(Tổ Quốc) - Khởi đầu cho cuộc hôn nhân không được trọn vẹn tuy nhiên từ cách sống của Công chúa mà Chiêu Minh Đại Vương đã phải tự mình thay đổi tất cả mọi thứ.
Tình yêu thật sự không thể gượng ép. Từ bao đời nay, những mối tình đẹp đều xuất phát từ tình cảm của hai bên. Dần dần họ nhìn ra ưu điểm của đối phương, nguyện ý gắn bó thì mối quan hệ mới bền chặt. Như câu chuyện của Công chúa Phụng Dương và Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải cũng như thế.
Hôn lễ của cô và cháu họ đời nhà Trần
Theo ghi chép từ Đại Việt Sử ký Toàn thư, Phụng Dương Công chúa có thân phận vô cùng cao quý. Bà là con gái của tướng quốc Trần Thủ Độ và mẹ là phu nhân Tuệ Chân. Từ nhỏ, Công chúa nổi tiếng xinh đẹp, thông minh và hiền hậu. Vì yêu mến nên người anh họ là vua Trần Thái Tông đưa về cung nuôi dưỡng, nhận làm nghĩa nữ và phong hiệu Phụng Dương. Từ đó, bà sinh sống trong cung như một nàng Công chúa thứ thiệt.
Trần Quang Khải là con trai ruột của vua Trần Thái Tông cùng Thuận Thiên Hoàng hậu. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Lúc mới sinh, Quang Khải phát chứng kinh giật, tưởng không qua khỏi. Thương con, vua Trần Thái Tông lấy áo gấm của Thượng hoàng và tháo cả thanh gươm báu truyền quốc luôn đeo bên mình đặt cạnh Hoàng nhi và bảo: ‘Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này’. Quang Khải qua được cơn bệnh hiểm nghèo nhưng sau vua cha chỉ ban cho áo gấm của Thượng hoàng, còn gươm báu truyền quốc ‘Không thể tuỳ tiện trao bừa’.
Năm 17 tuổi, Trần Quang Khải đã được phong tước Chiêu Minh Đại Vương. Ông văn võ toàn tài, 20 tuổi bắt đầu tham gia công việc triều chính.
Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, khi đến tuổi cập kê, Trần Thái Tông đã ban hôn cho Trần Quang Khải và Phụng Dương Công chúa. Tính theo vai vế, đây là hôn lễ giữa cháu trai cùng cô trong họ.
Theo nội dung trên Văn bia thờ phụng Công chúa Phụng Dương, khi đó, Trần Quang Khải đang giữ chức Thượng tướng Thái sư. Vua xuống chiếu ban hôn có ban cho Phụng Dương xe và quần áo, thực hiện đúng nghi thức như một Công chúa thực thụ đi lấy chồng.
Vào thời đó, họ phải tuân theo chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chứ Quang Khải thực chất chẳng hề mặn mà. Với người vợ mới cưới, Chiêu Minh Đại Vương chẳng mấy khi đoái hoài, tỏ ra vô cùng lạnh nhạt. Một phần khác, ở trong phủ lúc đó cũng có một người thiếp khác, Quang Khải yêu hơn nên không đả động gì đến Phụng Dương.
Nhận thấy điều đó, phụ mẫu của Công chúa vô cùng phẫn nộ. Trần Thủ Độ thậm chí còn định ép buộc, không cho phép Quang Khải thờ ơ với con gái mình.
Theo Văn bia thờ Công chúa Phụng Dương, bà đã lên tiếng ngăn cản cha mẹ: “Con đã làm vợ Thái Sư, được hòa hợp hay không là do mệnh mà thôi. Ý của cha mẹ con cái cố nhiên không thể cưỡng lại, nhưng còn cái nghĩa lớn phải theo chồng thì làm thế nào”. Nghe con cái nói vậy, Tướng quốc và Phu nhân Tuệ Chân bèn thôi.
Công chúa Phụng Dương sau đó đã có cách thức khác để dần dần lay chuyển suy nghĩ của Trần Quang Khải.
9 từ chồng nhắn nhủ trước khi vợ lìa đời
Về câu đối đáp của Công chúa và Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải biết được nên cũng có một chút tỉnh ngộ.
Ở phủ của ông có nhiều thê thiếp, Công chúa Phụng Dương là chính phi. Tuy nhiên, bà không bao giờ tỏ ra ghen tuông, chèn ép hay làm ầm ĩ vì chuyện này. Lúc nào bà cũng ân cần, đối xử tốt với các thứ thiếp của chồng.
Văn bia thờ Công chúa viết: “Công chúa thờ chồng một lòng kính thuận. Đối với thứ thiếp của chồng một lòng khoan thứ. Nếu có người nào làm cho Thái sư giận la mắng, Công chúa lấy lời lẽ nhẹ nhàng giảng giải, khiến họ không phàn nàn oán hận. Công chúa cư xử như thế các liệt phu thời xưa cũng không hơn được”.
Trần Quang Khải lo toan việc nước, Công chúa chu toàn hết việc nhà. Trong phủ, từ người già, trẻ nhỏ đều có khuôn phép. Công việc được sắp xếp đâu ra đấy. Chi tiêu cũng đúng lúc, đúng chỗ chứ không có hoang phí. Nhờ đó, Trần Quang Khải cũng nể phục người vợ hiền lương thục đức này.
Cuối năm Giáp Thân (1284), quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2. Hai vợ chồng Trần Quang Khải và Phụng Dương xuôi thuyền cùng triều đình về Thiên Trường.
Nửa đêm, thuyền thình lình bốc cháy, sự hoảng loạn lan ra khắp nơi. Công chúa bình tĩnh đánh thức chồng dậy, tự tay đưa lá mộc chắn cho chồng và lấy thân mình bảo vệ ông. Sau sự kiện này, Chiêu Minh Đại Vương đã rõ tấm lòng của vợ hiền và từ đó, một lòng một dạ yêu thương, trân trọng Công chúa.
Sau này, cặp đôi đã có với nhau đến 7 người con. Ngoài ra, Trần Quang Khải còn có nhiều con của các thiếp thất. Công chúa vốn có lòng nhân từ bác ái, không phân biệt con vợ lẽ, vợ cả. Hễ ai làm điều gì tốt dù nhỏ cũng khen trước mặt Thái sư. Ai làm điều xấu dù nhỏ cũng rỉ tai răn dạy.
Sau này Công chúa bệnh nặng, đến lúc sắp qua đời bà vẫn chỉ nghĩ đến chồng mình. Vào những giây phút thập tử nhất sinh, Trần Quang Khải đã viết một bức thư đặt vào tay bà rồi nói: “Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa”.
Sau khi Công chúa qua đời, Chiêu Minh Đại Vương đã tự mình lập bia mộ cho vợ. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép, nhắc về nhân đức của Phụng Dương công chúa, Chiêu Minh Đại Vương - Trần Quang Khải lúc bấy giờ đã đánh giá: “Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử".
Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Văn bia thờ công chúa Phụng Dương, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
Ca Ca