(Tổ Quốc) - Ngôi đền nhỏ giữa miền sơn cước không biết từ bao giờ được dân gian đồn nhau đến lễ để mà xin "số".
Trong quan điểm Tín ngưỡng thờ Mẫu của dân gian Việt Nam, Ông Hoàng Bảy hay Quan Hoàng Bảy là 1 vị thánh hay được người dân thờ cúng.
Nơi thờ chính của ông là Đền Bảo Hà thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Một ngôi đền nhỏ giữa miền sơn cước xinh đẹp. Nhìn từ xa, đây là ngôi đền uy nghi và tĩnh mặc, với vị trí được thiên nhiên ưu ái. Phong cảnh nên thơ hữu tình, trên bến, dưới thuyền, xung quanh là núi rừng bao la, rộng lớn xanh mướt một màu.
Hội đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng đến dự. Ngoài những ngày lễ hội, vào những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp về đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc.
Tuy nhiên, với phần đông người dân theo Tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian, họ thường về Đền Bảo Hà lễ Ông Hoàng Bảy vào dịp đầu năm và sau 1 năm làm ăn, công tác hay kinh doanh bán buôn, họ lại trở về để lễ tạ cũng như báo cáo thành tích 1 năm mà gia chung đã làm làm được.
Huyền tích về Quan Hoàng Bảy và Đền Bảo Hà
Quan Hoàng Bảy thực chất là ai? Có lẽ đến tận thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều tranh cãi về thân thế với những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu, còn đối với các nhà nghiên cứu văn hoá thì đây vẫn còn là 1 bí ẩn.
Với người dân Bảo Hà, ông là 1 vị "thần vệ quốc", 1 vị anh hùng đã từng oanh liệt chiến đấu đánh giặc Phương Bắc. Ông có 1 vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng tâm linh của người Dao, người Tày, được dòng người Mán mường tôn kính như 1 vị thần bảo hộ.
Truyền thuyết trong dân gian kể lại rằng, ông là con Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế. Theo lệnh vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông giáng phàm trần; trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn; cuối thời Lê.
Vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) khắp vùng Qui Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá, khắp vùng loạn lạc, cư dân điêu tàn.
Ông cùng ông Hoàng Đôi, hợp binh hùng lục thuỷ dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc; giải phóng châu Văn Bàn và lập Bảo Hà thành căn cứ quân lớn. Trong một trận chiến đấu không cân sức Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man nhưng ông quyết không đầu hàng. Cuối cùng, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông.
Di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút - Bảo Hà - Lào Cai thì dừng lại. Nhân dân trong vùng an táng thi thể ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của ông.
Chính vì vậy, nơi chính thờ Quan Hoàng Bảy chính là Đền Bảo Hà. Nơi đây đã được xếp hàng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia vào tháng 11 năm 1997. Đền thờ ông toạ lạc dưới chân đồi Cấm, bên tả ngạn sông Hồng.
Người dân đến lễ tại Đền Bảo Hà hằng năm với những nghi thức, hoạt động tín ngưỡng tâm linh như 1 cách tri ân, cảm tạ ông đã gây dựng 1 vùng đất bình yên để người dân được sống thanh bình, yên ổn.
Những biến tấu trong dân gian về việc lễ cầu tại 1 nơi linh thiêng
Những năm gần đây, người ta dễ dàng bắt gặp 1 tấm biển thông báo của ban quản lý đền đặt ngay vị trí gần với cổng vào Đền Bảo Hà với nội dung khá lạ lùng.
"Không mua bàn đèn, hàng mã, thuốc lá tẩm quyệt thuốc phiện, dù là thuốc phiện thật hay giả để dâng lễ. Đây là biểu tượng ma tuý, nghiêm cấm sử dụng".
Nhắc đến tấm biển thông báo này, không thể không nói đến nỗi "hàm oan" mà dân gian vô tình mang đến cho Ông Hoàng Bảy.
Trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, Quan Hoàng Bảy là 1 vị thánh được tôn kính, ông được lệnh Mẫu răn dạy trần gian đức độ, phù trì cho những ai tâm đức được hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, người dân cứ rỉ tai nhau ông là vị thần chuyên... cho số đề, phù hộ cho những kẻ bài bạc. Người ta đổ xô về lễ ông thay vì mục đích "uống nước nhớ nguồn" hay cầu an bình cho 1 năm, nay bỗng trở thành đến lễ mà xin ông "số đề"
Tam sao thất bản, rồi các lại được dân gian thêu dệt, dần dà họ mang cả thuốc phiện và bàn đèn vào đền dâng ông Hoàng Bảy để mời thánh lấy lộc, phù hộ cho lộc lô đề, buôn bán. Không hiếm gặp từng đoàn dân xã hội, đàn anh đàn chị, rồi thì kẻ bán kẻ buôn cứ lũ lượt về Bảo Hà để xin lộc mà người ta tự gán rằng Ông Hoàng Bảy sẽ cho.
Dân gian truyền lại để có thể thu phục được các thổ ti, tù trưởng thì quan Hoàng Bảy không dùng biện pháp quân sự mà bằng sự thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm ông đã chủ động hòa nhập vào cuộc sống của các tù trưởng thô ti như uống trà, đánh cờ… Có lẽ vì vậy mà dần dần hình ảnh ông Hoàng Bảy đã bị lệch lạc thành một vị Thánh ăn chơi, đào hoa với rượu chè, thuốc phiện.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những trường hợp biến tấu sai lệch về 1 nơi lễ thờ linh thiêng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Còn rất nhiều người đến Đền Bảo Hà với tâm niệm như ban đầu, nhớ ơn người đã hi sinh để bảo vệ vùng lãnh thổ dân tộc, cầu phúc cho gia đình và người thân và cuối cùng là báo cáo những việc tu nhân tích đức mà bản thân đã làm được.
Năm nay Đền Bảo Hà vắng vẻ hơn rất nhiều so với mọi năm bởi ảnh hưởng của dịch cúm
Cứ sau tuần nghỉ Tết Nguyên Đán cho đến hết tháng Giêng, người ta đổ về lễ Ông Hoàng Bảy nhiều không kể xiết. Nếu như mọi năm, người đến lễ đền đông đến mức ngay từ biển báo còn 5km nữa là đến Đền Bảo Hà, các phương tiện giao thông đã gặp khó khăn trong di chuyển.
Có những năm, người ta thậm chí còn phải bỏ phương tiện di chuyển lại giữa đường mà đi bộ vào đền trong dòng người nườm nượp đổ về đây.
Vàng mã, ngựa giấy người ta dâng lên lễ ông nhiều đến mức đốt vài ngày không hết. Người chen lấn xô đẩy nhau để được vào cung thờ Ông Hoàng Bảy, lễ vật dâng lên nhiều đến độ không còn chỗ để đặt lễ.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch cúm virus Corona, lượng người đến lễ tại Đền Bảo Hà cũng đã ít đi rất nhiều. Từ đường cao tốc rẽ vào đền không còn cảnh ùn tắc xe cộ như những năm trước nữa.
Mặc dù bên trong đền, người đến lễ ông vẫn khá đông đúc, người dâng lễ thậm chí còn phải đội mâm lên đầu để chen đến nơi có thể đặt lễ. Mặc dù vậy, so với mọi năm, cảnh quang tại đền cũng đã thưa thớt đi rất nhiều.
Mã ngựa dâng lên ông cũng không còn đặt kín trước cổng đền nữa. Có lẽ vì vậy, đã từ rất lâu rồi người ta lại nhìn thấy cảnh yên bình, tĩnh lặng trước cửa đền Quan Hoàng Bảy trong dịp người người nhà nhà đi du xuân.
Mạn Ngọc