(Tổ Quốc) - Theo NSND Hồng Vân kể thì trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu luôn có chồng cô ở bên cạnh động viên, giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất.
Từ đứa trẻ bụi đời đến người nghệ sĩ hài tên tuổi
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (tên thật là Lê Bửu Cầu, sinh năm 1956 tại Cà Mau) là một nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều khán giả sân khấu yêu mến qua các vai hài trong vở: Khuất Nguyên, Vũ Như Tô, Chí Phèo, Người đàn bà đức hạnh, Vợ thằng Đậu...
Ngoài ra, ông còn là đạo diễn của các tác phẩm: Con gái ngài giám đốc, Chuyện lạ, Con ai...
Xuất thân từ một gia đình khá giả đông con nhưng tuổi thơ ông đã sớm chịu nhiều bất hạnh. Năm 1963, khi mới 8 tuổi ba mẹ Lê Vũ Cầu bị thiệt mạng do một chiếc máy bay Mỹ rơi trúng nhà.
Sáu chị em trong gia đình ông trở nên côi cút, nương tựa vào những người bà con. Sau khi ở với bà nội tại Tây Ninh được một năm, ông bỏ nhà ra đi, bắt đầu cuộc sống phiêu bạt giang hồ.
Lang thang đến Quy Nhơn, Lê Vũ Cầu làm quen với nhiều trẻ bụi đời và nhập bọn chung với chúng, làm đủ thứ việc như: đánh giày, bán báo, thậm chí dắt gái, đánh lộn... mà theo lời ông tâm sự thì "tất cả chỉ sao cho có miếng ăn".
Với biệt danh "Cầu Sài Gòn", Lê Vũ Cầu cầm đầu một băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn dám làm rất nhiều chuyện "động trời". Thời gian này, cậu bé Lê Vũ Cầu cũng bị hành hạ bởi bọn đầu gấu và bị chúng dụ dỗ dùng ma túy.
Một thời gian sau, Lê Vũ Cầu tình cờ làm quen được với những người trong đoàn cải lương Minh Cảnh, thấy Vũ Cầu nhanh nhẹn nên họ đã nhận vào làm một chân "chạy cờ". Sau đó ông làm nhiều công việc lặt vặt như: soát vé, kéo màn cho tới dọn dẹp hậu đài, bưng bê đồ cho các đào kép...
Có một công việc đàng hoàng như thế quả là một chuyện không tưởng đối với một trẻ bụi đời như Vũ Cầu. Ông tâm sự: "Tôi chỉ muốn thoát khỏi mảnh đất đã khiến tôi bị ám ảnh. Dù phải làm gì, đi đâu nhưng tôi không thể trở lại cuộc sống khủng khiếp như thế!".
Vừa chạy cờ, ông vừa để ý tự học ở các diễn viên trên sân khấu. Thế rồi, từ một tay soát vé vặt, ông được nhận nhiều kiểu vai như: lính vệ, thằng ở rồi dần dần trở thành kép độc, kép chính.
Làm ở đoàn Minh Cảnh một thời gian, ông tiếp tục gia nhập nhiều đoàn hát khác như: "Hương Mùa Thu", "Phước Chung", và đoàn "Kim Chưởng"... đi lưu diễn khắp miền Trung đến miền Tây Nam Bộ.
Nhiều lần thoát "lưỡi hái thần chết"
Năm 2002, khi đang ở trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp, Lê Vũ Cầu suýt từ giã cõi đời khi phải nhập viện cấp cứu vì chứng xơ gan cổ chướng. Sau 3 ngày lâm vào tình trạng hôn mê, ông bất ngờ hồi phục.
Năm 2005, ông lại tiếp tục thoát khỏi lưỡi hái của tử thần khi phải cấp cứu ở Bệnh viện An Bình (Quận 5, TP.HCM), cũng lâm vào tình trạng hôn mê mất mấy ngày nhưng điều kỳ diệu là ông vẫn sống.
Sau khoảng thời gian đó, Lê Vũ Cầu lặng lẽ nói lời chia tay sân khấu, ông dành thời gian để chăm chút quán ăn nhỏ của mình mang tên "Vợ thằng Đậu" ở 40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, tại quán ăn này ông tổ chức phát cơm chay từ thiện cho người nghèo và những người vô gia cư.
Trong khoảng thời gian phát bệnh, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu phải chịu rất nhiều đau đớn thể xác dày vò.
Thậm chí, đã từng có lần ông nghĩ đến việc tự tử để chấm dứt những cơn đau đang hành hạ thân xác mình.
"Lúc đau đớn quá, tôi chỉ mong cái chết đến nhanh với mình. Lần tôi thắt cổ bằng dây cáp truyền hình, chẳng hiểu sao sợi dây dày và to như thế lại bị đứt như có một phát dao chặt ngang.
Trong giờ phút hấp hối, tôi tưởng đã chết rồi khi nhìn thấy rõ ràng mình đang nằm trong quan tài, vây xung quanh là kèn trống, bạn bè đến tiễn đưa.
Sợ quá, tôi không dám nhúc nhích. Tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi làm là chạy ra cửa xem đám tang có tổ chức không. Không thấy gì, tôi mới tin mình đang nằm mơ", Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu từng chia sẻ trên Vnexpress trong một bài phỏng vấn được thực hiện năm 2006
Mới đây, trong chương trình "Kí ức vui vẻ", khi ôn lại kỉ niệm về người nghệ sĩ quá cố Lê vũ Cầu, NSND Hồng Vân đã kể lại sự việc này. Cô nói: "Anh Cầu bị gan nhưng mất vì mật bị tắc. Suốt thời gian anh Cầu bệnh, ông Tuấn Anh nhà tôi là người lo về cả vật chất lẫn tinh thần cho anh ấy, lúc nào cũng cận kề bên anh ấy.
Tôi vẫn nhớ lúc cuối, khi nằm trong bệnh viện, anh Cầu còn tự tử. Nhưng anh ấy kể lại nghe mắc cười lắm.
Anh ấy lấy dây cáp tivi treo cổ tự tử vì đau quá chịu không nổi, nhưng nặng quá nên dây cáp đứt. Anh ấy bảo: "Lúc té xuống rất đau, do bị té nên hết đau vì bệnh luôn".
Tuy nhiên, đến tháng 9/2008 bệnh xơ gan tái phát ở giai đoạn cuối khiến ông một lần nữa lại nhập viện trong trạng thái hôn mê kéo dài.
Đến rạng sáng ngày 23/9 ông ra đi trong sự tiếc nuối và xót thương của rất nhiều đồng nghiệp, khán giả và những người yêu mến ông.
Phương Thảo