(Tổ Quốc) - Không giống như trong tiểu thuyết, Lolita ngoài đời thực không có thời gian để hồi phục sau chấn thương tinh thần mà cô đã trải qua khi còn là một đứa bé.
Tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới Lolita vào năm 1955. Câu chuyện kể về nỗi ám ảnh của một người đàn ông trung niên có tên là Humbert Humbert với cô bé 12 tuổi tên là Dolores Haze (Lolita).
Trong cuốn tiểu thuyết, Dolores cuối cùng cũng thoát khỏi sự kiểm soát của Humbert. Tuy nhiên, sau đó Dolores phát hiện ra mình có thai và gặp khó khăn về tài chính. Mặc dù vậy, cô đã vượt qua quá khứ và tự mình kiếm sống. Cuối câu chuyện, người đọc có thể thấy một cái nhìn thoáng qua về tương lai tốt đẹp hơn.
Còn về Sally Horner, cô bé bị bắt cóc vào năm 1948 bởi một người đàn ông trung niên. Trong hai năm, cô bé liên tục bị người đàn ông này cưỡng hiếp. Sau khi được giải cứu, cô bé bị truyền thông đổ lỗi và chết một cách bi thảm ở tuổi 15. Không giống như trong tiểu thuyết, Sally Horner không có thời gian để hồi phục sau chấn thương tinh thần mà cô đã trải qua khi còn là một đứa bé.
Câu chuyện của Sally và Lolita có nhiều điểm tương đồng. Cả hai gần bằng tuổi nhau và đều mất cha từ sớm. Ngoài ra, tác giả Nabokov cũng đọc rất nhiều tin tức về sự kiện của Sally và lấy cảm hứng từ đó để viết ra câu chuyện của mình.
Sự kiện thay đổi cuộc sống của Sally Horner mãi mãi
Ngày 13/6/1948, ngay trước khi tốt nghiệp lớp 5, Sally Horner, 11 tuổi đã cố gắng ăn trộm một cuốn sổ tay với giá chỉ 5 cent từ một hiệu sách ở Camden, New Jersey. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên Sally đã bị một người đàn ông phát hiện. Gã này đã nắm lấy cánh tay Sally khi cô cố gắng chạy trốn khỏi cửa hàng. Sau đó, gã nói mình là một đặc vụ FBI.
Gã đàn ông bắt đầu thao thao bất tuyệt về những luật pháp mà gã tự nghĩ ra. Điều đó khiến cho một đứa trẻ 11 tuổi không có lý do gì để không tin. Sau khi gã nói sẽ không tống Sally vào tù, cô cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cô phải hứa gặp hắn vào ngày hôm sau.
Sally buộc phải đồng ý. Cô không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô bị bắt. Mẹ cô, Ella, là một thợ may và phải làm việc vất vả để nuôi sống gia đình. Cha cô là một kẻ nghiện rượu nhưng đã tự tử khi cô lên 6 tuổi. Chị gái của Sally lúc đó đang mang thai. Vì thế, một vụ bắt giữ sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn đối với gia đình cô.
Hai năm kinh hoàng trong cuộc đời Sally
Cảm giác nhẹ nhõm vì không bị bắt chưa kéo dài được lâu thì Sally bị gã đàn ông ngày hôm trước theo dõi và chặn lại sau khi cô tan học. Gã xưng danh là Frank LaSalle.
Frank nói với Sally rằng cô thật may mắn vì người bắt được cô là gã chứ không phải ai khác. Và để thể hiện lòng biết ơn, gã yêu cầu cô phải đi cùng gã đến thành phố Atlantic. Frank nói thêm rằng chính phủ yêu cầu cô phải đi cùng gã, nếu cô từ chối, cô sẽ bị chuyển đến trường giáo dưỡng. Quá lo sợ, Sally sau đó nói dối mẹ rằng mình sẽ tham gia một chuyến đi biển cùng với bạn cùng lớp và cha của bạn.
Thực tế, Frank không phải là một đặc vụ FBI. Gã chỉ là một thợ máy 50 tuổi và đã phải chịu án tù vì tội hiếp dâm cùng những tội ác nghiêm trọng khác. Trước khi gặp Sally, gã đã bị kết án vì tội hiếp dâm và tấn công trẻ vị thành niên. Theo các báo cáo trên phương tiện truyền thông, gã cũng có tiền sử lạm dụng tình dục trẻ em.
Frank cũng đã kết hôn trước khi gã bắt cóc Sally. Gã gặp vợ mình là Dorothy Dare khi cô mới 17 tuổi. Frank đã dùng tên tuổi giả để tán tỉnh Dorothy. Cảm thấy bức bối vì những quy tắc nghiêm ngặt của cha mình, Dorothy háo hức chạy trốn cùng Frank. Cả hai người sau đó đã đăng kí kết hôn và có một đứa con chung. Tuy nhiên, cuối cùng Dorothy đã ly dị gã vì tội bỏ bê và không chăm sóc con cái.
Frank đưa Sally đến thành phố Atlantic và ở lại đây khoảng 6 tuần. Trong khi đó, mẹ Sally vẫn tin rằng cô đang đi nghỉ mát cùng bạn học. Sau đó, Frank tiếp tục đưa Sally đến Baltimore, Maryland và Dallas, Texas.
Trong suốt khoảng thời gian này, Sally không mảy may nghi ngờ điều gì. Cô vẫn lo sợ rằng chính quyền sẽ bắt cô vì tội trộm cắp nên không dám kể câu chuyện này với ai. Thậm chí, Sally còn đóng vai là con gái của Frank và đến học tại trường địa phương ở Baltimore và Dallas.Và cũng chính trong khoảng thời gian này, Sally liên tục bị Frank lạm dụng tình dục.
Cuộc giải cứu
Tại thành phố Dallas, một người hàng xóm có tên là Ruth Janish đã nhận thấy có điều gì đó không ổn giữa Frank và "cô con gái". Ruth cố gắng nói chuyện với Sally nhưng cô không hé răng lấy nửa lời. Tuy nhiên, Ruth vẫn tỏ ra vô cùng hoài nghi về mối quan hệ của hai cha con hàng xóm.
Chính vì thế, sau khi chuyển đến San Jose, California, Ruth đã ấp ủ một kế hoạch để có được thông tin từ Sally. Cô viết một lá thư cho Frank và đề nghị gã chuyển đến San Jose vì ở đây có rất nhiều cơ hội việc làm.
Frank không nghi ngờ gì mà liền đồng ý ngay. Tháng 3/1950, gã cùng Sally lái xe đến San Jose.
Đến nơi, Frank bắt xe buýt vào thành phố để tìm việc và để Sally lại một mình. Lúc này, Ruth cố gắng tiếp cận Sally và thuyết phục cô nói ra sự thật. Ruth sau đó đưa điện thoại cho Sally để cô gọi điện về cho gia đình. Sally đã gọi cho chị gái và nhờ anh rể liên lạc với cảnh sát. Cô được giải cứu trước khi Frank quay trở về.
Tại thời điểm được giải cứu, Sally đã trải qua gần hai năm bị Frank giam cầm. Cô tiết lộ với người giám hộ rằng Frank đã liên tục cưỡng hiếp cô. Tại phiên tòa, Frank vẫn khăng khăng Sally chính là con gái mình, nhưng cô ngay lập tức phản bác lại rằng: "Cha tôi đã chết khi tôi lên 6 tuổi và tôi nhớ rõ ông ấy trông như thế nào. Tôi chưa bao giờ gặp người đàn ông này cho đến khi vào hiệu sách ở Camden."
Cuối cùng, Frank cũng phải nhận tội và chịu mức án từ 30-35 năm tù giam. Frank đã chết trong trại giam vào năm 1966, lúc đó đã 70 tuổi và qua đời vì bệnh xơ cứng động mạch.
Bi kịch nối tiếp bi kịch
Trong khi các tờ báo tại quê nhà Camden ra sức bảo vệ Sally thì phần lớn các phương tiện truyền thông khác lại đả kích câu chuyện này. Họ đổ lỗi cho nạn nhân và chỉ ra rằng Sally sẽ không phải chịu bi kịch nếu cô không ăn trộm đồ trong hiệu sách.
Thậm chí, có một số tờ báo còn lấy ngoại hình của Sally ra để chế giễu, chỉ trích. Họ cũng công khai tên thật của Sally, điều hiếm khi xảy ra trong các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên và tội phạm tình dục.
Sally đã phải vật lộn để trở lại cuộc sống bình thường sau hai năm bị giam cầm và cưỡng hiếp. Vào khoảng thập niên 50, người ta vẫn chưa chú trọng đến việc chữa trị chấn thương tâm lý cho nạn nhân của vụ bắt cóc, cưỡng hiếp và lạm dụng. Vì thế, Sally gần như không thể nào thoát ra được khỏi quá khứ đầy bi kịch kia.
Hai năm sau cuộc giải cứu, Sally qua đời vì một tai nạn xe hơi thảm khốc. Khi đó, cô mới chỉ 15 tuổi. Sự ra đi của Sally khiến nhiều người không khỏi xót xa. Những tổn thương và nỗi đau mà cô mang trong mình còn chưa được chữa lành đã phải đem tất cả chúng theo xuống đất.
(Theo Medium)
Z.