(Tổ Quốc) - 14 tháng tuổi em Lưu Thiện Lâm trú tại 124/4 Mạc Vân (phường 12, quận 8) đã mồ côi mẹ, sống xa ba, dì ruột cưu mang em và lo ăn học. Cuộc sống của Lâm vốn tưởng sẽ là những chuỗi ngày bình yên bên dì, thế nhưng “siêu bão” COVID-19 lướt qua đã cướp mất người mẹ thứ 2 của em.
Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ trong cơn đại dịch vừa qua tại TP.HCM là quá lớn, không thể bù đắp được. Đặc biệt là trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi trụ cột gia đình thì cuộc sống càng bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thử thách.
Và cũng từ lúc đó, những đứa trẻ bất chợt mồ côi...
"Má nuôi đi rồi… về bên kia đoàn tụ với mẹ con"
Lưu Thiện Lâm trú tại 124/4 Mạc Vân (phường 12, quận 8) là một trường hợp như thế. Em có mẹ ruột mắc ung thư mất từ khi bé mới chỉ 14 tháng tuổi. Ba Lâm ra ngoài ở riêng, để lại em cùng với hai chị gái của mình sống chung với cậu và dì Hai ở nhà ngoại.
Lâm cho biết, dì Hai (chị đầu của má Lâm) vì lí do riêng không có chồng và con cái, nên xem ba chị em Lâm như những đứa con ruột của mình. Từ nhỏ đã sống chung với dì rất thân thiết, nên ba đứa trẻ này gọi dì Hai bằng má.
"Má Hai buôn bán thực phẩm ở ngoài chợ, ngoài ra còn là tổ trưởng dân phố ở khu vực này. Khi dịch bệnh ập đến, má Hai ngày nào cũng chạy đôn đáo chăm lo cho những người dân sống quanh khu này, vừa chăm lo cho tụi con. Ngày má Hai đổ bệnh rồi mất đi, con khóc nhiều lắm, con phải đi đâu để tìm má Hai về đây" - Lâm nghẹn giọng.
Lâm kể, từ nhỏ, ba chị em Lâm được một tay má Hai nuôi nấng, bất kể đi đâu hay làm gì, má đều quan tâm, giúp đỡ hết mình. Thường ngày, má Hai thương Lâm nhất nhà, chăm lo cho Lâm từng miếng ăn đến giấc ngủ. Đi chợ về có gì ngon đều mua cho Lâm ăn đầu tiên.
"Những lúc má Hai nghỉ bán ở chợ, má dẫn ba chị em con đi sở thú chơi, vì không phải lúc nào cũng có tiền để đến đó chơi nên con thích lắm. Không những được má dẫn đi chơi, má còn mua rất nhiều đồ ăn ngon cho ba chị em".
"Con gấu bông sờn rách này là món quà kỉ niệm trong một lần sinh nhật của con, má Hai mua tặng. Dù nó có rách nát đến cỡ nào thì đó là món quà duy nhất má để lại.
Con không quên được hình ảnh của má mỗi khi phiên chợ tan. Con đứng đầu ngõ lóng ngóng đợi má về, tay xách hàng hóa, không quên kèm theo những gói bánh, kẹo cho cả ba chị em. Ngay cả mơ con cũng không dám tin má đã mất, con ghét cái con Covid này" - Lâm òa khóc.
Hụt hẫng, thất vọng, không diễn tả được cảm xúc khi phải nhận tin chị mình ra đi quá đường đột, cậu của Lâm - anh Lưu Thiện Long - cho biết chị Hai (Lâm gọi má Hai) bị phơi nhiễm và mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 19/8. Trong nhà anh có 8 người (gồm ba đứa anh con, cô ruột anh Long và ba chị em nhà Lâm) rất may không bị nhiễm bệnh.
"Bả thương mấy đứa nhỏ lắm, làm gì cũng nghĩ tới chúng. Buôn bán được bao nhiêu tiền đều để dành lo cho tụi nó hết à. Tôi trước dịch khi đi làm về cũng hỗ trợ chị Hai đóng tiền vào lo cho bọn nhỏ, giờ chị mất rồi, tụi nhỏ ở với tôi, có gì ăn đó, không dám chắc nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức chăm lo cho chúng ăn học tử tế" - anh Long bày tỏ.
Theo anh Long, Trung thu năm nay dịch bệnh như vậy, trong nhà lại xảy ra đủ thứ chuyện cho nên cũng không tổ chức gì cho bọn trẻ. Mọi năm, anh cùng chị Hai dẫn bọn trẻ đi rước đèn Trung thu ở trung tâm văn hóa quận, mua những loại bánh bọn trẻ thích ăn. Tự tay làm ra những cây đèn lồng tặng Lâm vì nó nhỏ nhất trong nhà cho không khí vui tươi hơn.
"Chỉ mong tôi có đủ sức và trông dịch nhanh qua đi, ổn định trở lại công việc để chăm lo cho mấy đứa. giờ chỉ rau cháo lay lắt sống qua ngày thôi" - anh Long chia sẻ.
Ước ba quay trở về
Ai ngờ được, ngày mà những người cha, người mẹ, những trụ cột trong gia đình lại ra đi. Để rồi những đứa con của họ phải đau xót chứng kiến những dòng ấn định trên cuốn sổ hộ khẩu "họ và tên cha, mẹ… đã mất".
Kể từ đó những đứa trẻ này được định danh là mồ côi, lớn lên trong tình yêu chắp vá, thiếu hụt đủ điều.
"Ba ơi, ba chưa được 100 tuổi mà, chị hai nói với con người ta 100 tuổi mới mất đi. Mỗi lần sinh nhật ba hay mẹ con đều đếm số tuổi mà, sao ba đi để lại con một mình vậy? Rồi khi chị hai lấy chổi đánh vào mông con ai sẽ bênh con đây ba ơi", đó là những lời thổn thức đầy ám ảnh trong giấc mơ mỗi khi gặp ba của em Lê Huỳnh Hiếu Tài (9 tuổi) trú tại (56/26 Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP.HCM).
Ngày 19/7 ba của Tài đã không qua khỏi, khi đang điều trị tại khu bệnh nhân mắc Covid-19 nặng thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Theo Tài hôm 16/7 ba thấy cơ thể khó chịu, nhức mình và có triệu chứng sốt kèm theo khó thở. Dấu hiệu rõ rệt nhất là khi ba em mất đi vị giác, đồng thời chị gái thứ hai của Tài cũng trong tình trạng này. Không gọi được xe cấp cứu, hai cha con tự lái xe máy vào Bệnh viện Nguyễn Tri phương để test nhanh Covid-19.
Kết quả test nhanh cho thấy ba cùng chị gái đã mắc bệnh, chị được chuyển về cách ly tại bệnh viện dã chiến ở kí túc xá (Đại học quốc gia TP. HCM). Ba có dấu hiệu bệnh nặng được các bác sĩ giữ lại tại chỗ để điều trị.
"Hôm chủ nhật, ba vẫn còn gọi điện nói chuyện động viên mẹ với em cố gắng đợi ba về, ba nói ông trời thương ba lắm, ba sẽ nhanh chóng khỏi bệnh thôi.
6h sáng ngày thứ 2, hay tin ba mất ở bệnh viện em không tin nổi đó là sự thật, mới hôm qua ba còn khỏe mạnh. Giọng nói của ba vẫn rất dõng dạc như mọi ngày, em đã tự hỏi mình liệu đây có phải là giấc mơ không. Nếu là thật vậy từ nay ai sẽ cùng em chơi cờ, đi tập thể dục, nấu cho em những món ngon yêu thích đây. Ba đã không giữ lời hứa, ba mãi không trở về bên mấy chị em và mẹ nữa", Tài chua xót.
Quá bất ngờ trước thông tin này Tài đã bị sốc tâm lý một thời gian, mỗi ngày trôi qua đối với em không còn nhiều ý nghĩa. Thiếu vắng bóng ba bên cạnh em như mất đi phương hướng, không muốn nói chuyện nhiều với mọi người trong nhà. Mặc dù trước đó Tài là một người rất hoạt ngôn.
Kể về ba với giọng đầy tự hào, Tài nói: "Ba là một người rất cao to, khỏe mạnh. Ngoài công việc làm thợ trang sức bạc ra, khi mẹ đi dạy ba sẽ thay mẹ ở nhà nấu những món ăn ngon, đón em mỗi lúc đi học về", Tài thủ thỉ.
Mỗi khi tan trường Tài đều chạy thật nhanh đến để ôm ba, cảm giác ấm áp đến khó tả. Đối với Tài ba chính là người anh hùng, siêu nhân vĩ đại nhất. "Cạnh ba em luôn được cảm giác bình yên, an toàn. Thiếu mất vòng tay của ba đối với em đó là sự mất mát, khủng hoảng tinh thần nhất từ trước đến nay", Tài nhấn mạnh.
Tài nói, trước đây khi ba còn sống hai cha con mỗi ngày đều chơi đánh cờ tướng để giải trí khi thành phố đang có chỉ thị nghiêm ngặt ai ở đâu yên đó.
Trước khi trò chơi diễn ra ba và em sẽ cá cược sau mỗi ván đấu ai thua thì sẽ đấm lưng cho đối phương 5 phút xong mới bắt đầu lại ván thứ 2.
Vì là môn sở trường của mình, Tài luôn dành chiến thắng trước ba. Không những được đấm lưng em kể còn được ba thưởng kèm món cơm gà yêu thích do chính tự tay ba làm.
"Thời gian gần đây, nhìn đâu, làm gì em cũng thấy hình dáng của ba, nhất là khi nhìn xuống bếp, trên bàn ăn gia đình, hay cả trong giấc mơ. Ước gì em sở hữu được "cây đèn thần" như các youtuber trên mạng, em sẽ ước ba hồi sinh quay về sống bên gia đình em mãi mãi", Tài xúc động.
Là một giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố, mẹ của Tài chị Huỳnh Thị Tấn Danh cho hay, ngày 16/7 sau khi ba của bọn trẻ nhập viện thấy tình trạng anh hơi mệt cho nên chị cũng không gọi điện nhiều.
Liên lạc với con gái để theo dõi tình hình của chồng, chị Danh kể: "Nghe con nói anh đã được đưa vào điều trị đồng thời phải thở oxy lúc đó chị đã rất nóng lòng. Điều trị được hai hôm, đến chủ nhật anh khỏe lại và có gọi điện trò chuyện cùng chị với Tài, Anh nói, đã khỏe hơn những ngày trước chị đã rất vui mừng tuy nhiên sáng hôm sau bệnh viện báo tin anh mất".
Những cú sốc liên tiếp diễn ra khi vừa nhận được "hung tin", đến con gái thứ 3 của chị Danh cũng dương tính với SARS-CoV-2, buộc phải cách li điều trị 21 ngày ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Cố kìm nước mắt chị giấu nhẹm đi chuyện ba bọn trẻ đã mất, tập trung động viên, trấn an tinh thần cho hai đứa con gái nhanh khỏi bệnh.
"Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp cái cảnh tượng khủng khiếp vậy, tôi không dám nghỉ và rất sợ. Thời điểm đó đỉnh dịch nhà ai cũng đóng cửa, trong xóm lại có quá nhiều F0. Chồng thì mất ở bệnh viện, hai đứa con cách ly điều trị hai nơi, nó khốn cùng đến khó tả. Tài khi nó nghe ba mất cứ chạy ra chạy vào mếu máo rồi hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc trong bất lực. Ba bọn trẻ mất rồi tôi lắm lúc cứ đắm chìm trong những tuyệt vọng, nhìn ba đứa con tuổi chập chững mới lớn đau xót lắm", chị Danh xúc động.
Theo chị Danh mùa Trung thu của những năm về trước gia đình rất hạnh phúc, chị cùng gia đình quây quần bên nhau đi chơi. Chị cùng anh dẫn bọn trẻ đi ăn những món mà thường ngày chúng thích, mua cho Tài đèn lồng cùng với những chiếc bánh mà trẻ con thích ăn trong mùa này.
Năm nay có đèn lồng cho Tài nhưng không bánh, không đầy ắp tiếng cười như xưa nữa thay vào đó là những giọt nước mắt lăn liên hồi trên má của chị và bọn trẻ.
"Vừa qua hiệu trưởng của trường Tài đang theo học đã có đến thăm hỏi, động viên gia đình tôi đồng thời tặng cho Tài chiếc ipad mini hỗ trợ cho nó trong việc học online được thuận tiện hơn. Tôi xin được cảm ơn rất nhiều các tấm lòng hảo tâm của nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ", chị Danh nói.
Ưu tiên chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi vì COVID-19
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người, hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân… Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc các em trong thời gian dài.
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm học mới, Thành phố có hơn 1.500 học sinh bậc học phổ thông, giáo dục thường xuyên rơi vào cảnh mồ côi vì người thân mất do dịch COVID-19 chỉ trong vòng vài tháng qua.
Con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều nếu tính cả trẻ ở độ tuổi mầm non cùng với một số trường hợp đặc biệt khác ngoài hệ thống giáo dục hoặc trẻ em không có điều kiện đến trường, chưa kể số trẻ em tại các tỉnh, thành phố khác hiện chưa được thống kê.
Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra văn bản hướng dẫn đề nghị các tỉnh và thành phố ưu tiên chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do COVID-19.
Trong thông cáo báo chí, bà Rana Flowers khẳng định UNICEF cùng với Chính phủ, nhân dân Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất cho hơn 1.500 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh bị mất cha, mẹ do COVID-19. Con số này dự kiến sẽ nhiều hơn khi có thêm thông tin từ các tỉnh, thành phố khác.
"Tấm lòng hảo tâm và sự mong muốn được giúp đỡ các em của các cá nhân và các doanh nghiệp thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, UNICEF kêu gọi sự cẩn trọng để đảm bảo rằng những giải pháp đưa ra trong thời điểm căng thẳng và đầy thách thức này được lựa chọn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, được xây dựng để duy trì sự kết nối của trẻ em với cộng đồng, để trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình nơi các em có thể phát triển đầy đủ nhất," bà Rana Flowers chia sẻ.
Theo Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bên cạnh việc tìm một nơi trú ngụ cho trẻ em mồ côi thì điều quan trọng hơn cả là cần phải nhanh chóng tìm được môi trường "gia đình" cho các em.
Cũng theo bà Rana Flowers, các cơ sở nuôi dưỡng tập trung không phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em mồ côi, thiếu người chăm sóc, mà thay vào đó, chính phủ cần phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em, đảm bảo có thể tìm kiếm và giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế; cung cấp trợ cấp để trẻ em có thể ở trong môi trường gia đình, cộng đồng của chính mình, được kết nối với những gì các em đã biết, có thể tiếp tục học ở mái trường quen thuộc, với những người bạn đã quen biết và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết trẻ em trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung thường bị tách khỏi họ hàng người thân và cộng đồng địa phương. Không còn được cha mẹ chăm sóc, các em thường phải chịu đựng những tổn hại về thể chất, tâm lý, cảm xúc và xã hội, để lại những hậu quả suốt đời. Những trẻ em này cũng có nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, sao nhãng và bóc lột.
Để ngăn chặn và ứng phó với cuộc khủng hoảng về trẻ em này, trước mắt và lâu dài, điều quan trọng là các chính phủ phải có những hỗ trợ thiết thực cần thiết về tình cảm, tài chính cho các gia đình họ hàng nhận nuôi trẻ. Trong trường hợp không tìm được các gia đình họ hàng thích hợp, chính phủ cần tìm cho trẻ các gia đình mong muốn nhận nuôi, sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ các em và chính phủ cần hỗ trợ, giám sát trẻ em trong quá trình trưởng thành.
"Khi COVID-19 tiếp tục tàn phá các gia đình và cộng đồng, chúng ta phải bảo vệ quyền được sống và lớn lên của mọi trẻ em trong một môi trường giúp các em phát triển thể chất, tâm lý, xã hội và cảm xúc. Lời kêu gọi hành động đảm bảo trẻ em có thể phát triển trong môi trường dựa vào gia đình và cộng đồng chứ không phải ở các cơ sở tập trung giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết, khi cộng đồng chung tay giải quyết những thách thức chưa từng có do COVID 19 gây ra", bà Rana Flowers nhấn mạnh.
ĐẶNG TUYẾT – ĐẶNG PHƯƠNG