(Tổ Quốc) - Dao Ánh, cô gái Huế xinh đẹp, mỹ miều là mối tình đậm sâu của Trịnh Công Sơn thời thanh xuân và cũng là "bóng hồng" trong nhiều lời ca của cố nhạc sĩ.
Người tình đẹp nhất của nhạc sĩ tài hoa
Ngô Vũ Dao Ánh là cô gái gốc Hà Nội nhưng theo cha vào Huế sinh sống từ năm 1952. Cha bà là giáo sư Ngô Đốc Khánh, dạy tiếng Pháp ở Trường Quốc học.
Dao Ánh thời trẻ sở hữu nhan sắc sắc sảo và đằm thắm, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn vô ưu. Bà được xem là người tình đẹp nhất trong số các mối tình của Trịnh Công Sơn và cũng là "bóng hồng" trong 300 bức thư tình của nhạc sĩ họ Trịnh trong 37 năm từ khi gặp gỡ đến cuối đời.
Bà cũng là em gái ruột của Ngô Vũ Bích Diễm - người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng yêu và viết tặng "Diễm xưa". Với Dao Ánh, cố nhạc sĩ Trịnh có mối tình khắc cốt ghi tâm hơn với chị gái Bích Diễm.
Dao Ánh được xem là người tình đẹp nhất trong số các mối tình của Trịnh Công Sơn.
Vẻ đẹp của Dao Ánh thời trẻ.
Thời điểm nhạc sĩ hụt hẫng khi phải từ bỏ tình cảm với Bích Diễm, Dao Ánh mới chỉ là cô bé 15 tuổi đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn. Họ bắt đầu thân thiết với nhau kể từ đó.
Dao Ánh - người tình nhỏ hơn Trịnh Công Sơn 8 tuổi là người phụ nữ đi xuyên suốt qua những bài hát của ông. Điều đó được thể hiện qua nhiều ca khúc được Trịnh Công Sơn viết tặng Dao Ánh như: "Mưa hồng", "Còn tuổi nào cho em", "Ru em từng ngón xuân nồng", "Lời buồn thánh",...
Người con gái yêu Trịnh Công Sơn từ tuổi trăng rằm
"Thư tình gửi một người" là tựa đề một cuốn sách tập hợp hơn 300 trang thư tay của chàng trai họ Trịnh viết cho người tình Dao Ánh kể về một trong những mối tình đơn phương của ông.
Những bức thư tình tuyệt tác này được viết trong khoảng thời gian Trịnh Công Sơn dạy học ở một trường dành cho người Thượng ở Blao, Lâm Đồng.
Dao Ánh bên Trịnh Công Sơn (phía sau) năm bà 16 tuổi.
Bức thư đầu tiên cố nhạc sĩ gửi cho bà Ánh đề ngày 2/9/1964 đầu bằng:
"Dao Ánh thân mến,
Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.
Bây giờ núi đồi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Mình cao nguyên này lạnh suốt ngày… Ánh ơi,..".
Trong một bức thư gửi tình yêu thanh xuân của cố nhạc sĩ viết cho Dao Ánh ngày 18/2/1965 có đoạn: "Anh nhớ Ánh nhớ nghìn năm yêu dấu vô cùng. Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này trên đời anh hở Ánh. Ánh ơi gió đã đầy cả căn phòng anh trọ. Nhớ Ánh rất thê thiết".
Phải tới năm 1966, sau gần 3 năm liên lạc với hàng trăm bức thư nồng nàn, cũng là thời điểm Dao Ánh bước sang tuổi 18, Trịnh Công Sơn mới ngại ngùng viết lời yêu: "Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh... Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến bên anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh hằng mong đợi".
Sau lời tỏ tình ấy, họ chính thức yêu nhau, Khi đó, Dao Ánh là nữ sinh của trường Đồng Khánh. Hai năm sau, chuyện tình của họ tan vỡ khi Trịnh Công Sơn chủ động chia tay Dao Ánh. Sau đó, bà sang Mỹ học tập và lập gia đình. Song, hai bên giữ mối quan hệ thân thiết và vẫn giữ liên lạc với nhau.
Sau 20 năm xa cách, Dao Ánh trở về Việt Nam. Gặp lại người yêu cũ, nhạc sĩ viết tặng bà ca khúc "Xin trả nợ người", trong đó có những lời đầy day dứt: "Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình...".
Dao Ánh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần gặp lại nhau.
Khi trở lại Mỹ, Dao Ánh ly hôn.
Những ngày tháng cuối đời, dù nằm trên giường bệnh nhưng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn nhớ tới bà. Bức thư cuối cùng trong tập sách không phải là thư tay với những dòng chữ nắn nót nữa, mà gửi bằng email ông nhờ người đánh máy hộ, gửi hồi 11h30 ngày 17/1/2001. Vài tháng sau thì ông qua đời.
Minh