(Tổ Quốc) - Nếu một giao dịch mua phát sinh tùy ý có giá trị hơn 1% thu nhập của bạn, hãy ngừng thanh toán và suy nghĩ về việc có mua nó hay không trong vòng 24 giờ.
Như một cách để giúp hạn chế chi tiêu bốc đồng hoặc cân nhắc đầu tư trong tài chính nên nhiều người sử dụng quy tắc "chờ 24 giờ" đối với các giao dịch mua có giá trị lớn. Nhưng một vấn đề là nó có thể không thực tế, vì một khái niệm về giao dịch "mua giá trị lớn" chưa phải là hiệu quả và rõ ràng.
Lúc này quy tắc chi tiêu 1% sẽ trở nên hữu ích: Bạn vẫn sẽ đợi một ngày để suy nghĩ về quyết định mua của mình nhưng chỉ đối với những giao dịch mua trên 1% tiền lương của bạn. Đây là cách quy tắc này được áp dụng và lý do tại sao nó có thể giúp bạn tiết kiệm tiền và tránh những quyết định sai lầm trong đầu tư.
Quy tắc chi tiêu 1% là gì?
Theo báo cáo của CNBC, quy tắc chi tiêu 1% này đến từ Glen James là một người dẫn chương trình tài chính tại Úc với tên gọi My Millennial Money.
Cách chi tiêu này đến từ ý tưởng nếu bạn muốn chi tiền cho một mặt hàng không thiết yếu như mua một chiếc đồng hồ mới, kính râm thời trang hay một món đồ nội thất cho ngôi nhà thì phải đợi 1 ngày mới được phép chi tiền nếu nó vượt quá 1% tổng thu nhập/tháng.
Ví dụ: Món đồ đáng giá 2 triệu đồng - bạn chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng - là món đồ cần phải suy nghĩ trong 1 ngày mới được đưa ra quyết định mua hay không.
Khoảng đệm thời gian suy nghĩ 24 giờ đóng một vai trò quan trọng như là cách hạ nhiệt cho suy nghĩ mua sắm bốc đồng. Trong khoảng thời gian này bạn có thể tự hỏi bản thân mình liệu cơn sốt mua sắm chỉ vì thích có đang làm lu mờ phán đoán của bạn hay không.
Nhưng quy tắc này chỉ có hiệu lực và hiệu quả khi bạn thực sự tuân thủ và làm theo nó. Tuy nhiên, với các vấn đề mua nhỏ hơn thì sao? Ví dụ, một người bạn đề nghị đi xem phim. Bạn có nên về nhà rồi suy nghĩ 1 ngày vì đó cũng là một giao dịch mua tùy ý.
Bảo vệ bạn khỏi bội chi hoặc rủi ro đầu tư
Quy tắc 1% là một cách tiếp cận hợp lý, cung cấp rào cản rõ ràng để bảo vệ bạn khỏi bội chi. Thêm vào đó, công thức chi tiêu và suy nghĩ có chi hay không rất dễ nhớ. Ví dụ, nếu bạn kiếm được 10 triệu đồng/tháng sau thuế, bạn sẽ luôn biết rằng 100k là ngưỡng 1% cần suy nghĩ của bạn.
Ngay cả khi bạn thay đổi quyết định mua hàng chỉ một lần khi áp dụng quy tắc này thì bạn cũng đã biết cách tiết kiệm tiền.
Quy tắc này còn được nhiều tỷ phú giàu có nhất thế giới với mức thu nhập hàng tỷ đô la mỗi năm áp dụng. Bởi những người giàu có cũng chính là những người quản lý chi tiêu chặt chẽ nhất và họ luôn muốn "tiền đẻ ra tiền".
Quy tắc của Glen James này giúp tạo ra "một trạm kiểm soát hay một lời nhắc nhở" để bạn suy nghĩ trước khi hành động, thiết lập định mức chi tiêu phù hợp với tình hình tài chính của bản thân.
Một số lưu ý khi áp dụng quy tắc này:
- Quy tắc này không mang lại hiệu quả nếu bạn còn đang mang nợ, không biết cách theo dõi chi tiêu hàng tháng cho các mặt hàng không thiết yếu. Vì đơn giản nhiều mặt hàng giao dịch giá trị nhỏ nhưng vẫn có thể dẫn tới bội chi.
- Tất nhiên không có điều gì là đúng một cách hoàn hảo. Bạn nên điều chỉnh quy tắc này cho phù hợp với nhu cầu của bản thân hơn là áp dụng cứng nhắc.
- Chính Glen James là tác giả của quy tắc này cũng cho rằng, người áp dụng có thể thay đổi nó thành quy tắc 0,5% nếu cảm thấy phù hợp. Dù là tỷ lệ phần trăm nào thì nó cũng nên có ý nghĩa dựa trên tình hình tài chính, nhu cầu, mục tiêu và các ưu tiên của bạn.
Theo lifehacker
Mai Thùy