(Tổ Quốc) - Đã có kha khá thông tin được tiết lộ nhưng dạo ấy, internet còn hạn chế vì thế người biết đến bề nổi của chiến dịch quảng cáo này thì nhiều mà người nắm rõ lại chẳng bao nhiêu.
“Đập kính lấy tiền” là một trong những chiến dịch quảng cáo kinh điển nhất thập niên 2000 mà đến tận ngày nay, khi được nhắc đến không ít người vẫn trầm trồ, thán phục.
Cụ thể, có nhiều thông tin, vào đầu năm 2005, thương hiệu kính cường lực 3M Safety and Security đã sáng tạo một màn quảng cáo có 1-0-2 thu hút nhiều sự quan tâm bằng cách bỏ 3 triệu USD tiền “tươi” (khoảng 70 tỷ đồng theo tỉ giá hiện tại) vào trong tủ kính chống đạn kèm với lời kêu gọi: “Đập vỡ tủ kính số tiền bên trong sẽ là của bạn”.
Trước sự hấp dẫn của tổng số tiền cực kỳ lớn được nhìn thấy tường tận bằng mắt thường qua lớp kính trong suốt, rất nhiều người đã tham gia tìm cách đập kính “đổi đời”. Người thì đấm, người thì đá, người lại dồn hết sức bình sinh tông thẳng vào tủ kính,...
Ấy thế, chuyện đâu có dễ dàng như vậy, đến cuối cùng chẳng ai có khả năng vượt qua thử thách cả. Cứ thế, câu chuyện quảng cáo này ngay lập tức lan nhanh với tốc độ chóng mặt và góp phần giúp thương hiệu 3M Safety and Security được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.
Nhiều người đánh giá, đây là chiến dịch quảng cáo sáng tạo đỉnh cao, chả cần rầm rộ mà hiệu quả cao. Tuy nhiên, xin nhắc lại, đó chỉ là thông tin được lan truyền. Sự thật thì đằng sau chiến dịch quảng cáo này ẩn chứa khá nhiều điều bất ngờ.
Đã có kha khá thông tin được tiết lộ nhưng dạo ấy, internet còn hạn chế vì thế người biết đến bề nổi của chiến dịch quảng cáo này thì nhiều mà người nắm rõ lại chẳng bao nhiêu. Nhân đây, xin lật lại vài sự thật thú vị về chiến dịch quảng cáo đỉnh cao này nhé:
- Đúng thật đây là màn quảng cáo của thương hiệu kính 3M Safety and Security nhưng được tổ chức chỉ duy nhất 1 ngày tại 1 trạm xe bus ở Vancouver, Canada chứ không phải dài ngày như nhiều người lầm tưởng.
- Trong tủ kính hoàn toàn không có đủ 3 triệu USD tiền mặt, chỉ có 500 nghìn CAD (tiền Canada) trên bề mặt, phía dưới chỉ toàn giấy lộn mà thôi. Nếu may mắn phá vỡ được tủ kính, người trúng giải sẽ nhận đủ số tiền bằng một cách khác.
- Đây là quảng cáo băng keo cường lực chứ không phải quảng cáo cho kính chống đạn, kính đằng sau lớp băng keo dán cũng là kính thường, không phải là kính chống đạn nốt.
- Không phải tủ kính trưng bày tự do ai muốn đập thì đập, luôn có người túc trực bảo vệ trông coi cả ngày đề phòng trường hợp người chơi gian lận, phá kính bằng các tác nhân như chất hóa học hoặc máy móc,...
- Có quy định rõ ràng về các phương thức đập kính mà người tham gia có thể sử dụng, chẳng hạn như dùng chân hay dùng búa, tuy nhiên khi khung nhôm tủ kính bắt đầu có dấu hiệu méo mó biến dạng, người trông coi tủ kính sẽ cho dừng cuộc chơi. Rõ ràng, đây là thử thách đập kính lấy tiền chứ không phải phá khung nhôm lấy tiền. Không dễ “xơi” tí nào đâu.
- Thậm chí, theo Gizmodo, số tiền mà người tham gia lĩnh được khi thực sự phá được tủ kính chỉ là khoảng 500 USD, chứ chẳng phải cả thảy 3 triệu USD như đã tuyên bố.
Có không ít người lắc đầu đánh giá chiến dịch quảng cáo này “tưởng dễ ăn nhưng ăn không dễ” khi biết được các sự thật trên.
Nhưng dù gì, với những sự lầm tưởng cộng với việc thu hút sự chú ý, phân tích, mổ xẻ của giới truyền thông và cộng đồng người dùng mạng trong suốt một khoảng thời gian dài, “đập kính lấy tiền” đã mang lại hiệu quả truyền thông cực kỳ lớn cho thương hiệu 3M, qua đó còn mang về cho công ty doanh thu khổng lồ.
Với lý do đó, thật không ngoa khi cho rằng, “đập kính lấy tiền” là một chiến dịch quảng cáo mang tính kinh điển, phải không nào?
Old Fashioned