Đề xuất: Thưởng hơn 4 triệu đồng khi sinh con tại 21 tỉnh, thành phố; sinh con thứ 2 nhận gấp đôi

(Tổ Quốc) - Theo đề xuất tại Dự thảo Luật Dân số, phụ nữ khi sinh con thứ nhất và thứ hai ở tỉnh, thành có mức sinh thấp thì sẽ được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Mới đây, trong Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế lấy ý kiến rộng rãi đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đáng chú ý là đề xuất về việc được nhận tiền trợ cấp khi sinh con tại 21 tỉnh thành có mức sinh thấp.

Theo đó, để khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh có mức sinh thấp, đề xuất các biện pháp sau đây:

- Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai;

- Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập;

- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình;

- Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình; khuyến khích trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ;

- Các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;

- Các biện pháp khác.

Đề xuất: Được nhận tiền khi sinh con tại 21 tỉnh, thành phố - Ảnh 1.

Tỷ lệ sinh ở nhiều tỉnh, thành đang ở mức thấp.

Tương ứng, theo Quyết định 2019/QĐ-BYT năm 2021 của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2020 – 2025, có 21 tỉnh, thành phố sau được phân vào vùng mức sinh thấp, bao gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (hiện hành là 4.180.000 đồng/tháng).

- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (hiện hành là 3.710.000 đồng/tháng).

- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (hiện hành là 3.250.000 đồng/tháng).

- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (hiện hành là 2.920.000 đồng/tháng).

Như vậy, theo đề xuất trên, phụ nữ khi sinh con thứ nhất và thứ hai ở tỉnh, thành có mức sinh thấp thì sẽ được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài, ra, Dự thảo Luật Dân số còn đưa ra lấy ý kiến về quy định “cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt”.

Quy định như pháp luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ các trường hợp có quy định khác (là 7 trường hợp đã được Chính phủ quy định trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số).

Tuy nhiên, quy định về sinh “một hoặc hai con”, theo đánh giá là chưa thực sự phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 khi việc hạn chế quyền con người, quyền công dân chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; chưa phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn đa phương về dân số, không tạo tác động tốt với dư luận quốc tế.

Đồng thời mức sinh ở nhiều vùng tiếp tục xuống thấp, dễ tới ngưỡng không vực lên được như một số nước phải đối mặt.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có thể tiếp tục trầm trọng, khó khắc phục. Quy định số con sẽ tạo gánh nặng tâm lý trong mỗi gia đình. Phụ nữ là giới chịu tác động tiêu cực nhiều hơn do phải chịu áp lực từ người chồng, từ gia đình, dòng tộc, có nguy cơ dẫn đến cách ứng xử mang tính phân biệt đối xử về giới dẫn đến lựa chọn giới tính thai nhi.

Chính vì thế dự thảo đã điều chỉnh theo phương án “quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt”.

Nghĩa là, không còn quy định  “sinh một hoặc hai con” nữa.

HẠ VŨ

Tin mới