Đầu tư sai như "yêu nhầm cách": Kinh nghiệm xương máu đầy cay đắng của nữ nhân viên văn phòng Hà Nội cho những "tấm chiếu mới" đang tập tành đầu tư chứng khoán

(Tổ Quốc) - Hàng tháng Hương nắm giữ khoảng 3,4 mã chứng khoán. Trong đó sẽ lướt sóng ngắn hạn 1,2 mã, còn lại là đầu tư trung hạn và dài hạn.

Các chị em thường quen thuộc với các hình thức quản lý chi tiêu, gửi tiết kiệm mà ít mạnh dạn đầu tư, một lĩnh vực phức tạp, khó kiểm soát và đòi hỏi sự chuyên tâm, kinh nghiệm, thậm chí là mối quan hệ các yếu tố không phải nhà đầu tư cá nhân nữ nào cũng có thể sẵn sàng.

Nhen nhóm tìm hiểu về chứng khoán gần 1 năm và biến cố do dịch Covid-19 đã thôi thúc Hương bắt tay vào đầu tư khi đối diện với tương lai nhiều rủi ro, nếu chỉ làm văn phòng với mức tiền lương bị động sẽ khiến bản thân không an tâm. Vì vậy, Hương đã quyết định đầu tư trên sàn chứng khoán với mục tiêu ban đầu là học kỹ năng và nhìn nhận cách thị trường vận hành.

Thông qua chia sẻ “người thật - việc thật” từ chị Hoài Hương (nữ nhân viên văn phòng) mới bắt đầu trở thành nhà đầu tư F0 trên sàn chứng khoán từ 6 tháng trước sẽ giúp những người phụ nữ hiện đại có được góc nhìn thực tế, trực quan trên hành trình tự chủ tài chính.

Đầu tư sai như

Chị Hoài Hương.

Phụ nữ hiện đại sao phải "ngại" đầu tư?

PV: Kiến thức chứng khoán của chị bắt đầu từ những nguồn nào?

Ban đầu mình chỉ dành thời gian để đọc sách tìm hiểu, trong đó có 2 cuốn của Warren Buffett là “Bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán của Tỷ Phú Warren Buffett và George Soros” và cuốn “Warren Buffett đầu tư như một cô gái”. Ngoài ra mỗi ngày mình tranh thủ đọc 1, 2 báo cáo tài chính và chỉ số tài chính phân tích để làm quen với các doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Chị phân chia thời gian và đang đầu tư bao nhiêu tiền vào chứng khoán?

Mỗi buổi sáng mình cố gắng dậy sớm hơn và dành khoảng 1 tiếng để đọc bản tin tổng kết ngày hôm trước. Ngoài giờ hành chính làm việc, mình đọc thêm tài liệu, trao đổi và nhận định thị trường với bạn bè cùng đầu tư. Cuối ngày mình sẽ tổng hợp lại kết quả đạt được.

Mình dành khoảng 40% tài sản tích luỹ để đầu tư. Mình không đầu tư hoàn toàn vào chứng khoán vì mình dự định sẽ đầu tư vào bảo hiểm và tích luỹ cố định tại ngân hàng nữa.

Nữ nhân viên văn phòng Hà Nội chia sẻ trải nghiệm “quả đắng” khi đầu tư sai mã cổ phiếu giống như yêu nhầm cách - Ảnh 3.

Hương dành khoảng 40% tài sản tích luỹ để đầu tư.

 PV: Mức lời/lãi hàng tháng của chị thời điểm này đang như thế nào?

Hàng tháng mình đang nắm giữ khoảng 3,4 mã chứng khoán. Trong đó sẽ lướt sóng ngắn hạn 1,2 mã, còn lại là đầu tư trung hạn và dài hạn. 

Những mã mình đầu tư hiện tại đang là ngành ngân hàng, ngành thép, ngành bất động sảnngành chứng khoán. Lãi hàng tháng chưa cố định và trong danh mục đầu tư có nhiều mã trung, dài hạn nên mình chưa thể cung cấp số liệu cụ thể.

Bản thân sẽ thú vị hơn khi bước chân vào một lĩnh vực mới

PV: Khi bước chân vào lĩnh vực mới này, chị đã nhận được những điều tích cực, mới mẻ nào?

Mình thật sự rất ấn tượng khi học được cách kiếm tiền trên sàn chứng khoán đầy rủi ro. Mình học được các kỹ năng cơ bản về đánh giá cổ phiếu, quản trị rủi ro, tự kiểm soát bản thân, vượt qua được nỗi sợ hãi và tham lam của chính mình. Ngoài ra mình có cơ hội kết nối với nhiều bạn bè mới, đóng góp và kiến thức của họ đều là cơ hội để mình học hỏi và hoàn thiện hơn.

PV: Có bài học nào thấm thía sau quá trình tham gia thị trường chứng khoán mà chị ghi nhớ và ấn tượng không?

Nữ nhân viên văn phòng Hà Nội chia sẻ trải nghiệm “quả đắng” khi đầu tư sai mã cổ phiếu giống như yêu nhầm cách - Ảnh 3.

Hơn 6 tháng qua, mình không ít lần đã trải nghiệm thất bại và mình biết cần phải kết hợp cả phân tích căn bản và phân tích kỹ thuật, nếu không sẽ mua sai thời điểm. 

Ví dụ vào thời điểm ban đầu, mình đọc thông tin dòng tiền đổ về bất động sản nên đã đầu tư vào mã ngành này và đã lãi >10%. Quá tự tin nên mình tiếp tục đầu tư vào hàng không sau khi biết thông tin sẽ mở đường bay quốc tế. 

Mình đã hái quả đắng đầu tiên khi đu đỉnh mua vào và chấp nhận cắt lỗ >7%. Trải nghiệm với mã cổ phiếu này cho mình cảm giác tiếc nuối, như là đang yêu nhầm cách vậy.

Mình nhận ra được sai lầm của bản thân khi không để ý đến dòng tiền và lựa chọn điểm mua vào an toàn hơn. Đó cũng là động lực để mình dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi, trang bị các kỹ năng đọc báo cáo tài chính và hiểu các chỉ số, đọc chart, đánh giá dòng tiền…

*Đu đỉnh: Khi giá cổ phiếu tăng một cách nhanh chóng, liên tục dư mua giá trần khiến nhiều nhà đầu tư sợ mình không được ăn theo nên đặt lệnh mua với mọi giá, và khi họ khớp được lệnh thì giá ngừng tăng và rơi xuống dần 

*Cắt lỗ: Là việc bán ra cổ phiểu đã mua và đang lỗ để thu tiền về nhằm tránh bị lỗ nặng thêm 

*Điểm mua: Là điểm mà mức kháng cự thấp nhất (Mức kháng cự là mức giá có khuynh hướng chống lại biến động giá lên cao hơn nữa), có nghĩa là tại điểm đó, cổ phiếu có cơ hội lớn nhất để đạt mức giá cao hơn dựa trên diễn biến khối lượng giao dịch và giá của nó trong quá khứ và hiện tại.  

PV: Trong tương lai chị có quyết định dành nhiều thời gian và đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này không?

Chắc chắn mình sẽ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này, có thể kết hợp đầu tư dài hạn và đầu cơ lướt sóng để đa dạng hoá danh mục. Mình sẽ đầu tư vào 1-2 cổ phiếu Bluechips cơ bản và phần còn lại khoảng 20-30% tài khoản để mua cổ phiếu đầu cơ lướt sóng. Một lĩnh vực rủi ro cao nhưng rủi ro không phải để sợ hãi mà là thứ để quản trị. 

Trước khi mua bất kỳ cổ phiếu nào, mình đều đánh giá mức độ rủi ro của cổ phiếu đó dựa trên giá trị thị trường, tình hình tài chính của công ty và độ biến động của cổ phiếu. Mình kỳ vọng sẽ có thêm một khoản thu nhập thụ động có giá trị nhất định trong dài hạn.

*Đầu cơ lướt sóng: Là tận dụng những giao động của thị trường để đầu tư sinh lợi nhuận trong thời gian ngắn.  

 *Cổ phiếu Bluechips: Là cổ phiếu của công ty lớn, đã được thành lập và có nền tài chính hoạt động tốt trong nhiều năm. Một cổ phiếu Bluechip thường có vốn hoá thị trường với giá trị hàng tỷ.  

Đầu tư cần một cái đầu "lạnh"

PV: Chị có lời khuyên gì dành cho các chị em có tiền nhàn rỗi và đang chưa biết nên đầu tư vào đâu?

Nhiều báo cáo nghiên cứu trên thế giới chỉ ra phụ nữ có phong cách đầu tư thận trọng, có kỷ luật hơn và giao dịch ít bốc đồng hơn so với nam giới. Mình hy vọng các chị em nên dành thời gian đọc, tìm hiểu, phân tích và xem bản thân mình phù hợp với cách đầu tư nào. 

Ngoài ra, hãy xây dựng lối sống lành mạnh với các kỹ năng tài chính cá nhân tốt (như chi tiêu tiết kiệm và quản lý tiền bạc hợp lý) và học về đầu tư càng sớm càng tốt. Nếu tìm được cách thức đúng đắn, tiền của bạn sẽ lớn dần theo thời gian đó.

Nữ nhân viên văn phòng Hà Nội chia sẻ trải nghiệm “quả đắng” khi đầu tư sai mã cổ phiếu giống như yêu nhầm cách - Ảnh 5.

Phụ nữ nên xây dựng lối sống lành mạnh với các kỹ năng tài chính cá nhân tốt (như chi tiêu tiết kiệm và quản lý tiền bạc hợp lý) và học về đầu tư càng sớm càng tốt.

PV: Theo chị, những “tấm chiếu mới” cần hoặc nên chuẩn bị bao nhiêu tiền và điều gì trong tính cách?

Mình không có số tiền cụ thể để các bạn có thể đầu tư vào chứng khoán. Bạn có thể phân bổ dòng tiền theo mức an toàn vì bạn mới chơi. Và khi đầu tư, hãy luôn giữ cho mình một cái đầu “lạnh” trong mọi tình huống. Cho dù tài khoản lãi hay lỗ, bạn vẫn phải suy nghĩ chiến thuật hành động tiếp theo. Nếu như tập trung chỉ trích bản thân, bạn sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội khác.

PV: Chị quản trị rủi ro như thế nào trong tình hình biến động của thị trường Việt Nam hiện tại?

Mình phân bổ tỷ trọng vào các bluechips vốn hoá lớn, đầu ngành và tính thanh khoản cao để giảm rủi ro thị trường. Ngoài ra đối với các mã lướt sóng cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp trước khi đầu tư, phân bổ tỷ trọng vừa phải và hợp lý nhất.

 *Tính thanh khoản: Một khái niệm trong tài chính chỉ mức độ mà một tài sản bất kì có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng nhiều đến giá thị trường của tài sản đó.  

Cảm ơn chị Hương vì đã chia sẻ.

Ảnh: NVCC

Đầu tư sai như

 

Phí Minh Tân

Tin mới