Đi bộ dưới trời nắng nóng khoảng 4km, thanh niên 20 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch

(Tổ Quốc) - Khoa Cấp cứu bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị say nắng, say nóng.

Bệnh nhân chuyển tuyến dưới lên trong tình trạng sốc nhiệt, say nắng

Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thời gian qua vừa tiếp nhận trường hợp 1 nam thanh niên 20 tuổi chuyển lên từ Quảng Ninh trong tình trạng sốc nhiệt, say nắng.

Khai thác tiền sử được biết, trước đó bệnh nhân có đi bộ khoảng 4km dưới trời nắng. Do phải đi quãng đường khá dài dưới thời tiết nắng nóng, bệnh nhân có biểu hiện toát mồ hôi nhiều, mệt lả, chân tay co quắp, ý thức chậm dần rồi hôn mê.

Người bệnh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đông Triều (Quảng Ninh) cấp cứu trong tình trạng sốt cao trên 41 độ C.

Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân được các bác sĩ mở nội khí quản, đặt máy thở, hạ thân nhiệt sau đó tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Theo BS Nguyễn Ngọc Uyển – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chỉ định điều trị hạ thân nhiệt kết hợp lọc máu, thở máy.

Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, tự thở được nên được chuyển về bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục chữa trị và tập luyện phục hồi chức năng.

Thế nào là say nắng, say nóng

Theo BS Uyển khi chịu tác động của gánh nặng nhiệt, cơ thể người có các phản ứng đáp ứng và huy động các cơ chế điều nhiệt, nếu quá tải nhiệt gia tăng quá mức sẽ gây ra tổn thương đối với cơ thể. Tổn thương do nắng – nóng mà điển hình là hội chứng say nắng, say nóng là tình trạng rối loạn cân bằng nước, điện giải toàn thân, rối loạn điều hòa thân nhiệt dẫn đến những rối loạn bệnh lý khác.

Say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do nhiệt độ môi trường tăng cao và/hoặc tăng hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt làm trung khi điều nhiệt bị rối loạn mất kiểm soát. Say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).

Đi bộ dưới trời  nắng nóng khoảng 4km, thanh niên 20 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch - Ảnh 1.

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng than nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C ) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/ hoặc các hoạt động thể lực quá mức. Say nắng luôn đi kèm với say nóng. Sốc nhiệt thường được chia thành 2 thể:

Sốc nhiệt kinh điển xảy ra do nhiệt độ môi trường quá cao > 40 độ C, kèm theo hoặc không kèm theo nắng gắt kéo dài liên tục.

Sốc nhiệt do gắng sức thường xảy ra ở người trẻ, khỏe mạnh, các vận động viên điền kinh gắng sức quá mức trong thi đấu và tập luyện.

Trên thực tế, có thể phân biệt sự khác nhau giữa say nắng và say nóng. Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể quan sát nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40 độ C. Ngược lại, say nắng thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong. Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, khi làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém, còn say nắng thường xuất hiện khi làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém, thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng gay gắt có nhiều tia tử ngoại.

Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, Theo BS Uyển chúng ta phải thực hiện các bước như sau:

1. Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát…) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ.

2. Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch.

3. Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể.

- Đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế.

- Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt).

4. Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ.

5.Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.

6.Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.

Đi bộ dưới trời nắng nóng khoảng 4km, thanh niên 20 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch - Ảnh 2.

Đi bộ dưới trời nắng nóng khoảng 4km, thanh niên 20 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch - Ảnh 3.

MT

Tin mới