(Tổ Quốc) - Cưới xin là chuyện trọng đại cả đời người nên cặp đôi nào cũng muốn có thể tự tay chuẩn bị cho mình một đám cưới thật lung linh, hoành tráng. Tuy nhiên mức độ rình rang của hôn lễ lớn tới đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào thực lực tài chính của cả hai bên.
Hiểu điều ấy nên vợ chồng chị Linh anh Tuấn quyết định sẽ tổ chức đám cưới theo phương châm tiết kiệm, chủ yếu sử dụng "cây nhà lá vườn", hạn chế tối đa các khoản chi tiêu, để dành tài chính lo cuộc sống sau này.
Cả hai vợ chồng chị Linh đều làm nhân viên văn phòng, lương chị một tháng được 8 triệu, chồng chị được 10 triệu.
Hai người đều xuất thân tỉnh lẻ, ra trường ở lại thành phố làm việc, phải đi thuê trọ nên cũng không tích lũy được nhiều trước cưới.
Anh chị bàn bạc sẽ tổ chức một đám cưới thật đơn giản, tiết kiệm.
"Thật sự ai cũng muốn tổ chức đám cưới hoành tráng, linh đình nhưng khả năng kinh tế của vợ chồng mình có hạn. Vợ chồng mình quyết định tài chính thế nào sẽ tổ chức cưới hỏi thế đó chứ mình sợ nhất là cảnh chạy xuôi chạy ngược đi vay mượn tổ chức cưới hỏi rồi sau cưới lại oằn lưng cày trả nợ thì khổ lắm", chị Linh kể.
Những khoản chi phí được chị Nga liệt kê như sau:
Chụp ảnh cưới: 3 triệu
Khi kết hôn, nhiều cặp đôi sẵn sàng chi cả chục triệu đồng để chụp ảnh cưới. Thậm chí có đôi còn chụp tới 2, 3 album nhưng mình nghĩ như thế không thiết thực lắm.
Vợ chồng mình chỉ chọn gói chụp trong studio, phóng 2 ảnh cỡ lớn treo hai bên gia đình ngày cưới. Album thì nhỏ thôi gọi là để kỷ niệm ngày hai đứa về chung một nhà.
Bởi thực tế giờ công nghệ phát triển, đi đâu đưa điện thoại ra là có thể chụp được ảnh đẹp, cần gì phải bỏ tiền ra chụp nhiều album làm gì. Tiền đó mình nghĩ nên để dành lo việc khác hữu ích hơn.
Váy cưới: 300k
Thay vì mua váy cưới mới, chị Linh lên mạng tìm mua lại váy cũ với giá 1.2 triệu đồng. Bình thường mua một váy cô dâu mới sẽ tốn ít nhất 4, 5 triệu. Mua váy cũ chị Linh đã tiết kiệm được 1 khoản không hề nhỏ: "Tuy là váy mua lại nhưng nhìn còn rất mới bởi váy cô dâu người ta chỉ mặc 1 tới 2 lần là cùng. Sau cưới mình lại bán lại cho người khác với giá 900k coi như mình chỉ mất có 300k đầu tư cho váy cô dâu".
Trang điểm cô dâu: 0k
Bản thân từng học qua lớp makeup nên hôm cưới, chị Linh tự trang điểm cho mình. "Mình thích trang điểm một cách nhẹ nhàng, không cần quá cầu kỳ nên cả ăn hỏi cũng như cưới, mình tự trang điểm lấy. Tính ra cũng tiết kiệm được ít nhất 1 triệu tiền trang điểm trong 2 ngày đó. Quan trọng là mình thích cảm giác được tự tay trang điểm cho mình thành cô dâu, cảm giác hồi hộp và hạnh phúc hơn", chị Nga kể.
Phòng cưới: 3 triệu
Vì kinh tế có hạn nên vợ chồng chị Linh chỉ sắm những thứ cơ bản như tủ quần áo, bàn trang điểm. Giường đệm anh chị dùng lại đồ cũ, chỉ mua một bộ chăn ga mới trải lên. "Ban đầu chồng mình cũng bảo thay giường song mình thấy giường cũ của chồng là gỗ tốt, chỉ cần sơn lại chút là nhìn như mới. Mình không quan trọng rằng phòng cưới là toàn bộ phải thay bằng đồ mới. Đồ cũ mà chất lượng thì phải biết tận dụng cho đỡ lãng phí".
Tiền cỗ: 0K
Vì ngay từ đầu đã xác định tổ chức cưới hỏi đơn giản, gọn nhẹ nên vợ chồng chị Linh chỉ mời bạn bè thân cận, những mối quan hệ thật sự cần thiết, gần gũi: "Tính ra vợ chồng mình chỉ mời có 5 mâm bạn bè, bỏ ra 20 triệu cỗ bàn. Sau cưới hai đứa thu về 25 triệu tiền mừng, coi như là hòa vốn. Còn khách khứa của bố mẹ hai bên họ tự lo, vợ chồng mình không phải bận tâm đến", chị Linh kể.
Du lịch tuần trăng mật: 3.5 triệu
"Vì điều kiện không được dư giả, vợ chồng mình cũng chỉ chọn tới các tỉnh lân cận Hà Nội cho giảm bớt chi phí. Địa điểm mình chọn là biển Sầm Sơn, cũng không đặt khách sạn, chỉ thuê 1 nhà nghỉ bình dân cho đỡ tốn kém". Chị Linh chia sẻ thêm, vì khoản chi phí cho đám cưới gọn nhẹ nên cả trước và sau cưới anh chị không bị áp lực về kinh tế bởi mọi thứ đều nằm trong khả năng, tính toán ngay từ đầu của vợ chồng. Sau cưới, anh chị thảnh thơi thực diện các dự định, kế hoạch làm ăn mà không phải lo nợ nần gì cả.
Giang Nguyễn