(Tổ Quốc) - Là một người đầy tài năng nhưng Tăng Quốc Phiên lại bất lực trước cuộc hôn nhân không hạnh phúc của con gái mình.
Tăng Quốc Phiên là một danh thần nổi tiếng cuối triều nhà Thanh, cùng với Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường và Trương Chi Động được gọi là tứ đại danh thần thời mạt Thanh. Ông từng đảm nhận chức vụ Tổng đốc Lưỡng Giang, Tổng đốc Trực Lệ, Đại học sĩ Vũ Anh điện với thụy hiệu "Văn Chính", người đời sau gọi là "Tằng Văn Chính". Mặc dù Tăng Quốc Phiên là một người đầy tài năng nhưng ông lại bất lực trước cuộc hôn nhân không hạnh phúc của con gái mình.
Con gái cả là Tăng Kỷ Tĩnh, cuộc hôn nhân đau khổ đó do chính phụ thân định đoạt bởi vì sở thích đọc sách của ông. Vào thời điểm đó, ông không có thư phòng cũng không có tiền mua sách nhưng lại rất muốn đọc nhiều tài liệu. Ông hay tìm đến những "kho tàng" sách của các gia đình giàu có để mượn sách. Ông thường mượn sách từ nhà họ Viên.
Gia đình họ Viên có người làm chức Biên tu trong Hàn Lâm viện, trong nhà có một gia tài sách đồ sộ với mọi lĩnh vực, thậm chí có những quyển sách cổ rất quý. Nhưng lúc đó, họ lại không muốn cho Tăng Quốc Phiên đụng đến những quyển sách quý hiếm đó. Chỉ vì muốn thuận tiện cho việc mượn và đọc sách của mình, Tăng Quốc Phiên đã chủ động gả con gái Tăng Kỷ Tĩnh mới 6 tuổi cho công tử Viên Du Sinh, định hôn ngay từ nhỏ.
Viên Du Sinh là người Hồ Nam, xuất thân từ thư hương thế gia, xem chừng rất môn đăng hộ đối với Tăng gia. Tuy nhiên, người này khi lớn lên lại không muốn học hành, không chịu rèn luyện bản thân, không thích đọc sách, chỉ biết ăn chơi khoái lạc mỗi ngày. Dù biết đối phương là một kẻ không có tương lai nhưng Tăng Quốc Phiên vẫn không hối hận về suy nghĩ và hành động của mình.
Năm Tăng Kỷ Tĩnh tròn 18 tuổi, hôn lễ đã được diễn ra. Nhưng, Tăng gia không ngờ Viên Du Sinh đã từng nạp thiếp trước khi kết hôn, ngày ngày chỉ sủng ái nàng tiểu thiếp này, không đoái hoài đến chính thất họ Tăng. Họ xem Tăng Kỷ Tĩnh như người ngoài, khiến cô luôn bất an trong lòng.
Cả 2 bên cũng chưa từng động phòng nên Tăng Kỷ Tĩnh không thể mang thai dù người xung quanh luôn thúc giục. Cô cũng chưa từng than khổ với phụ thân, chỉ có thể viết thư thú nhận mọi việc với huynh trưởng, nhưng mọi việc dần đến tai ông.
Tăng Quốc Phiên sau đó cố gắng giáo dưỡng con rể, muốn hắn quay đầu và sống hạnh phúc với con gái. Cảm thấy con rể không thể đọc sách, ông đưa hắn đến Từ Châu để học cách kinh doanh. Tất cả nỗ lực của ông đều thất bại. Trong cơn thất vọng, Tăng Quốc Phiên đã khiển trách con rể công khai. Sự việc này khiến hắn cảm thấy mất mặt nên đã tự sát, may mắn đã được cứu.
Lúc đó, Tăng Kỷ Tĩnh cảm thấy chính mình mới là người không tốt, sống tại nhà chồng cũng không thoải mái nên muốn ly hôn. Tuy nhiên, Tăng Quốc Phiên đã kịch liệt phản đối, trong thời phong kiến, một khi đã gả đi thì không thể trở về nhà mẹ đẻ.
Sau cùng, quá chán nản với sự đời, Tăng Kỷ Tĩnh đã chọn cách rời bỏ thế giới để giải thoát cho bản thân khi vừa tròn 29 tuổi.
Nguồn: Sohu
Hy Li