(Tổ Quốc) - Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay, nhiều người chưa biết đến đường dây nóng 111 hoặc sợ bị trả thù dẫn đến tâm lý ngần ngại tin về các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành…
Vụ việc bé N.T.V.A., 8 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh nghi bị vợ sắp cưới của bố bạo hành đến tử vong, khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Thông tin mới nhất, Công an quận Bình Thạnh, TP phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm giữ V.N.Q.Tr. (SN 1995, quê Gia Lai) để điều tra về hành vi "Hành hạ trẻ em dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".
Báo tin trẻ bị xâm hại, bạo hành là trách nhiệm của mỗi công dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng.
Luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận thông tin là tổng đài quốc gia 111, cơ quan công an các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, xã phường, Lao động Thương binh và Xã hội các cấp… nơi xảy ra vụ việc.
Theo ông Nam, luật quy định như vậy, tuy nhiên hiện nay trong thực tế, nhiều người dân biết nhưng không thông báo. Nguyên nhân có thể do người dân không biết đến cơ quan chức năng, hoặc lo ngại việc bị trả thù. Về vấn đề này, người đứng đầu Cục trẻ em khẳng định thông tin về người dân báo tin cho cơ quan chức năng sẽ được bảo mật tuyệt đối, người dân có thể yên tâm.
"Người cung cấp thông tin cũng được bảo vệ theo quy định của pháp luật", ông Nam cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân chỉ cần gọi điện cho tổng đài quốc gia 111, lập tức cơ quan này sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
"Rất tiếc, hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa nghĩ đến các biện pháp này", vị Cục trưởng bày tỏ.
Chỉ cần một cuộc gọi, có thể đã không có vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM
Ông Nam cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang sửa đổi nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền trẻ em, trong đó có chế tài xử lý cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thông tin trẻ em bị xâm hại mà không báo cho cơ quan chức năng thì sẽ bị xử lý hành chính.
"Đây là trách nhiệm tố cáo bắt buộc. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải truyền thông nhiều hơn để người dân biết được các quy định này của pháp luật và biết được các nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan xử lý nguồn tin", ông Nam đề nghị.
Đại diện Cục Trẻ em cho biết, hiện nay nhiều người dân đã biết tổng đài 111, hàng ngày cơ quan này nhận được rất nhiều cuộc gọi đến tố cáo liên quan đến vụ việc trẻ bị xâm hại, bạo hành đã được hỗ trợ can thiệp.
"Người dân kịp thời gọi đến tổng đài, chắc chắn việc trẻ em bị bạo hành, gây tổn hại đến tính mạng sẽ được ngăn chặn kịp thời. Cục trẻ em kêu gọi người dân khi có bất kỳ thông tin liên quan đến trẻ em, từ bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, ngược đãi, đánh đập, xúc phạm… thì phải thông báo đến các cơ quan chức năng các cấp, đặc biệt luôn nhớ số tổng đài quốc gia 111", ông Nam nhấn mạnh.
Trở lại vấn đề vụ việc đau lòng xảy ra tại TP.HCM vừa qua, theo một số thông tin cho rằng, người dân từng thông báo cho ban quản lý chung cư, sau đó ban quản lý đã tìm gặp bố cháu bé nhưng không được.
Việc thông báo tin và can thiệp chậm trễ là một trong những lý do dẫn đến cái chết thương tâm của một đứa trẻ, Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay, ban quản lý có trách nhiệm bảo vệ trật tự an ninh tại chung cư đó, nhận được thông tin thì phải báo ngay cho đơn vị trực tiếp xử lý là UBND phường, công an phường xã sở tại.
"Hoặc chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi 111 là lập tức được can thiệp. Rất tiếc vụ việc báo cho ban quản lý, ban quản lý không có thẩm quyền, không thể can thiệp, thì phải báo cho cơ quan chức năng", ông Nam cho biết thêm, Cục Trẻ em em theo dõi nắm được thông tin cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án nói trên.
"Rất đáng tiếc vụ việc ngay từ đầu chỉ cần một cuộc điện thoại kịp thời, cơ quan chức năng sẽ can thiệp, không xảy ra hậu quả đáng tiếc", ông Nam chia sẻ.
Trước đó như đã đưa tin, vào khoảng 19h45' ngày 22/12, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) nhận tin báo từ một bệnh viện ở quận về việc có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện.
Nhận tin báo, các đội nghiệp vụ của Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an phường 22, có mặt tại bệnh viện và căn nhà nơi bé A. sinh sống để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng ghi nhận trên cơ thể bé gái có nhiều vết bầm tím, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt, nghi vấn bé gái bị bạo hành dẫn đến tử vong.
Quá trình điều tra, dựa vào kết quả pháp y, kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của người tình nghi cùng nhân chứng, lực lượng Công an xác định V.N.Q.Tr. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) là người liên quan trực tiếp đến vụ án nên bắt khẩn cấp để điều tra.
Điều tra ban đầu xác định bé A. là con riêng của anh Th. (36 tuổi), còn Tr. là vợ sắp cưới của anh Th.
Minh Ngọc