình trạng nguy kịch hơn.
Ngày 4/5, tình hình bệnh nhân trở lại nguy kịch. Kết quả siêu âm phổi cho thấy phổi trái thùy dưới đông đặc, tràn khí màng phổi phải. Tràn khí màng phổi là sự tích tụ của không khí trong khoang màng phổi, làm xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi, gây thiếu oxy trong máu. Bệnh nhân được dẫn lưu khí màng phổi, tiếp tục thở máy, mở khí quản, can thiệp ECMO, lọc máu, kiểm soát rối loạn đông máu.
Ngày 7/5, xét nghiệm dịch mũi họng của bệnh nhân dương tính trở lại, dù dịch phế quản vẫn âm tính. Ngoài tiếp tục tràn khí màng phổi phải, men gan bệnh nhân tăng trở lại, các xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng có xu hướng tăng. Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đây là ca bệnh duy nhất đang trong tình trạng nguy kịch ở nước ta hiện nay.
Cân nhắc phương án ghép phổi
Ngày 8/5, trước diễn biến xấu về sức khỏe của bệnh nhân, Hội đồng chuyên môn điều trị ca bệnh Covid-19 (Bộ Y tế) đã xem xét, cân nhắc phương án ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh. Dù vậy, tối 8/5, chia sẻ với PV báo Tiền phong, TS.BS Châu cho biết muốn ghép phổi còn phải tùy thuộc nhiều khả năng, trước hết phải chờ hết tình trạng phổi viêm nhiễm và có nguồn phổi hiến sẵn.
Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân 91 không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị hiệu quả, đây là hy vọng cuối cùng. Dù Việt Nam đã có 3 bệnh viện thực hiện ghép phổi, nhưng báo cáo về ghép phổi ở bệnh nhân Covid còn rất ít. Hơn nữa, để ghép phổi, các bác sĩ còn phải đánh giá nhiều điều kiện toàn trạng khác.
An Huy (T/H)