(Tổ Quốc) - Đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, đau nhiều sau khi ăn no đôi khi đau về đêm kèm ợ hơi, ngủ dậy hay thấy đắng miệng, người phụ nữ đi khám thì phát hiện mắc căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm.
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cơ sở 3 đã tiếp nhận điều trị cho chị N.T.P.M. (37 tuổi, ngụ tại tỉnh Hậu Giang).
Căn bệnh gây đau bụng âm ỉ, đau nhiều khi ăn no
Theo bệnh sử hơn một tháng nay, chị M. bị đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, đau nhiều sau khi ăn no, đôi khi đau về đêm kèm ợ hơi, ngủ dậy hay thấy đắng miệng.
Khi khám tại địa phương, kết quả nội soi dạ dày cho thấy chị bị viêm loét dạ dày và được chỉ định điều trị bằng thuốc.
Sau 2 tuần dùng thuốc, chị giảm đau bụng nhiều nhưng triệu chứng nhanh chóng tái phát khi ngưng thuốc.
Đến khám tại BV ĐHYD TP.HCM cơ sở 3, các bác sĩ tiến hành điều trị cho chị M. hết ợ hơi sau 2 tuần. Thêm 1 tuần điều trị nữa thì tình hình người bệnh ổn, hết đau bụng và đắng miệng.
PGS.TS.BS. Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Cơ sở 3 BV ĐHYD TP.HCM cho biết, viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh lý gây ra những tổn thương dẫn đến viêm và loét niêm mạc dạ dày - tá tràng.
Bệnh thường biểu hiện ở những cơn đau âm ỉ hoặc nóng rát vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, ợ chua, ợ hơi, khó tiêu...
Bệnh có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nếu ổ loét lớn và bị chảy máu. Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa, người bệnh có thể bị tử vong nếu như không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bệnh ở giai đoạn nặng có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Các nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày - tái tràng thường gặp là do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), chế độ ăn uống sinh hoạt không đúng giờ, uống nhiều rượu bia, lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm (như corticoid, NSAID) hay bị căng thẳng, lo âu, áp lực.
Hút thuốc lá và yếu tố di truyền cũng là yếu tố góp phần gây ra bệnh.
Kết hợp Đông - Tây y chữa viêm loét dạ dày
Y học cổ truyền mô tả bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng là chứng vị quản thống, trong đó tinh thần lo lắng, áp lực, giận dữ hay ăn uống thất thường sẽ làm khí huyết uất trệ gây ra đau. Bệnh lý này thường liên quan đến các tạng phủ như Can, Tỳ, Vị.
Trên từng người bệnh cụ thể, dựa vào thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán thể bệnh từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp như châm cứu, xoa bóp hoặc dùng thuốc Y học cổ truyền.
Theo PGS Thường, thực tế lâm sàng và các công trình nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, việc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bằng các phương pháp Y học cổ truyền đã cho nhiều kết quả tốt và dự phòng lâu dài.
Cụ thể, trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng, các huyệt cần châm cứu các huyệt gồm Trung quản, Thượng quản, Hạ quản, Túc tam lý, Hành gian, Thái xung, Lãi câu, Thần môn… Có thể kết hợp với phương pháp dưỡng sinh, xoa bóp như xoa trung tiêu, phình thóp bụng… và điều trị bằng thuốc để đạt hiệu quả điều trị tối đa cho người bệnh.
Tùy vào từng thể bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm liều lượng hợp lý.
"Việc điều trị kết hợp Đông - Tây y là một xu thế của thời đại, nếu kết hợp đúng cách sẽ tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu tác dụng phụ.
Để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân cũng như tiếp cận được các phương pháp điều trị có hiệu quả, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín" - PGS Thường đưa ra lời khuyên.
Hoàng Lê