(Tổ Quốc) - Ra là mẹ chồng đã có sự dò xét và tính toán từ trước.
Từ ngày lấy chồng, tôi cảm thấy mình có thêm một người bạn đồng hành trong mọi mặt của cuộc sống. Từ công việc cho đến những sinh hoạt cá nhân thường nhật, anh ấy và tôi như tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Vì vậy sau vài năm cưới chồng, gia đình chúng tôi đã tích góp được một khoản tiền kha khá. Lãi hàng tháng cũng đủ để sinh hoạt. Tất nhiên để đảm bảo cho cuộc sống của con cái vẹn toàn thì vẫn cần cố gắng nhiều hơn.
Nhà của chúng tôi cách nhà mẹ chồng không xa. Giờ bà đang sống một mình, vì bố chồng đã mất từ lâu. Nhiều lần các con ngỏ ý mời mẹ về ở chung nhưng bà không chịu, muốn sống tự do tự tại và chẳng phải phiền hà đến ai. Chính bởi tư duy này của mẹ chồng mà tôi thấy cảm kích vô cùng. Tốt nhất muốn đảm bảo mối quan hệ gia đình, nhất là mẹ chồng - nàng dâu thì không nên sống cùng nhau.
Tuy nhiên, một sự việc xảy ra mới đây làm tôi thay đổi ít nhiều suy nghĩ về mẹ chồng. Hôm ấy, mẹ gọi tôi sang nhà bà chơi. Chồng đang đi công tác, con trai thì đang học ở trường nên chỉ có một mình tôi.
Vốn coi mẹ chồng giống như mẹ đẻ của mình, tôi cũng chẳng ngại đến chuẩn bị một bữa cơm thật ngon, làm thêm cả trà bánh cho bà thưởng thức. Mẹ chồng ban đầu chẳng có biểu hiện gì khác lạ, nhưng sau bữa cơm, bà bỗng kéo tôi ngồi xuống, cầm tay thủ thỉ tâm sự.
Bà hỏi về chuyện kinh tế dạo này của nhà tôi ra sao. Nghĩ đó cũng chỉ là câu chuyện bình thường, tôi kể về việc chồng sắp được thăng chức, tăng lương và còn nhận hoa hồng ở nhiều dự án bên ngoài. Sau đó, mẹ chồng lên trên gác và cầm xuống một cọc tiền khá lớn. Thấy nét mặt khó hiểu của tôi, bà nói tiếp:
"Này mẹ bảo, mẹ dành dụm được một số tiền đây. Không nhiều nhưng mà chắc cũng chẳng ít ỏi đâu. Nay mẹ gọi con đến đây là muốn nhờ con chút việc. Con giữ hộ mẹ số tiền này được không? Giờ mẹ già rồi cũng chẳng biết làm gì với nó. Hi vọng số tiền này có thể giúp hai vợ chồng, đầu tư chẳng hạn."
Sau lời thỉnh cầu của mẹ chồng, lòng tôi bỗng hân hoan đến lạ. Ồ, vậy là mẹ chồng nhìn xa trông rộng, không lăm lăm giữ tiền cất đi. Hơn nữa, bà còn biết nghĩ cho cơ đồ của con cái nữa. Ở độ tuổi của mẹ chồng, thường các cụ sẽ muốn để dành tiền bên mình phòng lúc ốm đau, bệnh tật.
Tôi đáp trả nhanh nhẹn và hứa sẽ giữ hộ số tiền ấy, đồng thời không quên dặn mẹ nếu có việc gì cần tiền gấp thì cứ bảo vợ chồng con gửi lại. Tuy nhiên, niềm hoan hỉ ngắn chẳng tày gang. Câu đáp trả của mẹ chồng như tiếng sét và cũng là con dao sắc đâm thấu tim:
"Đây con nghe mẹ nói hết đã. Mẹ định như thế này. Con gộp chung số tiền này vào tiền tiết kiệm của vợ chồng con. Lãi càng cao hơn. Sau này chia cho mẹ 50/50 được không? Giờ hai đứa tiết kiệm cũng nhiều, tiền tiêu dư dả chẳng hết thì cho mẹ chút chút coi như tận hiếu."
Bỗng trong tôi cảm thấy thực sự kỳ lạ xen chút khó chịu. Hóa ra mẹ đưa tiền dành dụm của bà cho vợ chồng tôi giữ là vì muốn chiếm một nửa số tiền lãi hàng tháng. Tại sao bà lại biết tiền lãi của chúng tôi rất dư dả? Chắc chắn mẹ chồng đã "thám thính" ở đâu đó và biết được bí mật ấy, bởi lẽ bình thường tôi chẳng nói quá rõ về tình hình kinh tế gia đình. Có hỏi thì chỉ đáp chung chung qua loa cho mẹ yên tâm mà thôi.
Vì yêu cầu của mẹ chồng đường đột và khá bất ngờ nên tôi làm bộ né tránh, nói rằng để thưa chuyện này với chồng chứ không tự quyết định được. Tôi thậm chí còn phải lấy lý do rằng chồng tôi muốn mẹ giữ tiền để tiện tiêu pha, nếu thiếu chúng tôi sẽ chu cấp thêm chứ chẳng bao giờ để bà chịu thiệt thòi, khổ sở.
Giờ tôi nên làm thế nào đây, tôi có nên nói chuyện này cho chồng không? Và có nên đồng ý với mẹ chồng không? Quả thực yêu cầu trên hơi... vô lý, nhưng nếu từ chối thì chắc sẽ khiến mẹ chồng phật lòng. Mọi người cho tôi cao kiến để dĩ hòa vi quý chuyện này với...
M.B