(Tổ Quốc) - Những vị khách nước ngoài đã may mắn có cơ hội được chiêm ngưỡng rùa mẹ đẻ trứng. Đồng thời, họ còn hiểu thêm nhiều nét đẹp du lịch thú vị của Việt Nam.
Mới đây, một bài viết được đăng tải trên trang South China Morning Post đã viết về địa điểm du lịch ngắm rùa biển đẹp nhất Việt Nam, Đó chính là hòn Bảy Cạnh - Côn Đảo. Tour du lịch qua đêm ở hòn đảo này cho phép khách tham quan ngắm rùa đẻ trứng.
*Bài viết đặt theo ngôi tác giả*
Côn Đảo - vùng đất "đắc địa" sinh sống của rùa biển
Dưới ánh sáng mờ ảo của vầng trăng khuyết, chúng tôi nhìn xuống một vùng vịnh từ điểm nhìn Trạm kiểm lâm vườn Quốc gia Côn Đảo. Sóng đang xô vào bờ, những đám mây bàng bạc nhẹ nhàng trôi trên trời. Đằng xa là vô số tàu đánh cá phát sáng phía đường chân trời. Hòn Bảy Cạnh này chính là nơi cho rùa biển làm tổ và cũng cho phép khách du lịch ở qua đêm.
Hương Phạm, một người dân ở đây đã nói cho chúng tôi nghe: "Các bạn có thấy đốm đen kia không? Đó là một con rùa biển đang dần xuất hiện trên cạn đấy!". Nói đoạn, cô ấy chỉ tay vào thứ đằng xa giống tảng đá ở rìa nước.
Côn Đảo còn được biết đến qua những cái tên khác nhau như Côn Sơn, Côn Lôn hay Côn Nôn, là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách sông Hậu 45 hải lý và cách TP. Vũng Tàu 97 hải lý. Trong giới bảo tồn sinh vật biển, các hòn đảo tại đây cũng là địa điểm sinh sống của rùa biển phong phú nhất ở Việt Nam và trong top ở Đông Nam Á. Có thể kể tên vài loại rùa như rùa xanh, rùa Hawksbill...
Kể từ khi vườn quốc gia thành lập trạm bảo tồn rùa biển đầu tiên cách đây ba thập kỷ, các kiểm lâm viên đã ghi nhận khoảng 9.300 rùa mẹ với hơn 27.000 tổ đào và hơn 1,9 triệu rùa con nở ra ở biển. Tuy vậy, chỉ có khoảng 1.000 rùa con thoát được khỏi nguy hiểm từ những kẻ săn mồi, lưới đánh cá, ô nhiễm nước để sống đến tuổi trưởng thành.
So với các điểm du lịch ven biển ở những nơi khác tại Việt Nam như Vịnh Hạ Long hay Nha Trang thì Côn Đảo vẫn chưa phát triển. Nhưng kể từ khi phà cao tốc bắt đầu hoạt động từ đất liền vào năm 2018, số lượng khách sạn và homestay đã tăng đáng kể từ 45 đến 137.
Thời điểm hiện tại, trên Côn Đảo đang có khoảng 10.000 dân cư và 400.000 khách du lịch ghé thăm năm ngoái, hầu hết trong số họ hành hương đến nghĩa trang tưởng niệm. Tour du lịch ngắm rùa biển chỉ là một phần nhỏ của thương mại du lịch, cũng bởi một phần vì vườn quốc gia giới hạn khách qua đêm tại 5 trạm kiểm lâm trên đảo nhỏ.
Các hướng dẫn viên du lịch và nhiều kiểm lâm viên đã mong đợi một số lượng lớn rùa biển trong năm nay vì thời điểm bắt đầu mùa giao phối trùng với lúc giãn cách xã hội toàn quốc, tạo thuận lợi trong việc rùa biển sinh sản.
Tháng 4 vừa qua, các kiểm lâm viên đã đếm được số lượng tổ gấp đôi so với năm ngoái, phản ánh đúng về xu hướng rùa biển phát triển mạnh, sánh ngang với Thái Lan hay Florida, Mỹ. Tuy nhiên, theo Mark Hamann - chuyên gia rùa biển tại Đại học James Cook, Úc, anh lại cho biết các sản lượng tăng như vậy có lẽ liên quan nhiều hơn đến sự biến đổi tự nhiên trong cách nuôi lẫn mô hình sinh sản. Thật khó để xác định sự tăng trưởng này liên quan đến du lịch hay không. Trong mùa rùa biển tháng 4 - tháng 10 tới đây, các kiểm lâm tại Côn Đảo hy vọng số lượng tổ và trứng sẽ vượt qua kỷ lục năm 2016.
Mãn nhãn với màn rùa mẹ đẻ trứng và khi trứng nở thành con
Chuyến tham quan qua đêm bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều khi chúng tôi lên tàu cao tốc tại bến tàu Côn Đảo. Sau 20 phút, chúng tôi lặn xuống biển Bảy Cạnh. Dưới mặt nước mọc lên san hô rực rỡ với hàng loạt cảnh tượng đa sắc màu. Tiếp đến, chúng tôi chạy xe máy đến một bãi đá và lội lên một con đường bằng đá xuyên qua rừng ngập mặn. Trạm kiểm lâm ở đây bao gồm các khu nhà xiêu vẹo xây dựng bằng xi măng. Võng được mắc lên chính là nơi cho khách qua đêm. Mặc dù đoàn chúng tôi có 40 người nhưng kiểm lâm viên nói khách qua đêm chỉ được giới hạn ở con số 24 để bảo vệ môi trường sống của rùa biển.
Chúng tôi tiếp tục quan sát thấy bãi cát có rào chắn xung quanh kích thước bằng một sân bóng chuyền được rải các cọc gỗ theo hàng theo cột. Có một số lỗ mới được đào. Hàng đêm và sáng, các kiểm lâm viên thu thập trứng mà rùa mẹ đẻ trên biển. Những quả trứng được bảo vệ trong 2 tháng dưới hố. Ngày 27/6 vừa qua, kiểm lâm viên tính được có 92 quả trứng.
Sau bữa tối với món hải sản nướng, chúng tôi tập trung trên con đường lộng gió, nheo mắt nhìn con rùa đang dần nổi lên. Đến 9h30 tối, chúng tôi rúc vào phía sau một cái tổ dưới tán cây. Một con rùa xanh lá cây trườn lên hố mình đã đào. Một kiểm lâm viên thắp một ngọn đèn trắng trên cát để chiếu sáng vào đuôi rùa mẹ khi nó đẻ ra những quả trứng kích thước tựa quả bóng bàn.
Sau đó, rùa mẹ đột nhiên lao về phía biển. Nó đẻ 54 quả trứng vào lỗ và hơn chục quả khác trên đường xuống nước. Hương Phạm nói rằng trong 9 năm đi tour, cô chưa bao giờ thấy một con rùa nào phản ứng như vậy.
Hàng chục chương trình bảo tồn rùa biển trên khắp thế giới cũng như các tour du lịch, cho phép hàng chục người cùng lúc vây quanh một con rùa làm tổ được chiếu sáng bởi ánh sáng trắng hoặc đỏ, theo Hamann, chuyên gia về rùa biển cho biết. Anh ấy cũng nói rằng rùa biển thường ít khi bị giật mình khi làm tổ. Chắc có thể nhân viên kiểm lâm đã vô tình chạm vào mai hoặc đuôi rùa, điều đó khiến cho rùa mẹ "tẩu thoát" sớm.
Buổi sáng, cũng có một số tour giúp khách du lịch có thể chứng kiến hành trình nở trứng của rùa con. Nhìn chúng trông thật dễ thương và đáng yêu. Dù một số con bị lật nhưng nhờ sóng xô, nó đã được đẩy ra biển và hòa mình vào đại dương.
Lược dịch từ SCMP
Minh Bùi