(Tổ Quốc) - Chấn thương tâm lý vốn đã rất khó khăn đối với người bình thường. Tuy nhiên với những ai đã từng trải qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh thì càng nghiêm trọng hơn.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, sau khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh phong tỏa Vũ Hán, công ty tư vấn tâm lý KnowYourself có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc đã cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhân viên y tế và những người gặp vấn đề về tâm lý trong bối cảnh khủng hoảng của dịch Covid-19 cũng như tình trạng sức khỏe mà họ đang gặp phải.
Công ty đã tập hợp một đội ngũ hơn 100 chuyên gia và tình nguyện viên được đào tạo chuyên nghiệp để kiểm tra tin nhắn của những người có nhu cầu, cung cấp cho họ những lựa chọn tư vấn tâm lý thông qua bài viết học thuật, hoặc tùy chọn hỗ trợ qua phương pháp video call hoặc gọi điện thoại.
Công việc này đã khiến họ vô cùng bận rộn. "Có đôi lúc họ còn thảo luận một số trường hợp khó khăn vào đêm khuya", Zhao Jialu - một chuyên viên phụ trách nhóm tâm lý học của công ty, chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 lan rộng đến toàn cầu, nhiều người đã phải đối mặt với những biến cố về sức khỏe. Không chỉ bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19, nhân viên y tế mà ngay cả những người không mắc bệnh cũng đã trải qua một số khủng hoảng như lo lắng, trầm cảm và căng thẳng.
Zhao đã tận mắt chứng kiến sức khỏe tinh thần của mọi người trong cộng đồng thay đổi khi dịch Covid-19 bùng phát. "Khi biết tin về dịch Covid-19, mọi người khá sợ hãi và lo lắng vì không nhận thức được virus đó như thế nào", cô chia sẻ.
Zhao cũng nói thêm, nhiều nhân viên y tế mang cảm giác xấu hổ khi họ không thể cứu được bệnh nhân hoặc không ra tiền tuyến chống dịch như một số đồng nghiệp khác.
Đến đầu tháng 2, những cảm giác này dần chuyển sang tuyệt vọng, mất mát, thậm chí là tức giận. Lúc đó, Trung Quốc đã ghi nhận thêm số ca nhiễm Covid-19, tăng hơn 3.000 ca mỗi ngày tính từ ngày 3 đến ngày 7/2. Sự tức giận này càng được thổi bùng lên sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng - một trong những bác sĩ đầu tiên phát hiện virus SARS-CoV-2 qua đời.
Khi dịch Covid-19 ở Trung Quốc có dấu hiệu giảm nhiệt, các câu hỏi tâm lý từ nhân viên y tế cũng giảm theo nhưng một số đối tượng khác như những người dân bình thường lại bắt đầu đối mặt với nhiều lo lắng khi họ rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Dữ liệu từ nền tảng tư vấn y tế trực tuyến cho thấy trong hai tháng qua, 90% các câu hỏi liên quan đến sức khỏe tâm thần đến từ các công dân bình thường, 10% còn lại từ các bác sĩ và y tá. Tuy nhiên, những bệnh nhân thường mất thời gian dài mới có thể bình phục.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Tâm thần học Canada, một năm sau đại dịch hội chứng hô hấp cấp (SARS) năm 2003, các bệnh nhân sau khi hồi phục vẫn có những người rơi vào tình trạng trầm cảm, lo lắng.
So với đại dịch SARS năm ấy thì với dịch Covid-19 này đã vượt rất xa khi gây ra hàng trăm ngàn ca nhiễm và hàng chục ngàn người tử vong trên toàn thế giới. Một yếu tố khác biệt khác trong thời dịch SARS là không có dịch vụ trực tuyến, không có điện thoại thông minh và các ứng dụng khác.
Công nghệ hiện đại và sự phổ biến của Internet ngày nay đã có nhiều sự trợ giúp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần cho những người mắc Covid-19 thông qua các dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến. Trong cuộc khủng hoảng này, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đã trở nên phổ biến hơn.
Cô Zhao, người bắt đầu công việc tư vấn tâm lý trực tuyến từ năm 2010 cho biết, mô hình này thường phù hợp với một số người cảm thấy tự ti về ngoại hình của chính họ. Tuy nhiên, Zhao cũng nói thêm, cần phải thực hiện những biện pháp đặc biệt cho các tư vấn trực tuyến, như có kết nối internet ổn định, nhằm đảm bảo bệnh nhân không bị phân tâm bởi môi trường và đạt được thỏa thuận chung bằng cách ghi lại cuộc trò chuyện, mã hóa và lưu trữ.
"Khi cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta nên mở rộng chăm sóc cho hai nhóm người. Một là những người già, hai là những người làm việc quá sức", cô Zhao bày tỏ mong muốn của bản thân và cũng không quên nhấn mạnh rằng, người già thường không tự nguyện tìm kiếm sự tư vấn.
Khi một cư dân Vũ Hán 73 tuổi họ Li mất chồng vì Covid-19 vào tháng trước, bà đã từ chối đề nghị được giúp đỡ tâm lý. Bà nói rằng với cháu gái rằng mình không thể chịu đựng được. Bà Li đã có xét nghiệm dương tính 2 lần với virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn không có triệu chứng. Vì vậy, trường hợp của bà được xem như là chưa xác định. Bà được cách ly tại một phòng khách sạn trong tâm trạng đau đớn khi mất chồng.
Emma Yang, cháu gái của bà Li hiện đang sống ở Úc đã gọi điện thoại cho bà mỗi ngày. “Bà tôi nói rằng không thể ngủ ngon vào ban đêm. Bà thường thức dậy lúc 4-5 giờ sáng, ngồi một mình gần cửa sổ và không nghĩ gì khác ngoài việc nhớ ông". Trong trường hợp này, Zhao khuyên mọi người nên duy trì tình trạng thể chất tốt cũng như thắt chặt mối quan hệ gia đình.
(Nguồn: SCMP)
Jia You