(Tổ Quốc) - Đối với một số loại đường, người tiểu đường vẫn có thể ăn được mà không lo làm tăng lượng đường trong máu.
Mỗi khi nói đến bệnh tiểu đường, ai cũng cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do ăn quá nhiều đường, vì thế gần như 100% bệnh nhân tiểu đường đều loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn.
Nhưng bệnh nhân tiểu đường có nên bỏ ăn đường một cách tuyệt đối không? Theo bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật), đối với một số loại đường, việc tiêu thụ hợp lý sẽ không gây hại, người tiểu đường vẫn có thể ăn được mà không lo làm tăng lượng đường trong máu.
Vậy những loại đường đó là gì?
3 loại đường tốt cho người bệnh tiểu đường, không làm tăng đường huyết
1. Fructose
Fructose chủ yếu được tìm thấy trong trái cây. Sau khi vào cơ thể, fructose sẽ được gan hấp thụ và được chuyển hóa thành glucose. Bệnh nhân tiểu đường có thể tiêu thụ các loại trái cây như cam, anh đào… khi lượng đường trong máu đang ở mức ổn định. Có thể tiêu thụ trái cây như một món ăn nhẹ giữa các bữa ăn.
Cần nhớ không nên tiêu thụ quá 25g fructose mỗi ngày vì sẽ làm tăng nguy cơ bị chứng nhiễm mỡ trong các cơ quan như gan, bắp thịt, dẫn đến viêm và kháng insulin, rồi tiểu đường loại 2.
2. Đường cỏ ngọt (Stevia)
Stevia là một chất làm ngọt ít calo có đặc tính chống oxy hóa và chống đái tháo đường. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
Không giống như chất làm ngọt và đường nhân tạo, cỏ ngọt có thể ngăn chặn mức đường huyết trong huyết tương của bạn và làm tăng đáng kể khả năng dung nạp đường.
Stevia cũng có khả năng làm tăng sản xuất insulin, tăng tác dụng của insulin trên màng tế bào, ổn định lượng đường trong máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2 và các biến chứng của nó.
3. Đường Saccharin
Đây là loại đường lần đầu tiên được tổng hợp tại Mỹ vào năm 1879. Loại đường này ngọt hơn đường tự nhiên từ 300 – 500 lần nhưng lại không sản sinh ra calo. Các nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, saccharin không ảnh hưởng đến hoạt động của insulin trong cơ thể. Nên nó có thể khiến đường huyết ổn định hơn.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, không nên sử dụng nhiều đường saccharin vì nó có thể gây béo phì, mức tiêu thụ an toàn là 15mg/kg/ngày.
Người bệnh tiểu đường cần lưu ý điều gì khi tiêu thụ đường?
Mặc dù trên thị trường có nhiều loại đường ăn kiêng mà người bệnh tiểu đường có thể tiêu thụ một cách hợp lý, nhưng bác sĩ Li Aiguo vẫn nhắc nhở người bệnh tiểu đường lưu ý không nên dùng quá nhiều trong một lúc.
Đừng nghĩ rằng đường ăn kiêng thì có thể dùng thỏa thích, loại đường đó tuy ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhưng một số lại chứa rất nhiều calo, nếu ăn quá nhiều cũng sẽ gây ra năng lượng tích tụ nhiều gây béo phì.
Ngoài ra, khi người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết kém, họ phải đặc biệt lưu ý khi tiêu thụ đường, kể cả một số loại đường ăn được. Bác sĩ Li Aiguo khuyến nghị nên ăn một số loại trái cây và rau quả không đường để giúp bổ sung chất xơ, thúc đẩy nhu động ruột, trì hoãn việc tăng đường huyết sau bữa ăn.
Nhìn chung, người bệnh tiểu đường không nhất thiết phải từ bỏ đường hoàn toàn nhưng cũng cần phải chú ý đến lượng đường tiêu thụ. Hơn nữa người bệnh tiểu đường nên cố gắng đa dạng hóa khẩu phần ăn hàng ngày. Bởi khi đường huyết cao, họ thường được khuyên nên ăn cái nọ, bỏ cái kia… điều đó khiến khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng và làm đường huyết không ổn định. Bác sĩ Li Aiguo cho biết, chỉ có chế độ ăn uống đa dạng mới có thể bổ sung dinh dưỡng và giúp cho đường huyết được ổn định, tránh việc nguy hiểm tính mạng khi chẳng may biến chứng tiểu đường xảy ra.
Nguồn: Healthline, Sohu
Đậu Đậu