(Tổ Quốc) - Người ta vẫn thường có câu "Cửa sinh là cửa tử" nhưng với bà mẹ trẻ này thì "cửa sinh lại là... cửa thang máy".
Rất nhiều mẹ bầu than thở trước ngày dự sinh đều vô cùng hồi hộp, không biết mình sinh có thuận lợi không, em bé chào đời có suôn sẻ hay không. Có không ít bà mẹ nằm chờ sinh đến mười mấy tiếng, thậm chí mấy ngày mà em bé không chịu ra khiến các chị em vừa đau đớn vừa lo lắng cho thai nhi trong bụng.
Thay vì sinh khó, sinh mãi không được thì lại có những trường hợp đi đẻ nhanh và dễ như "trở bàn tay", còn chưa kịp đến viện mà con đã "rơi" ra ngoài như hành trình đi đẻ vừa hài hước vừa ám ảnh của bà mẹ Hà Nội có tên Trần Trang dưới đây. Đến giờ khi con gái Bun được 6 tháng tuổi, bà mẹ 2 con mới có đủ dũng cảm để kể lại trải nghiệm có 1-0-2 của mình.
Rùng mình 1 cái rồi đẻ luôn, chồng thành "bà đỡ mát tay thế kỷ"
4h sáng ngày hôm đó, trước dự sinh 1 ngày, người mẹ - chính là mình đây, lồm cồm bò dậy đi vệ sinh như thường lệ. Cơn co đầu tiên ập đến, nếu như là người bình thường thì chắc chắn là sẽ vào phòng réo ngay chồng dậy vào viện đẻ luôn. Nhưng không, người mẹ thông thái - vẫn là mình đây, tưởng đó là cơn đói, vì chẳng thấy đau gì cả! Cơn co thì phải đau chứ nhỉ, tiếp tục ngồi lướt web tâm sự đến tận 5h45. Sau đó mình vào phòng gọi rất nhẹ nhàng: chồng ơi muộn rồi dậy đi! Chồng mở mắt cũng là lúc mình tự lăn kềnh ra giường ngủ tiếp thêm 15 phút.
Đúng 6h, em Bun đạp huỵch 1 cái chí mạng, cũng là lúc mình mở choàng mắt chạy cuống cuồng ra ngoài, trên ga giường đã có vết đỏ lòm báo hiệu công chuyện tới rồi. Chồng với mẹ chồng đang chuẩn bị đồ đạc, thấy mình 3 chân 4 cẳng chạy loạn lên khắp nhà (vì chưa định hướng được phải làm gì bây giờ) lại còn lắp bắp không ra hơi thì còn hoảng hơn, cứ hỏi làm sao, làm sao? Ăn xôi không để mẹ hấp lên đã, có kịp không? Nghĩ lại thấy buồn cười quá mà lúc đấy không kịp cười, cơn co giờ đau tới bến luôn mà chỉ cách nhau khoảng 1-2 phút một.
Mình chỉ biết 1 tay kéo chồng chạy, 1 tay cầm điện thoại gọi cho bác sĩ đỡ đẻ. Vào thang máy nhấn tầng 1, hai vợ chồng nín thở, tay vẫn cầm điện thoại bật loa, tiếng bác sĩ còn đang ngái ngủ hỏi tình hình và trấn an tinh thần, hỏi mình có cố được không, gọi xe chưa, bà sẽ bật điện thoại đến lúc vào viện cho yên tâm.
Ting! Thang máy mở cửa ở tầng 22, bỗng tiếng vỡ ối phá tan bầu không khí, nước tràn khắp sàn thang máy. Đầu gối mình khuỵu xuống, lại lồm cồm bò ra khỏi thang máy vì không thở được. Sau đó điều phải tới cũng tới... Lại 1 cơn co, lạnh toát 1 cái từ hông lên gáy, mình rặn 1 hơi xong, chồng đã đặt được em Bun lên tay mình rồi.
Đếm xem nào 1, 2, 3, 8, 9, 10, ngón tay ngón chân đủ cả, đầu không bị móp, em khóc váng lên làm mình cũng khóc theo thành tiếng, cái giỏ đi sinh có bao nhiêu khăn và áo quần mình vơ lấy hết quấn quanh người em Bun, không thấy đau gì nữa, chỉ có 3,6 kg trên tay nằng nặng thôi.
Cả nhà từ hoảng hốt đến vui mừng, đi khoe khắp mọi nơi
Sau đó, cả nhà cùng nhau tới viện để tiến hành khâu sau sinh. Câu chuyện đẻ rơi của chị Trang khiến cả gia đình hoảng hốt, vừa lo sợ vừa buồn cười. Sau khi mẹ tròn con vuông, mọi người đi kể chuyện khắp nơi khiến bà mẹ 2 con có thêm biệt danh "mẹ đẻ rơi".
May mắn là mẹ khỏe, bé khỏe nhưng quả thật là trải nghiệm mà chị Trang chẳng bao giờ quên được. Trộm vía hiện tại, em bé Bun xinh xắn, bình an. Bà mẹ 2 con chia sẻ cuộc sống bỉm sữa của mình có vất vả thế nào thì cũng không là gì so với cảm giác đẻ rơi cách đây 6 tháng được, mà quan trọng nhất là em bé bình an, ăn ngoan, ngủ ngoan.
Nghe hành trình đi đẻ của mẹ Hà Nội đẻ rơi ở cửa thang máy mà ai nấy đều vừa run sợ vừa không nhịn được cười. Thế nhưng vì đẻ quá dễ dàng nên mọi người đều thi nhau "xin vía đẻ" để được sinh con nhanh và dễ như thế.
San San