(Tổ Quốc) - Đồ ăn ngon là phải thưởng thức tế nhị và nhẹ nhàng, chứ đâu phải bản nhạc để các chị em vô tư "hoà âm"?
Từ trước đến nay, để đánh giá nhân cách một ai đó, chúng ta có thể nhìn vào "tướng ăn" của họ. Cổ nhân có câu "Từ chi tiết nhỏ nhìn ra trí tuệ lớn", vậy nên ăn uống cũng chẳng phải ngoại lệ. Nhưng thực tế thì thật ngang trái, nhiều chị em chẳng hề nhận ra cái "nết ăn" của mình đang thực sự khiến người khác khó chịu. Đã vậy, họ còn coi nó như một chuyện hết sức bình thường, đáng để tôn vinh!
Một trong số đó phải kể tới thói nhai "nhóp nhép", "chóp chép"... nói chung là phát ra âm thanh kỳ dị trong khi ăn.
"Nhóp nhép", "chóp chép" thành tiếng: Cái nết đánh chết cái đẹp!
Hiểu một cách đơn giản, nhai thành tiếng là một hành động quá mức vô tư của rất nhiều người nói chung chứ chẳng riêng gì chị em phụ nữ. Họ thoải mái dùng miệng nhai thức ăn rất bỗ bã, không kiêng dè bất cứ ai xung quanh. Đa phần cũng là do thói quen từ lâu nhưng lười sửa, hoặc cố tình không muốn sửa.
Đồ ăn là để cảm nhận bằng vị giác, từng cung bậc chua cay mặn ngọt đắng sẽ dần dần thẩm thấu vào đầu lưỡi. Nhưng hẳn một vài người muốn thấm thía cái vị ngon ấy hơn nên nhai quá sức... thô bạo, nhồm nhoàm phát ra tiếng.
Nhiều chị em đã nhai "chóp chép" lại còn không ngại bao biện cho tính xấu của mình. Họ cho rằng phải ăn như vậy mới thực sự là ngon, là tôn trọng công sức của người nấu. Khi đến nhà người khác hoặc đi ăn với ai đó, để bày tỏ lòng thành kính với đối phương, bắt buộc phải "chóp chép" càng lớn thì mới cho người kia biết họ nấu ăn ngon thế nào. Dù ăn không ngon, vẫn cứ phải "giả trân" và ra sức để nhai mạnh.
Chưa hết, vài năm gần đây, trào lưu làm clip Mukbang ASMR đang cực thịnh hành trên các nền tảng MXH. Các chị lại vịn vào cớ này, muốn học theo thần thượng để ăn phát ra tiếng nó mới quyến rũ, đúng điệu! Có không ít chị em đã lấy chồng rồi nhưng vẫn nhai cơm rồm rộp, ăn sợi bún soàn soạt trước mặt cả người lớn. Hỏi thì lại cứ trả treo "Vậy mới đúng kiểu ăn sành của dân Vlogger!"
Ngoài ra, cũng chẳng thiếu gì những cô nàng cho rằng mình không thể thua kém đàn ông "ăn to nói lớn" mà quên đi mất ý nghĩa thực sự của thành ngữ này. "Ăn to nói lớn" tức là ăn một cách dứt khoát, nói một cách đàng hoàng, chứ nào có phải là ăn nhồm nhoàm, chóp chép và tạo ra âm thanh lặp đi lặp lại liên tục đâu?
1001 khoảnh khắc ngượng chín mặt, muốn "độn thổ" của cánh đàn ông khi chị em hồn nhiên "thả cửa mồm"
Tất nhiên việc nhai thành tiếng khi ăn một mình chẳng sao, nhưng nó lại gây quá trời phiền toái cho cánh đàn ông chúng tôi khi ngồi chung mâm đấy!
Nhai đồ ăn thiếu ý tứ, phát ra tiếng còn có thể làm bắn thức ăn ra ngoài. Phương Đông - một anh chồng 30 tuổi ở Hà Nội còn tâm sự, ngại nhất mỗi lần đi ăn sáng với vợ ở hàng phở, hàng bún. Cô vợ thì cứ húp xùm xụp, nhai chóp chép không thôi vì muốn thưởng thức trọn vẹn cái nóng hổi, thơm ngon của tô phở tô bún. Thành ra Đông lúc nào cũng phải ngồi cách vợ tới hơn nửa mét vì sợ thức ăn từ miệng vợ sẽ phi thẳng vào bát của mình.
Nhưng đó chưa phải màn "kinh dị" nhất! Một anh chàng khác là Đức Hiếu chia sẻ vợ mình thích ăn mấy đồ cuốn, gói chấm gia vị. Đồ ăn vợ nấu thì ngon, nước chấm chuẩn vị khó ai sánh bằng, ngặt nỗi chị ta nhai mạnh đến mức lúc nào cũng vương vãi ra xung quanh. Có lần, chỉ cắn một miếng thôi mà phun hết nước mắm vô mặt chồng.
Nói tóm lại, nhai thành tiếng kiểu "chóp chép", "nhóp nhép" cực kỳ dễ khiến mất lòng người xung quanh. Đến chồng con trong nhà còn khó chịu, thử hỏi khi ra nơi công cộng sẽ còn làm bao người khác phiền toái?
Thôi thì để kết lại cho những câu chuyện về vấn đề muôn thuở nhai "chóp chép", "nhóp nhép", hãy cùng xem chàng Vlogger "Eaten By Long" chia sẻ về thói quen kém duyên này hút hàng ngàn lượt thả tim trên MXH nhé!
Vlogger Eaten by Long chia sẻ về thói quen nhai thành tiếng "kém duyên". (Nguồn: Instagram nhân vật)
Tuyến bài "Thanh lịch lắm nữa" - Những hành động thường ngày của phái mạnh, phái yếu đôi khi gây "nhức mắt" với đối phương, từ đây sinh ra mâu thuẫn, khúc mắc trong cuộc sống. Cùng lắng nghe góc nhìn của mỗi bên để xem liệu có cách nào giải quyết không nhé!
M.B