(Tổ Quốc) - Vào những đợt đại hạ giá, đại lễ sale, các shipper ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc khuya muộn, giao hàng phải đến cả trăm cây số, chân tay đã ra rời vì lái xe quá lâu trên đường.
9h sáng, phía trước sảnh của 1 tòa nhà văn phòng trên đường Ngụy Như Kom Tum (Hà Nội), gần chục shipper với lỉnh kỉnh túi lớn, túi nhỏ hàng hóa đang tất bật gọi điện cho khách hàng.
Đây là khu vực tập trung khá nhiều tòa nhà văn phòng nên khung cảnh này không còn quá xa lạ với mọi người. Khung giờ "cao điểm" tập trung nhiều shipper của các đơn vị vận chuyển nhất là từ 9-11h hàng ngày.
Một tay cầm điện thoại gọi điện, tay còn lại thoăt thắt xếp các gói hàng lớn nhỏ được bọc chắn chắc trong bao, trong lúc chờ khách hàng nhấc máy, Minh Long (28 tuổi) tranh thủ trả lời những câu hỏi tôi đặt ra.
Câu chuyện không dài nhưng mất khá nhiều thời gian, vì trong lúc đang dở câu chuyện, chàng trai trẻ gốc Nam Định lại phải nói chuyện với khách hàng, nhắn họ xuống nhận đồ.
Long kể, gia đình cậu có 3 anh em, xuất thân từ vùng quê nghèo, cha mẹ chỉ làm nông. Lên Hà Nội học từ khi 18 tuổi, phải bươn trải biết bao nhiêu công việc làm thêm để cố gắng sống trên mảnh đất thủ đô đắt đỏ đã khiến đôi tay Long chai sạn, mặt có vẻ "cứng" hơn so với tuổi thật của mình.
"Em tốt nghiệp Đại học có tiếng đấy, khoa Công nghệ thông tin hẳn hoi. Sau khi ra trường, em có xin đi làm tại mấy công ty tư nhân, nhưng họ trả lương bọt bèo quá, không sống được. 2 năm trước, em đã chuyển hẳn sang làm shipper toàn thời gian.
Lúc đầu, em giấu bố mẹ. Sau đó, trong một lần em ship đồ cho khách, gặp người quen, họ về mách bố mẹ em ở quê. Mẹ em khi đó vừa gọi điện vừa khóc lóc làm em thấy xấu hổ lắm. Nhưng biết làm sao bây giờ, nếu cố bám víu vào làm công ăn lương chắc em chẳng sống được.
Giờ, công việc của em cũng ổn định lắm, tuy vất vả chút nhưng nếu cố gắng, cũng có đồng ra đồng vào, có tiền gửi về cho bố mẹ ở quê".
Cũng giống với Long, Đặng Thành Sỹ, 32 tuổi cũng bắt đầu công việc shipper của mình bằng một lý do rất chính đáng: Kiến tiền nuôi con và gửi về cho gia đình ở quê.
Sỹ là một đầu bếp của cửa hàng đồ Nhật trên phố Phùng Hưng. Hiện tại, anh đang thuê trọ trong 1 căn phòng nhỏ tại Hoàng Mai để tiện cho việc đi làm, cũng như việc bán hàng của vợ.
Sỹ làm việc ở đây cũng ngót nghét 3 năm rồi. Công việc của Sỹ là làm theo ca nên thời gian rảnh rỗi cũng khá nhiều. Trước đây, sau mỗi giờ làm, anh thường về nhà với gia đình, lướt web, chơi game và phụ giúp một vài việc vặt trong nhà giúp vợ. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, sau khi hết giờ làm, Sỹ bắt đầu nhận làm shipper cho một đơn vị vận chuyển khá có tiếng.
Sỹ tâm sự: "Vợ mình mới sinh em bé nên kinh tế có phần eo hẹp, không như sống cuộc sống của vợ chồng son. Lương mình ở nhà hàng Nhật không cao nhưng gọi là tạm đủ sống. Nhưng có con rồi, nhiều thứ phải lo, phải mua sắm.
Thêm vào đó, ở nhà, mẹ vừa sửa sang căn nhà cũ cho 2 vợ chồng nên hiện tại, ngoài thời gian làm việc ở nhà hàng, mình đi ship đồ cho khách để kiếm thêm tiền nuôi con và gửi về cho mẹ trả nợ tiền sửa nhà".
Sau nhiều lần hẹn gặp nhưng bị hủy, cuối cùng tôi cũng đã gặp được Thành (30 tuổi, quê Hải Dương). Khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng, không ai nghĩ, Thành lại mới 30 tuổi và chưa có gia đình.
Với Thành, kinh tế không phải là yếu tố quyết định để chàng trai này lựa chọn con đường trở thành một shipper toàn thời gian. Gia đình Thành ở quê có một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Bản thân Thành cũng đã từng đi xuất khẩu lao động ở Nhật 3 năm.
2 năm trước, Thành về quê với ý định nung nấu là mở một nhà hàng cho riêng mình. Thế nhưng, con đường start-up của chàng trai trẻ này gặp khá nhiều sóng gió. Vừa mở cửa hàng chưa lâu, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung sụt giảm, khách hàng thưa thớt, tiền thu về không đủ để chi trả mặt bằng, nhân công buộc Thành phải đóng cửa nhà hàng sau hơn 1 tháng.
Trời phụ lòng người, khi Thành cố gắng gây dựng lại công việc kinh doanh thì Covid-19 ập đến, mọi dự định của Thành tiêu tán và tiền cũng đội nón ra đi. Cuối cùng, sau nhiều đêm suy nghĩ, Thành quyết định lên Hà Nội làm shipper toàn thời gian cho gian hàng nhỏ kinh doanh mỹ phẩm xách tay của người chị gái tại khu vực Yên Nghĩa - Hà Nội.
Gian hàng tuy không lớn nhưng khá đắt khách vì theo chia sẻ của Thành, các sản phẩm đều là chính hãng, được xách tay từ nước ngoài về, thông qua các mối mà trước đó Thành quen qua quá trình đi xuất khẩu lao động và một số đầu mối gom hàng của chị gái Thành.
Với Thành, công việc shipper cho cửa hàng của gia đình khá vất vả, bởi gần như tất cả các đơn hàng từ lớn đến nhỏ đều do Thành vận chuyển. Ngoài ra, những khi rảnh rỗi, Thành cũng phụ chị gái đóng gói hàng hóa gửi cho khách.
"Những hôm cửa hàng chạy chiến dịch hoặc là tiến hành sale theo định kỳ, ăn theo sự kiện, công việc tăng lên gấp đôi, gấp 3 bình thường. Có những hôm, tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc khuya muộn. Có những ngày đi giao hàng phải đến cả trăm cây số chứ không phải đùa.
Chuyện ăn tối lúc 23h đêm cũng không quá lạ. Mệt mỏi, quá bữa và đồ ăn thì lạnh ngắt khiến bản thân không khỏi thấy có chút tủi thân. Bận thật đấy, vất vả thật đấy, nhưng hàng bán chạy thì mình cũng mừng, cũng coi như có thêm chút thu nhập, dành dụm cho bản thân", Thành tâm sự.
Trong khi đó, với Sỹ, điều mà shipper này thích thú hơn cả lại không phải là nguồn thu nhập từ công việc bán thời gian này đem lại mà là những trải nghiệm chưa từng có của bản thân.
"Tôi đi làm shipper là một cách để thử vượt qua giới hạn của bản thân. Với một người học và làm quanh quẩn trong gian bếp như tôi, đây là một công việc bán thời gian nhưng lại vô cùng thú vị. Công việc này giúp cho tôi có cơ hội được đi nhiều chỗ, biết nhiều nơi, gặp gỡ được nhiều người nữa.
Hơn hết, đó là công việc làm thêm, không bó buộc nên làm shipper thì cũng thoải mái, thích thì chạy không thì thôi, không bị gò bó thời gian và cũng không cần làm việc kiểu nhìn sắc mặt của người khác để sống".
Thích thú với trải nghiệm mới là thế nhưng Sỹ cũng không khỏi thấy mệt mỏi khi phải đi giao hàng vào những ngày các thương hiệu sale, đại hạ giá. Anh cho hay, những lúc sale chăc chắn là vất vả hơn rất nhiều so với những ngày bình thường, bởi số lượng đơn hàng tăng đột biến nhưng vẫn phải đảm bảo kịp tiến độ hàng đến tay khách như đã định.
Có những đợt, do đơn hàng quá nhiều, Sỹ phải đi cả mấy chục cây số một ngày, và những lúc về đến nhà trọ, chân tay đã ra rời vì lái xe quá lâu trên đường.
"Thời buổi người khôn, kẻ khó, nếu không cố gắng thì chắc không sống nổi ở nơi phố thị đắt đỏ này. Tôi mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm lắm nên thu nhập còn bấp bênh, không ổn định.
Nhưng có những anh đồng nghiệp của tôi, mỗi tháng kiếm chục triệu là chuyện bình thường. Tôi nhìn vào đó để cố gắng thôi. Tôi tin, mình không phụ nghề thì nghề cũng không phụ mình", Sỹ đúc kết.
Pha Lê