(Tổ Quốc) - Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng sau dịch bệnh đã thay đổi như thế nào theo góc nhìn của chuyên gia tài chính Hoàng Phương Thảo.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến một bộ phận người tiêu dùng chuyển hướng bớt sống vật chất hơn
Những thay đổi trong chi tiêu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên thận trọng hơn giữa bối cảnh đại dịch, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng từ làm việc bên ngoài sang làm việc ở nhà nhiều hơn.
Trước dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng của người Việt ở mức cao. Không chỉ chi tiền cho các thú vui như mua sắm hàng hóa, đồ hiệu xa xỉ, mua nhà, mua xe, mà còn là du lịch, tận hưởng và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khi đại dịch có diễn biến phức tạp, ngoài việc giữ an toàn thì chính mức thu nhập giảm đi cũng khiến họ buộc phải thay đổi cách chi tiêu của mình, sống bớt vật chất hơn.
Theo Hoàng Phương Thảo điều này thể hiện rõ nhất qua việc quan sát doanh số bán của các ngành hàng. Bởi hiểu đơn giản: Mức thu nhập hàng bị thấp đi, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch từ chi tiêu tùy ý sang các nhu yếu phẩm thiết yếu, còn mức thu nhập cao sẽ có xu hướng ngược lại.
Nếu như các món đồ liên quan đến vấn đề vệ sinh và sức khỏe tiếp tục được chú trọng, trong đó các chất tẩy rửa gia dụng, nước rửa tay, xà phòng, gel tẩy rửa đều đứng đầu danh sách mua sắm của mọi người. Điều này là không có trong thời gian trước khi dịch bệnh xảy ra. Không những vậy, so với năm 2019, chi phí mua thực phẩm (bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, tươi sống và đồ hộp), chi phí mua sắm sản phẩm cho nhà ở và tiện ích cũng tăng lên.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước, các mặt hàng thực phẩm thì tăng 12,28% so với năm trước, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23%, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35%.
Bên cạnh đó nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm trước. Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm nhu cầu tiêu dùng của nhóm du lịch trọn gói giảm 6,24% so với năm trước. Giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm.
Những số liệu này cho thấy sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng nhiều khả năng là do ảnh hưởng của việc người dân phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như ở nhà nhiều hơn hoặc tự nấu ăn. Về cơ bản, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu đồng nghĩa với việc người dân cắt giảm chi phí tiêu dùng cho các danh mục sản phẩm dịch vụ khác. Chẳng hạn, họ có thể giảm mua sản phẩm đầu tư, dịch vụ giải trí và du lịch trong thu nhập của mình.
Cắt giảm ngân sách cho giải trí và du lịch được giải thích là do tình trạng hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, nhiều gia đình hiện nay chia sẻ rằng: 80% ngân sách hàng tháng của họ đang được chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu.
Điều này cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp diễn, tỷ lệ các gia đình có dự định cắt giảm chi tiêu cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, nhóm người tiêu dùng có mức thu nhập hộ gia đình hàng tháng càng thấp (mức thu nhập trong khoảng 4 - 9 triệu đồng) sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu và chắt bóp tài chính gia đình nhiều hơn.
Thích chi tiền mua lối sống lành mạnh và chia sẻ trải nghiệm nhiều hơn là sống ảo
Trong thời kì dịch bệnh, một bộ phận thích dùng tiền của mình cho đầu tư phát triển những trải nghiệm, thực hiện ước mơ và đáp ứng nhu cầu khác của bản thân. Theo như báo cáo thị trường mới đây do chuyên trang Batdongsan vừa công bố cho thấy, dịch bệnh tái bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp đang tạo ra sức ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường bất động sản.
Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm và giao dịch bất động sản tại nhiều thị trường đang có sự chững lại rõ rệt. Báo cáo của Batdongsan cũng đi vào chi tiết từng thị trường khu vực miền Nam, cho thấy các điểm “nóng” về giao dịch nhà đất từng đạt đỉnh về mức độ quan tâm trong tháng cuối năm 2020 như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đều suy giảm mức độ quan tâm vào quý đầu năm 2021.
Riêng với thị trường TP.HCM, mức độ quan tâm nhà đất toàn tháng 4 giảm 17% so với tháng trước. Phân khúc đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh là loại hình căn hộ với nhu cầu tìm mua giảm gần 25%.
Ngoài ra, theo thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra, trong báo cáo về tình hình kinh doanh BĐS quý I/2021 tổng hợp từ Sở Xây dựng của các địa phương có 25.386 giao dịch bất động sản thành công. Tổng lượng giao dịch này đã giảm chỉ bằng 86% so với quý IV/2020.
Điều này cho thấy, các gia đình đã bớt quan tâm và lên kế hoạch cho vấn đề nhà cửa. Thay vào đó họ chuyển nhu cầu và sở thích những lựa chọn cuộc sống trải nghiệm ở quê hay các vùng lân cận, xa thành phố nhiều hơn. Hàng loạt dịch vụ như cắm trại, sinh hoạt tại các khu tự nhiên hay dịch chuyển và sống trên xe bỗng dưng được nhiều người chuộng, quan tâm sôi nổi và lựa chọn cho gia đình mình.
Nhiều gia đình trẻ trong thời kỳ dịch bệnh lựa chọn trải nghiệm ở quê hay các vùng lân cận, xa thành phố. Nguồn ảnh: Nguyễn Hải.
Không những thế, việc bỏ phố về quê cũng thấy xuất hiện nhiều lên. Việc bạn bè, đồng nghiệp lựa chọn đưa cả gia đình về quê sống đã không phải là điều quá bất ngờ với nhiều người. Lý do đơn giản vì họ không muốn tốn quá nhiều tiền trong việc thuê nhà, chi phí ở các thành phố lớn vẫn ở mức cao và vấn đề công việc có thể xử lý dưới hình thức online.
Điều này có thể minh chứng qua trường hợp của Huyền Trang, một người trẻ mới đây do ảnh hưởng của dịch bệnh tới công việc của mình mà đã lựa chọn về quê sinh sống. Điều này giúp Trang cắt giảm được chi phí triệt để xuống còn 1/5 lương, dư dả hơn so với thời điểm ở thành phố.
"Vì các dự án và công việc của mình bị gián đoạn do dịch. Bản thân công việc tự do cũng không phụ thuộc vào nơi sinh sống nên khi bị ảnh hưởng mình cũng không có lý do gì ở tại Hà Nội mãi. Chưa kể không khí bon chen tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm làm mình muốn thay đổi môi trường sống lành mạnh hơn. Ngoài ra, tâm lý muốn được nghỉ ngơi, về quê với gia đình cũng làm mình chắc chắn hơn với quyết định này", chị Huyền Trang chia sẻ.
Tổng kết
Theo chuyên gia tài chính Phương Thảo, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân ở thời điểm hiện tại. Một bộ phận chủ động thay đổi để phù hợp còn một số khác bị tác động phải thay đổi. Lúc này, điều quan trọng nhất cần nhìn nhận lại là việc cân đối tiêu dùng và tài chính, giảm chi tiêu vào những thứ không cần thiết là cách cân bằng mức tài chính khi nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.
Bài viết được sự tư vấn từ chuyên gia tài chính Hoàng Phương Thảo
Hồng Nhung