Đi ra cây ATM rút tiền trong thời gian giãn cách xã hội có vi phạm Chỉ thị 16?

(Tổ Quốc) - Người đàn ông ở TP.HCM ra đường rút tiền tại ATM để mua thực phẩm nhưng bị xử phạt vì lý do ra đường không chính đáng khiến dư luận không khỏi xôn xao. Vậy đi rút tiền trong thời gian giãn cách xã hội có vi phạm Chỉ thị 16?

Vụ việc anh V.M.N. (trú tại địa chỉ số 7M đường số 14, phường 3, quận Bình Thạnh) đi từ nhà (đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận) để rút tiền đi mua thực phẩm và bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày vừa qua.

Trong bối cảnh TP.HCM đang tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, người dân ra ngoài trong những trường hợp không cần thiết sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, theo phản ảnh của anh N., vào khoảng15h ngày 10/7, anh đi từ nhà (địa chỉ số 7M đường số 14, phường 3, quận Bình Thạnh) đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) để rút tiền đi mua thực phẩm.

Khi còn cách ATM khoảng 10m thì anh bị cán bộ chốt kiểm dịch COVID-19 tại giao lộ Phan Xích Long - Hoa Sứ yêu cầu dừng xe. Anh đã giải thích mình đi rút tiền mua thực phẩm nhưng vẫn bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng.

Đi rút tiền ở TP.HCM có vi phạm Chỉ thị 16? - Ảnh 1.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường 7, quận Phú Nhuận tại chốt giao lộ đường Phan Xích Long - Hoa Sứ

Vụ việc sau đó đã được thông tin, chia sẻ lên MXH gây xôn xao dư luận.

Liên quan đến vụ việc, UBND quận Phú Nhuận đã có phản hồi chính thức.

Trả lời trên Tuổi trẻ Online, UBND quận Phú Nhuận cho biết, trong khi anh N. sinh sống tại phường 3, quận Bình Thạnh nhưng lại sang phường 7, quận Phú Nhuận để rút tiền là không hợp lý.

Tại khu vực anh N. sinh sống có nhiều cửa hàng thực phẩm và các cửa hàng đều thanh toán qua thẻ ATM. Ngoài ra, trên địa bàn phường 3 và các phường giáp ranh như phường 1, quận Bình Thạnh cũng có trụ sở và trụ ATM của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, siêu thị Co.opmart Rạch Miễu tại địa chỉ 48 Hoa Sứ, phường 7 đã có thông báo rộng rãi về việc ngưng hoạt động vào các ngày 8, 9 và 10-7 để tiến hành khử khuẩn và chỉ bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 11-7.

Đi rút tiền trong thời gian giãn cách xã hội có vi phạm Chỉ thị 16? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, việc UBND phường 7 lập biên bản vi phạm và xử phạt đối với anh N. tại điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt 1 triệu đồng là có cơ sở và phù hợp với quy định hiện hành.

Còn về việc, anh N. không nhận được biên lai nộp phạt ngay tại thời điểm đó, UBND quận Phú Nhuận cho biết, đối với vi phạm của anh Nhật, UBND phường 7 không thể sử dụng biên lai xử phạt hành chính tại chỗ vì mức xử phạt là 1 triệu đồng, nằm ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Do đó, phường 7 đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với anh N..

Đồng thời, theo UBND quận Phú Nhuận, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế việc người dân phải đi lại nhiều nơi để đóng tiền phạt, UBND phường sở tại sẽ trao đổi, giải thích việc nộp phạt và nếu người vi phạm đồng ý thì UBND phường thu hộ, nộp thay tiền phạt cho người vi phạm, sau đó giao trả biên lai thu phạt cho người vi phạm.

Đi rút tiền trong thời gian giãn cách có vi phạm Chỉ thị 16? 

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và số ca nhiễm ngày càng tăng trên địa bàn, ngày 8/7, UBND TP.HCM ban hành Công văn số 2279 về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Điều 2 Công văn 2279 nêu rõ: Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong một số trường hợp thật sự cần thiết. 

 Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở sau đây: 

Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét.

Đi rút tiền ở TP.HCM có vi phạm Chỉ thị 16? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề, người dân đi rút tiền tại ATM có vi phạm Chỉ thị 16, Luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM), thông tin trên Zing cho biết:

Tuy Chỉ thị 16 và Công văn 2279 không nêu rõ việc có được ra ngoài cây ATM hay ngân hàng để rút tiền hay không. Nhưng để đảm bảo an toàn cho mọi người và phát huy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Công văn 2279 nêu rõ: Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn TP, trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội” nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng”.

Mặt khác, ngân hàng nói chung có nằm trong cơ sở được phép hoạt động theo Công văn 2279. 

Chính vì vậy, việc rút tiền ở cây ATM hoặc ngân hàng cũng được xem là "thật sự cần thiết". Nhưng người dân nên hạn chế tối đa việc ra đường, bạn có thể rút nhiều tiền hơn mức bình thường để dùng cho những lần sau. Trong trường hợp khẩn cấp cần rút tiền, bạn nên đi một mình, không đi nhiều người. 

Ngoài ra, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung ứng thực phẩm hiện nay đều chấp nhận việc thanh toán qua thẻ ATM, chính vì vậy người dân có thể thanh toán các mặt hàng khi đi mua lương thực, thực phẩm qua thẻ mà không cần sử dụng tiền mặt. 

HẠ VŨ

Tin mới