(Tổ Quốc) - Mặc dù mới đây, Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang vừa chấp thuận chủ trương chấm dứt việc tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc.
Đây những tưởng là tin rất vui, vô cùng hồ hơi cho giới đầu tư nhà đất trên đảo ngọc Phú Quốc, thế nhưng khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, toàn bộ thị trường đang chìm vào cảnh trầm lắng, nếu như không muốn nói là "đóng băng" hoàn toàn!
Hình ảnh thực tế trên thị trường BĐS Phú Quốc hiện nay là những con đường vắng lặng, du khách không còn tấp nập đi lại, đặc biệt là hàng loạt sàn giao dịch bất động sản từ Nam Đảo đến Bắc Đảo đều...đóng cửa, ngưng hoặc đồng và đang dán thông báo cho thuê lại mặt bằng.
Trao đổi với một số giám đốc sàn, được biết thị trường nhà đất Phú Quốc đã rơi vào cảnh "chợ chiều" từ sau Tết đến nay, mặc dù tỉnh Kiên Giang mới có những quyết định mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tình hình này càng "bi đát" hơn khoảng 2 tháng trở lại đây, khi cơn dịch bệnh xuất hiện.
Kéo theo đó, du khách không còn đến Phú Quốc tấp nập như mọi năm dù thời điểm này là cao điểm du lịch trên đảo. Song song đó, thị trường nhà đất không hề có những giao dịch như kỳ vọng, mọi kế hoạch ra hàng, bán hàng đều bị hủy bỏ.
"Hàng loạt sàn giao dịch đã phải đóng cửa do không có một khách hàng đến đến tìm hiểu hay hỏi mua bán dự án. Nhân viên môi giới dường như đang "ngủ đông" hoặc đã quay trở lại đất liền đầu quân cho các sàn khác để kiếm sống. Trên đảo này thời gian gần đây liên tục xuất hiện cảnh các nhóm người lạ mặt đến một số công ty đòi nợ nhân viên môi giới, do vậy buộc họ phải đóng cửa cho thuê lại mặt bằng vì không thể cầm cự", anh T. H. Hải - Phó giám đốc sàn giao dịch ngay trung tâm Phú Quốc cho biết.
Một nhân viên khác cho biết Phú Quốc là một thị trường đầu tư rất tiềm năng và rộng mở, thu hút được các nhà đầu tư từ mọi nơi trên đất nước. Trong đó có nhiều nhà đầu tư nhỏ, họ không có đủ vốn để đầu tư những dự án lớn thì họ có thể mua những miếng đất nhỏ để đầu tư và mong chờ khi Phú Quốc phát triển thì bất động sản còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã đẩy hàng loạt sàn môi giới vỡ nợ, phải bán lại nền đất giá rẻ bèo theo kiểu gán nợ cho các nhóm cho vay nặng lãi.
Thị trường bất động sản Phú Quốc đã khá trầm lắng trong thời gian dài, hiện nay kèm thêm dịch bệnh có diễn biến khó lường, mặc dù tỉnh Kiên Giang đã gỡ bỏ lệnh cấm phân lộ, tách thửa, nhưng chỉ có tác động về mặt tinh thần cho chủ đầu tư và khách hàng đang giữ đất tại Phú Quốc. Mặt khác, quy định trong văn bản đặt ra các điều kiện để được phân lô, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất khắt khe và mang tính tuân thủ cao hơn.
Sau khi thông tin chấp thuận chủ trương chấm dứt việc tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc được công bố, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Nguyên nhân là bởi, văn bản này chưa tạo xung lực mạnh để "phá băng" thị trường, cộng với dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là du lịch, nên diễn biến thị trường vẫn ảm đạm.
Tình trạng hàng loạt sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa trên các cung đường chính tại huyện đảo Phú Quốc
Để thị trường phục hồi và phát triển trở lại sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kiểm soát dịch bệnh, phục hồi dịch vụ du lịch và các quyết định lớn tác động đến Phú Quốc từ Chính phủ và Quốc hội… Do đó, một số nhà đầu tư cho rằng cần thời gian khá dài để thị trường bất động sản Phú Quốc phục hồi.
Tuy nhiên, sau 2 đợt sốt đất 2014-2015 và 2017-2018 khiến giá đất Phú Quốc tăng cao, nếu có đợt sốt đất sắp tới cũng khó làm cho giá đất tăng phi mã. Thời gian này, những nhà đầu tư không có vốn mạnh, hoàn toàn đi vay thì buộc phải bán phá giá để thu hồi vốn, trả lãi vay chứ khó mà cầm cự thêm được.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo khách hàng cần phải tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi xuống tiền, bởi có thể mua phải nền đất pháp lý không rõ ràng vì ham giá đang rẻ. Sau này không thể thực hiện được thủ tục pháp lý để hợp thức hoá, đồng nghĩa với việc "tiền mất, đất cũng ra đi"...
Nam Phong