(Tổ Quốc) - "Ngay cả những ca sĩ luôn tự hào hát cực tốt, âm nhạc cực kỳ “cõi trên” cũng phải mắng mỏ dè bỉu những dòng nhạc khác đang thịnh hành, ăn mặc quái gở để gây chú ý", Đức Tuấn nói.
Từ nhiều năm nay, hát nhép được xem là điều cấm ký với ca sĩ, nghệ sĩ. Khi biểu diễn, phát hiện ca sĩ nào hát nhép, không chỉ khán giả ném đá mà đồng nghiệp cũng coi thường. Tuy nhiên, từ ngày 1-2-2021, khi Nghị định 144 có hiệu lực thì điều này không còn trở thành "vấn đề đạo đức" của người làm nghề nữa.
Đức Tuấn: Ai cũng từng "hát chồng" dù đó là ca sĩ trẻ hay nghệ sĩ nhân dân
Chia sẻ quan điểm với phóng viên, ca sĩ Đức Tuấn thẳng thắn nói, "việc biểu diễn theo cách nào cứ để người biểu diễn và ban tổ chức quyết định". Khi phóng viên hỏi, anh đã bao giờ hát nhép chưa, Đức Tuấn bộc bạch: "Thực chất từ “hát nhép” đã được truyền thông dùng với ý nghĩa tiêu cực từ lâu, và đó là điều cần chấn chỉnh.
Hát nhép thực chất là Lipsync, một kỹ thuật biểu diễn quen thuộc mà tất cả những nghệ sĩ trên toàn thế giới dù hát cực tốt hay không đều thực hiện rất nhiều lần trong đời. Đặc biệt trong thời đại mà khán giả đòi hỏi sự phức tạp của các show diễn ngày càng cao.
Tuấn đã lipsync nhiều lần trong những chương trình mà ban tổ chức bắt buộc phải lựa chọn cách lipsync để bảo đảm những tiêu chuẩn khác phải hoàn hảo. Chắc chắn đã là ca sĩ ai cũng đã lipsync hay “hát chồng”, dù đó là ca sĩ trẻ, hay nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, tốt nghiệp tất cả các thể loại bằng cấp về âm nhạc".
Sự thẳng thắn của Đức Tuấn cũng được thể hiện rõ khi nói về quan điểm cho rằng, hát nhép là "mở đường" cho các ca sĩ online lên ngôi và ai cầm mic cũng có thể trở thành ca sĩ.
Anh nói: "Điều đó thì có gì là sai? Bạn cầm mic biểu diễn một cách nào đấy và thuyết phục được rất đông người nghe yêu thích, say mê bạn, đó cũng là tài năng. Mà tài năng thì phải được công nhận.
Tuấn vẫn trân trọng những nghệ sĩ biết mình hát kém mà biết bỏ tiền ra tìm bài hay, mời những nhà sản xuất giỏi, chăm chút về ngoài hình, về trang phục, vũ đạo, mang đến những sản phẩm cực tốt khi tổng hoà hết mọi yếu tố.
Ngày nay giọng hát không còn là yếu tố chính để quyết định chất lượng nữa, mà chỉ là một phần đôi khi không quan trọng trong một sản phẩm hoàn chỉnh. Một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận".
Nam ca sĩ cũng cho rằng, ca sĩ chất thật sự là một khái niệm vô cùng tương đối. Và rằng, với quy định mới này, thay vì các ca sĩ trẻ dễ thở hơn thì họ còn khó thở gấp cả trăm lần.
Đức Tuấn chia sẻ: "Mấy chục năm trước “chất thực sự” là phải hát thật riêng. Nhưng nhu cầu của khán giả bây giờ khác xa lắm rồi, họ không cần cái “chất thực sự” đó nữa.
Không chỉ khán giả trẻ, mà ngay cả những người nghe trưởng thành cũng đã không cần điều đó. Họ thích cái gì đó trendy, ngoại hình tóc tai, quần áo, phong cách phải bắt mắt, phải đặc biệt.
Và các bạn trẻ bây giờ cũng không hề dễ thở hơn mà “khó thở” hơn gấp trăm lần, các bạn phải đầu tư rất nhiều thứ khác hơn trước kia cả về vật chất lẫn trí tuệ để trở nên “khác biệt” trong mắt mọi người khi mà giọng hát không còn quyết định được nữa.
Ngay cả những ca sĩ luôn tự hào hát cực tốt, âm nhạc cực kỳ “cõi trên” cũng phải tìm cách mắng mỏ dè bỉu những dòng nhạc khác đang thịnh hành, ăn mặc quái gở trên sân khấu để gây sự chú ý khi ra sản phẩm hay live show đấy thôi".
Nguyễn Hải Yến: "Đừng gọi họ là ca sĩ mà hãy gọi họ là nghệ sĩ biểu diễn"
Chia sẻ quan điểm với phóng viên về quy định mới này, ca sĩ Nguyễn Hải Yến bày tỏ: "Không thể phủ nhận là, khán giả bây giờ có nhu cầu về phần nhìn rất nhiều. Chính vì vậy, gần đây xuất hiện các ca sĩ biểu diễn nhiều hơn là ca sĩ hát bằng thực lực.
Tôi nghĩ, nếu là nghệ sĩ chuyên nghiệp và làm nghề tâm huyết, chắc chắn họ sẽ không ủng hộ quy định mới, không cấm ca sĩ nghệ sĩ hát với bản thu âm sẵn (hát nhép).
Ca sĩ Nguyễn Hải Yến cho rằng, là nghệ sĩ chuyên nghiệp và làm nghề tâm huyết, chắc chắn không ai ủng hộ hát nhép.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, khán giả bây giờ có rất nhiều lựa chọn. Họ thần tượng thần tượng của họ chứ không phải thần tượng âm nhạc. Họ dễ dàng thần tượng một người có hình ảnh đẹp, bắt trend tốt, chất liệu âm nhạc bắt tai chứ không hẳn là một ca sĩ hát hay.
Đôi khi, họ bỏ ra một số tiền rất lớn không phải để đi nghe ca sĩ hát mà là để đi nhìn ca sĩ. Nghĩa là, mọi thứ trong thị trường âm nhạc hiện tại là cung và cầu.
Chúng ta vẫn phải chấp nhận nhu cầu của xã hội, dòng chảy của âm nhạc hiện nay. Tuy nhiên, nếu là một nghệ sĩ có tâm với nghề, với khán giả, mỗi ngày đều muốn mình tốt hơn thì nên hát thật chứ không phải hát nhép.
Trừ những chương trình chất lượng âm thanh không đủ để truyền tải, ảnh hưởng tới hình ảnh của nghệ sĩ thì có thể sử dụng phần thu âm sẵn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chắc chắn đó không thể là các chương trình hát live ở sân khấu với quy mô và có khán giả mua vé để xem.
Những chương trình ghi hình của đài, quay hình phát sóng thì có thể hát nhép. Từ bao nhiêu năm nay, các chương trình ghi hình vẫn làm điều đó để đảm bảo chất lượng. Bởi qua âm thanh, qua sóng truyền hình nếu hát live thì sẽ ảnh hưởng chất lượng rất nhiều.
Nghệ sĩ rất sợ mất hình ảnh, rất sợ mất đi phần nào sự nỗ lực của họ, sợ mất đi phần nào chất lượng giọng hát của họ khi đến với khán giả.
Bản thân tôi là người làm nghề, nếu đi xem người khác hát, tôi sẽ rất tôn trọng những người hát live. Chẳng ai nể phục hay tôn trọng những người hay hát nhép. Tôi đi xem rất nhiều sân khấu và thấy, hát nhép không mang lại cảm xúc cho người nghe nhiều.
Vấn đề đặt ra là sự lựa chọn của mỗi người nghệ sĩ. Họ lựa chọn con đường đi như thế nào. Họ lựa chọn đem cái gì tới cho khán giả của mình. Đơn giản vậy thôi.
Cô cũng bày tỏ quan điểm rằng, khi áp dụng quy định mới này thì cũng nên đặt thêm một danh xưng khác cho những người hay hát nhép là: nghệ sĩ biểu diễn chứ không phải ca sĩ.
Cá nhân tôi chọn một nghệ sĩ có tâm với mình và khán giả. Có thể xuất phát, bạn không hát hay nhưng học hỏi, nỗ lực từng ngày để trở thành người hát hay, nhảy đẹp, bắt trend tốt, có sản phẩm âm nhạc hay đúng xu hướng của giới trẻ.
Tôi hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ như vậy. Và trong số các bạn trẻ hiện nay, tôi vô cùng mê Sơn Tùng. Tôi rất hâm mộ, ái mộ Sơn Tùng. Quá nể!
Sau quyết định này, tôi không mong sẽ mọc lên một rừng ca sĩ trẻ là nghệ sĩ biểu diễn. Khi mà những điều căn bản, cơ bản để trở thành ca sĩ mà lại bị loại bỏ đi thì sẽ có rất nhiều người bỗng dưng được xưng danh là ca sĩ.
Nếu vậy, ngoài việc không phạt khi hát nhép thì cũng nên đặt thêm một tên gọi khác. Đừng gọi họ là ca sĩ mà hãy gọi họ là nghệ sĩ biểu diễn! Như vậy là tốt nhất".
Cao Thanh Hương