(Tổ Quốc) - Khi ra chợ mua tôm nên tránh 5 loại tôm có dấu hiệu dưới đây, dù có giá rẻ đến mấy cũng nên từ chối.
Tôm là loại thực phẩm bổ dưỡng quen thuộc trong mâm cơm của chúng ta. Thịt tôm mềm, ngọt, dễ tiêu hóa, đặc biệt rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất đạm, chất béo canxi, phốt pho, sắt, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin E, niacin cùng nhiều loại axit amin khác...
Đặc biệt, tác dụng chống oxy hóa của tôm còn mạnh hơn cả vitamin E, giúp chống lão hóa tốt. Ngoài ra ăn nhiều tôm còn có thể tăng cường miễn dịch, nâng cao thể lực, xóa tan mệt mỏi,… Chính vì thế, tôm là thực phẩm phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc, Trương Tân Ý, tôm chỉ thật sự bổ dưỡng khi được tiêu thụ khi còn tươi. Ngược lại, tôm kém chất lượng, đã bị ươn thì không còn ngon và chắc thịt, thậm chí những loại tôm đã chết từ lâu có thể là "ổ chứa" vi khuẩn gây bệnh.
Do đó, khi ra chợ mua tôm nên tránh 5 loại tôm có dấu hiệu dưới đây, dù có giá rẻ đến mấy cũng nên từ chối.
5 loại tôm không bao giờ nên mua khi đi chợ
1. Đầu tôm tách ra khỏi thân
Khi ra chợ mua tôm, chuyên gia khuyên nên quan sát kỹ phần đầu tôm có bị tách ra khỏi thân không. Một con tôm tươi khỏe mạnh thì phần đầu sẽ dính chắc vào thân, ngược lại nếu thấy phần đầu bong ra thì nghĩa là tôm đã chết lâu, thịt đã bở.
Tôm tươi rất giàu histidine, nhưng khi chết histidine bị vi khuẩn phân hủy thành chất histamine gây hại cho cơ thể con người. Ngoài ra, tôm thường chứa vi khuẩn gây bệnh và các chất độc hại trong dạ dày, ruột nên sau khi chết nó sẽ rất nhanh bốc mùi, hư hỏng, không thể ăn được. Tôm chết càng lâu, chất độc tích lũy trong tôm càng nhiều, cố ăn có thể xảy ra ngộ độc.
2. Vỏ tôm nhớt, sờ vào dính tay
Tôm tươi sẽ có vỏ ngoài sáng bóng, sạch, sờ vào không dính tay. Nhưng nếu tôm để lâu hoặc sắp chết thì sẽ tiết ra nhiều chất nhờn, nhầy, không thể rửa sạch. Ngoài ra, những con tôm hỏng sẽ bị uốn cong thành hình tròn, chứ không thể duỗi thẳng như tôm tươi. Tôm có dấu hiệu như vậy thường đã bị để quá lâu, không còn tươi vì vậy không nên mua về ăn.
3. Phần đuôi tôm bị tòe ra, thân tôm phình to
Để thủy hải sản được tươi lâu và đáng giá hơn, nhiều người bán đã bất chấp sức khỏe của người ăn, sử dụng các chất bảo quản bơm vào thân tôm hoặc bơm tạp chất để tăng trọng lượng cho tôm. Khi bị bơm tạp chất, đuôi tôm thường tòe ra, thân phình to bất thường, bóng mượt, nặng cân hơn.
4. Tôm đông đá
Tôm đông thành đá không phù hợp để tiêu thụ bởi khi rã đông, dinh dưỡng trong tôm sẽ bị hao hụt đi rất nhiều, thịt tôm lúc này cũng bở, không còn ngọt nữa. Bên cạnh đó, để giữ được tôm lâu hơn nhiều người còn ngâm tôm trong dung dịch nước pha loãng formaldehyde. Tôm ngâm theo cách này hương vị không khác biệt nhiều, nhưng hết giá trị dinh dưỡng, lại còn rất hại cho cơ thể. Ngay cả khi được nấu ở nhiệt độ cao, chất formaldehyde này vẫn tồn tại.
Formaldehyde này có mùi hắc và dễ tan trong nước. Nó có chức năng khử trùng, ngăn ngừa sự sinh sản của vi khuẩn, sau khi ngâm formaldehyde mà bảo quản trong tủ lạnh thì để lâu cũng không bị biến chất.
Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được tôm có chứa formaldehyde hay không và chúng có tươi hay không? Trước hết, phải xem kỹ, nếu thấy thịt tôm có màu trắng đục, đưa tôm lên mũi ngửi thấy có mùi hăng, mùi thuốc khử trùng thì không nên mua về ăn. Formaldehyde rất có hại cho cơ thể, có thể gây kích thích đường hô hấp hoặc là gây ra bệnh ung thư máu.
5. Chân tôm đã rơi rụng
Những con tôm đã bị rơi rụng hết phần chân, chân chuyển sang màu đen thì tốt nhất không nên mua về ăn vì đây là dấu hiệu cho thấy tôm đã chết từ lâu. Sau khi tôm chết, vi khuẩn sẽ sản sinh rất nhanh và gây ra mùi hôi tanh, tiêu thụ những thực phẩm kém tươi ngon như vậy sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh cho cơ thể.
3 điều đại kỵ khi ăn tôm cần nhớ để không gây hại cho sức khỏe
- Ăn nhiều tôm trong một lúc
Nếu ăn tôm quá nhiều, chúng ta sẽ bị thừa chất, gây rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, khó tiêu, dẫn đến tiêu chảy… Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mọi người chỉ nên ăn khoảng 170 gram tôm mỗi tuần.
- Ăn tôm sống
Các loại hải sản như cua, ốc, tôm, cá có thể nhiễm ấu trùng sán. Trứng sán thể bám vào các loại rau thủy sinh. Nếu ăn những thực phẩm này mà không được nấu chín sẽ khiến sán, ấu trùng chui vào cơ thể, nguy hiểm nhất là chui lên não.
- Mắc bệnh gút vẫn ăn tôm
Nhóm người mắc bệnh gút không nên ăn tôm vì dễ gây lắng đọng tinh thể axit uric trong khớp làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Đậu Đậu