Đang chơi với bố, bé trai 8 tháng tuổi đột nhiên bị ngạt thở vì một vật khiến bác sĩ toát mồ hôi hột khi gắp ra

(Tổ Quốc) - Nhờ có nhiều kinh nghiệm, các bác sĩ đã lấy dị vật thành công, cứu sống đứa trẻ.

Cách đây không lâu, bác sĩ Anuj Rastogi – bác sĩ khoa Nhi – Sơ sinh thuộc Bệnh viện Chuyên khoa Jaswant Rai ở Singapore, đã cùng các cộng sự cứu thành công một em bé 8 tháng tuổi khỏi một chiếc móc khóa bị mắc kẹt trong cổ họng.

Theo lời bố đứa trẻ kể lại, anh đang ngồi chơi với con trai thì thấy con có dấu hiệu bị nghẹt thở. Anh vội vàng cùng vợ đưa con vào bệnh viện. Theo kết quả chụp X-quang cho thấy, có một chiếc móc khóa hình ngôi sao sắc nhọn đang nằm trong vùng cổ của đứa trẻ.

Ngay lập tức, các bác sĩ phải họp hội chẩn trước khi bắt đầu quy trình nội soi để lấy dị vật ra ngoài. Song, có một thử thách lớn đối với các y bác sĩ trong trường hợp này là làm thế nào để loại bỏ chiếc móc khóa sắc nhọn đó mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào bên trong cổ họng của bệnh nhi. Bởi chỉ cần một lực nhỏ cũng có thể làm rách đường ống thức ăn của đứa trẻ 8 tháng tuổi.

Đang chơi với bố, bé trai 8 tháng tuổi đột nhiên bị ngạt thở vì một vật đủ để khiến bác sĩ toát mồ hôi hột khi nhìn thấy - Ảnh 1.

May mắn là bác sĩ Rastogi đã lấy dị vật ra thành công mà không làm tổn thương vùng cổ của bé.

Vào giai đoạn "căng não" này, bác sĩ Gagandeep Singh Bajaj - Giám đốc Bệnh viện đã khuyến khích bác sĩ Rastogi thử lại.

"Chính kinh nghiệm và tinh thần của anh ấy đã mang lại dũng khí cho tôi. Tôi vận dụng hết năng lực của bản thân, tập trung toàn bộ tinh thần và cố gắng hết sức. Cuối cùng chúng tôi cũng có thể rút được dị vật ra ngoài. Đứa trẻ đã an toàn!", bác sĩ Rastogi chia sẻ.

Những lưu ý để bảo vệ con khỏi tai nạn hóc dị vật

Cũng nhân câu chuyện này, bác sĩ Rastogi cũng gửi lời cảnh báo đến các bậc cha mẹ rằng mặc dù em bé này đã được cứu sống nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như vậy. Thế nên, việc của các bố mẹ chính là theo dõi con, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một cách chặt chẽ. Bởi theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, ngạt thở do hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ em dưới 4 tuổi.

Đang chơi với bố, bé trai 8 tháng tuổi đột nhiên bị ngạt thở vì một vật đủ để khiến bác sĩ toát mồ hôi hột khi nhìn thấy - Ảnh 2.

Bố mẹ cần đảm bảo mọi thứ trong tầm tay của con đều an toàn và con không thể bỏ vừa chúng vào trong miệng (Ảnh minh họa).

Hơn thế nữa, bạn phải đảm bảo rằng mọi thứ trong tầm tay của con đều an toàn và con không thể bỏ vừa vào trong miệng bằng những lưu ý sau:

- Không bao giờ cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi đồ chơi có các bộ phận nhỏ và có thể tháo rời.

- Tất cả các thiết bị như đồ chơi bằng pin, điều khiển từ xa đều được cất trên cao và được xoáy ốc bảo vệ để trẻ không thể tự lấy pin ra được.

- Không để ví hoặc túi xách ở dưới thấp, vì tò mò, trẻ có thể mở túi và cho những vật dụng nhỏ vào miệng.

- Luôn giám sát con khi đang cho con ăn, đồng thời, thức ăn của trẻ nên được cắt nhỏ, nấu mềm.

- Mua đồ chơi cho con theo đúng độ tuổi được khuyến nghị trên bao bì.

Thêm vào đó, cha mẹ cần học cách sơ cứu ngay khi con bị hóc dị vật hoặc đồ ăn bằng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:

- Đặt trẻ nằm sấp lên đùi trái, đầu thấp hơn thân và hướng xuống đất.

- Dùng gốc bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải. Nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh vào vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Cha mẹ lưu ý: Đừng cố dùng tay móc lấy dị vật ra và dịch chuyển nó vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn.

Đang chơi với bố, bé trai 8 tháng tuổi đột nhiên bị ngạt thở vì một vật đủ để khiến bác sĩ toát mồ hôi hột khi nhìn thấy - Ảnh 4.

H.H

Tin mới