(Tổ Quốc) - Những ngày mới về quê, lũ trẻ chẳng chịu bước chân ra đến ngoài, nhưng chỉ vài ngày sau, chúng đã kịp quậy "banh nóc" nhà ông bà nội.
Khi nhìn thấy những cặp sinh đôi sinh ba ngoại hình giống hệt nhau, ăn mặc giống nhau ai cũng ghen tỵ và thầm ao ước mình cũng may mắn có được những đứa con như thế. Nhìn chúng thật dễ thương nhưng từ độ tuổi chập chững biết đi trở lên thì khả năng nghịch ngợm thích khám phá của những cặp sinh đôi, sinh ba cũng đủ khiến bố mẹ đau đầu.
Tần suất đau đầu của bố mẹ càng tăng lên khi cặp sinh đôi, sinh ba đó là trai.
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ câu chuyện về 1 cặp sinh ba những ngày về quê ông bà nội chơi. Ba đứa cháu năm nay 3 tuổi. Ông bà rất hạnh phúc khi có 3 cháu trai sinh ba. Cũng đúng thôi bởi hiếm có ai được may mắn như thế. Nhiều người hàng xóm và họ hàng cảm thấy rất ghen tị với phước lành của gia đình này. Nhưng khi những đứa trẻ lớn lên cũng là lúc gia đình phải đối mặt với đủ trò nghịch ngợm của chúng.
Dịp ấy, bố mẹ của cặp sinh ba gửi 3 con về chơi với ông bà. Lúc mới về, lũ trẻ rất khó chịu, ông bà bảo ra ngoài chơi chúng cũng không ra, ru rú ở trong nhà chơi cùng nhau vì chưa quen với môi trường lạ lẫm ở quê. Ở được vài ngày, chúng bắt đầu thích nghi và thể hiện đúng bản chất của mình.
Vì có đến 3 anh em để chơi đùa, nói đúng hơn là bày trò cùng nhau nên khi đã "sổ lồng", chúng quậy banh cả sân vườn nhà ông bà nội. Nhà ông bà có nuôi 1 chú chó vàng, có hôm tìm mãi không thấy đâu vì chúng cùng nhau nhốt chú chó vào 1 chỗ kín. Vườn rau của ông bà cũng bị 3 quý tử chạy nhảy giẫm nát. Càng ở lâu, tố chất nghịch ngợm của chúng càng được dịp phát huy.
Một hôm, thấy 3 cháu đang chơi ở trong sân nhà rất vui vẻ, ông nội yên tâm lên nhà uống cốc trà. Kết quả là vừa quay bước đi, ông bỗng nghe tiếng kêu thất thanh. Thậm chí, ông còn chưa kịp chạm tay vào cốc trà thì tiếng con gà mái ông bà nuôi càng kêu quang quác, inh ỏi.
Lo lắng con gà đang đuổi và mổ 3 cháu, ông lật đật chạy ra ngoài sân xem. Nhưng cảnh tượng trước mắt khiến ông phá lên cười. Cặp sinh ba đã phối hợp rất ăn í để bắt giữ con gà mái. Hai bé nắm hai cánh gà và cùng nhau khiêng đi, đứa trẻ còn lại thì phấn khích đi đầu trêu con gà mái. Một lát sau, cả ba cùng chia nhau nhiệm vụ khiêng gà đi chơi.
Hóa ra con gà mái được ông bà nhốt trong chuồng đã được 3 "giặc giời" bắt ra sân chơi.
Không còn lựa chọn nào khác, ông nội đành đứng nhìn ba cháu trai chơi với con gà. Một mặt, ông thấy các cháu đang chơi rất vui vẻ, mặt khác ông sợ rằng nếu thả ra, con gà tức giận sẽ quay ra mổ các cháu.
Cho trẻ về quê được lợi gì?
Trên thực tế, với cặp sinh ba quen sống ở thành phố này, chú gà là trò chơi thú vị mà có lẽ chúng sẽ chơi cả ngày không biết chán. Về quê cũng là cơ hội để chúng được nhìn tận mắt, sờ tận tay con gà, con chó, cây rau... những thứ mà khi ở thành phố cùng bố mẹ, hầu như chúng chỉ được nhìn qua sách vở.
Không những thế, để con về quê chơi với ông bà cũng là cách để tăng cường tình cảm, sự gắn kết giữa các cháu và ông bà. Quả thật với những đứa trẻ, những lần về quê là trải nghiệm mà có khi cả đời chúng cũng không bao giờ quên.
Về quê, trẻ con sẽ được trải nghiệm những thú vui dân dã như nhảy dây, chơi ô ăn quan, chơi với gà, với thú cưng... hay đơn giản là 1 trận tắm mưa đã đời. Nhờ đó, trẻ cũng tránh xa được việc dán mắt vào các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, hít thở bầu không khí trong lành với không gian thiên nhiên thoáng mát.
MM