"Đẻ tiếp đi mà kiếm con trai": Người mẹ có 3 con gái áp lực vì hàng xóm nhiều chuyện

(Tổ Quốc) - Có một thời gian, chị Huyền sợ ra đường. Bởi mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, chị sẽ phải nghe những câu nói như tạt nước lạnh vào mặt mình.

"Đẻ tiếp đi mà kiếm thằng con trai hương khói"

Chị Đoàn Thu Huyền (32 tuổi, hiện đang sống ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) kết hôn đến nay đã được 11 năm. Vợ chồng chị có 3 cô con gái, các bé lần lượt sinh vào năm 2013, 2015, 2017. 

Ông xã của chị Huyền là con thứ trong gia đình có 2 anh em trai. Chị tâm sự, gia đình chồng không ai nói gì về vấn đề phải sinh con trai. Thế nhưng khi mang thai bé thứ 2, bản thân chị đã tự cảm thấy áp lực về chuyện "có nếp, có tẻ". Bởi chị dự định chỉ sinh 2 con, bé đầu đã là con gái nên thích có thêm một bé trai. 

Khi biết bé thứ 2 là một "tiểu công chúa", bản thân chị Huyền có chút buồn. Nhưng rồi ông xã động viên: "Con nào cũng được, anh đều yêu thương con hết" thì chị cảm thấy được an ủi và không suy nghĩ nhiều nữa. Đến lúc sinh bé thứ 3 là vợ chồng chị Huyền muốn có thêm con chứ không phải đẻ cố, kiếm đứa con trai. 

"Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay", việc sinh liền 3 cô con gái khiến chị Huyền phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực dư luận với những lời ra tiếng vào rất khó nghe.

Đẻ tiếp đi mà kiếm con trai: Người mẹ có 3 con gái nghĩ đến cái chết vì áp lực hàng xóm - Ảnh 1.

Chị Huyền và 3 con gái

"Ngày mình sinh bé thứ 3 là con gái, vừa xuống taxi từ viện về, đã có bà hàng xóm ra đon đả: "Một lũ vịt, thôi đẻ đứa nữa kiếm thằng cu, tứ nữ bất bần, đẻ đứa nữa con gái càng giàu, con trai thì càng tốt". 

Suốt trong quá trình nuôi con thứ 3, vì không có người trông con cho, nên mình bắt buộc phải nghỉ làm để vừa chăm con nhỏ, vừa đưa đón hai con lớn đi học mầm non, các bé hơn nhau có 2 tuổi. Sau này khi các bạn vào cấp 1 lại càng vất vả hơn bởi ở nơi mình sống cấp 1 không có bán trú. Một ngày mình phải đi 6 lần, là 12 lượt để đón hai bạn lớn. 

Ngoài ra, mình còn trông bạn nhỏ và ở nhà nội trợ. Có một thời gian dài mình không dám đi chơi hay ra đường quá lâu ngoài lúc đi mua thức ăn. Đó là khi bé thứ 3 nhà mình được 2 tuổi. Mọi người biết sao không ạ? Bởi cứ bước chân ra đường là phải nghe những câu: "Đằng nào cũng ở nhà, đẻ luôn đứa nữa nuôi một thể"; "Đẻ tiếp đi kiếm thằng con trai hương khói"; "Mày sướng nhất, chả phải làm gì chỉ ăn với đẻ, chồng làm nhiều tiền nuôi 4 mẹ con"... 

Mình sợ giao tiếp, sợ ra ngoài, sợ sang hàng xóm, sợ không dám lên mạng nữa... Mỗi khi đăng ảnh trên Facebook lại có người vào bình luận: "Bố đẹp trai nhất nhà"; "Xây nhà cho con rể ở"; "Inbox đi tôi chỉ cho cách để con trai",...", chị Huyền nhớ lại. 

Những áp lực từ dư luận, cộng với việc một mình chăm nom, dạy con vất vả, chị Huyền đã rơi vào trầm cảm: "Mình trầm cảm đến nỗi đi xe bus cũng tưởng tượng ra bản thân gặp tai nạn qua đời thế nào, con cái sống ra sao, chồng lấy vợ khác,... Đang đi ở tầng cao của tòa nhà cũng nghĩ mình sẽ bị rơi xuống,...". 

Đẻ tiếp đi mà kiếm con trai: Người mẹ có 3 con gái nghĩ đến cái chết vì áp lực hàng xóm - Ảnh 2.

Người phụ nữ sinh con một bề đã phải đối diện với rất nhiều áp lực dư luận.

"Chồng cháu triệt sản rồi"

Ban đầu, chị Huyền phản ứng rất gay gắt trước những lời lẽ vô duyên của hàng xóm. Có khi đáp trả thẳng mặt, có khi cãi nhau,... Nhưng rồi đến khi con gái út được 4 tuổi thì chị đã học được cách mặc kệ, không quan tâm. Ai hỏi thì chị Huyền trả lời: "Chồng cháu triệt sản rồi". Nói thế mà vẫn có người chưa chịu buông tha cho chị. 

Chị  không phủ nhận việc mình cũng thích có một bé trai, nhưng cuộc sống này, không phải cứ thích là được. Thế nên chị học cách thấy đủ, biết bằng lòng với những gì mình đang có. Bỏ qua gièm pha, chị Huyền giảm cân, làm đẹp cho bản thân, sống cho cuộc đời mình, phớt lờ những thứ khiến mình đau đầu. Đến giờ, chị đã đỡ vất vả vì các con đều lớn, biết giúp đỡ mẹ nhiều việc trong nhà. 

"Sinh 3 đứa sát nhau, vợ chồng gặp khó khăn về vấn đề tiền bạc, tiền bỉm sữa, tiền học hành, tháng nào có đám là không đủ chi tiêu. Nhưng rồi những lúc công việc của chồng thuận lợi, có dư dả thì mình vẫn dành ra một khoản để tiết kiệm, dự phòng. 

Đẻ tiếp đi mà kiếm con trai: Người mẹ có 3 con gái nghĩ đến cái chết vì áp lực hàng xóm - Ảnh 3.

Chị Huyền đã học cách bỏ ngoài tai những lời gièm pha để sống tốt cuộc đời của mình.

Khoảng 2 năm trở lại đây mình thoải mái hơn, vì có nhà riêng, con cũng đã lớn. Mình dạy con cách tự chăm sóc bản thân, tự chọn quần áo mặc, tự xỏ tất, đi giày. Bé lớn mình dạy cắm cơm, bé thứ 2 dạy gấp quần áo,... Nói chung các con đều ngoan và tự lập. 

Vì bản thân được nghỉ ngơi, chăm sóc, nên cũng đỡ căng thẳng hơn. Hiện mình chưa đi làm trở lại nhưng có bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Công việc này cho mình thời gian dư dả, để có thể kèm con học hành, định hướng tương lai cho bé. Mình chọn lùi về phía sau để con cái có cơ hội phát triển hơn mình", chị Huyền kể thêm. 

Sau tất cả, chị Huyền rút ra cho bản thân một điều rằng: "Ở đâu đó trong xã hội này, dù là người già hay lớp trẻ cũng có những người rảnh rỗi, vô tư quá để "miệng đi chơi quá xa". Cách tốt nhất là mình lơ đi, hoặc phản ứng thật mạnh mẽ để họ không có cơ hội vô duyên nhiều lần. 

Bao nhiêu con không quan trọng, quan trọng là mình sinh con ra phải nuôi con thành người có ích cho xã hội. Con trai hay con gái không quan trọng, quan trọng là con mạnh khỏe lớn lên biết hiếu thảo là hạnh phúc nhất đời người rồi". 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lam Giang

Tin mới