(Tổ Quốc) - Siêu dự án chung cư Usilk City (có quy mô 9,2 héc-ta nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài - nay là đường Tố Hữu), thuộc địa phận xã Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) 10 năm vẫn "án binh bất động", khiến cho gần 3 nghìn hộ gia đình lâm cảnh khốn cùng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tiến (78 tuổi) đại diện trong số những người đi đòi quyền lợi cho hay, hàng chục năm chờ đợi và đấu tranh nhưng vẫn chưa thể có nhà ở, mới đây hàng trăm người dân lại tiếp tục mang băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư xuất hiện nhưng vẫn vô vọng.
Bán hết gia tài ở quê mua chung cư Hà Nội cho con, 10 năm đằng đẵng đi ở thuê
Ông Tiến nói: "Hết sức chịu đựng, hết sức kìm nén, giờ thì chúng tôi buộc phải đấu tranh đến cùng, không thể để cho những người đã thu hàng nghìn tỷ của dân rồi không thực hiện dự án".
Người dân mua chung cư 10 năm chưa được nhận bức xúc (hình ảnh tư liệu)
Cụ ông 78 tuổi kể lại hành trình mua nhà: "Cách đây chục năm gia đình tôi đã bán tất cả gia tài ở quê để mua 3 căn hộ cho các con, đến nay tôi gần chết rồi vẫn không được nhận nhà, các con tôi phải thuê chỗ ở khốn khổ. Hiện tại tôi đang phải ở tạm nhà đứa cháu, ngày này qua ngày khác trông ngóng căn hộ chung cư", ông Tiến xót xa.
Ông Tiến khẳng định, ông cũng như các khách hàng khác mua căn hộ tại dự án Usilk City đều có hợp đồng mua bán đàng hoàng, có điều khoản cam kết rõ ràng. Tuy nhiên, dù khách hàng đã thực hiện theo đúng quy định, thì cho đến nay Sông Đà Thăng Long vẫn không có động tĩnh gì.
Kể từ thời điểm phải bàn giao nhà cho khách hàng (năm 2013), hơn 2000 khách hàng ngày đêm đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, nhưng phía chủ đầu tư vẫn im lặng, không hề trao đổi thông tin. Điều này khiến khách hàng hoang mang, thấp thỏm đợi nhà trong vô vọng.
Thậm chí, chủ đầu tư còn tung "chiêu trò" để khách hàng đóng 100% giá trị căn hộ. Gia đình tôi mua 3 căn tại dự án và đóng 100% giá trị 1 căn, 2 căn còn lại đóng khoảng 60 – 70% giá trị. Đến nay, cả 3 căn hộ vẫn chỉ tồn tại "trong mơ". Tổng số tiền gia đình tôi đổ vào dự án khoảng 7 tỷ đồng (ở thời điểm năm 2010). Nếu gia đình tôi gửi số tiền ấy vào ngân hàng thì chắc số tiền đến nay thu được phải gấp đôi số vốn ban đầu.
Lo tới lúc nhắm mắt vẫn chưa có nhà
Chung cảnh ngộ, anh Trần Văn Chung quê ở Ninh Bình cũng bức xúc chia sẻ, gia đình có duy nhất một chỗ đi về ở quê nhưng sau khi nghe quảng cáo "siêu dự án" quá hấp dẫn nên bán đất ở quê để góp tiền mua căn hộ.
"Cứ ngỡ rằng chỉ hơn 1 năm theo cam kết của chủ đầu tư, thời gian đầu tôi tạm vay mượn nộp vào, sau đó không chịu được lãi nên bán ở quê và đưa bố mẹ lên Hà Nội tạm thời thuê nhà. Hàng chục năm nay phải sống cảnh tạm bợ, cách đây 2 năm bố tôi mất cũng không được yên, bố mất phải đưa ra nhà tang lễ và không có hàng xóm vì thuê nhà nên không tham gia hoạt động nào của tổ dân phố, khốn khổ vô cùng", anh Chung rơi lệ buồn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua hàng trăm người dân đã tập trung căng những tấm băng rôn cực lớn cùng nội dung liên quan đến đòi quyền lợi, tất cả trong số họ đều đã hết sức chịu đựng. Tại đây có rất nhiều hoàn cảnh "sống dở - chết dở" do hậu quả mua nhà mà không được ở, chủ đầu tư đã cướp đi hạnh phúc của biết bao nhiêu người.
"Gia đình tôi đang phải trả lãi 2 lần, mua nhà thì phải đi vay, bây giờ không có khả năng trả nợ, vì không có tài sản thế chấp nên lãi mẹ đẻ lãi con, hai vợ chồng làm được bao nhiêu chỉ đủ chi trả lãi và sinh hoạt gia đình, không biết khi nào mới lấy được vốn (lấy nhà)", một cư dân bức xúc.
Một trong số người dân cũng mua nhà tại dự án này cho hay, chính vì sự cả nể nên ban đầu vay tiền góp vốn mua nhà tại dự án này, sau gần 10 năm vẫn chưa được nhận: "Vì mua nhà này mà vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, bây giờ vợ chồng ly tán, tiền lãi tôi phải gánh toàn bộ", anh M. bức xúc.
Cũng tương tự, bà Nguyễn Thanh Bình (66 tuổi) bức xúc nói: Vào năm 2011, gia đình tôi có mua 2 căn hộ tại dự án, trong đó có 1 căn đứng tên chồng tôi. Năm 2014 chồng tôi bị bệnh và đến lúc mất (năm 2016) chúng tôi vẫn chưa nhận được nhà.
Đồng thời do tin lời hứa hẹn của chủ đầu tư, nếu đóng 100% tiền – không theo tiến độ quy định thì sẽ được ưu đãi mua sàn thương mại với giá rẻ. Vì vậy, gia đình tôi đã tuân thủ theo hợp đồng đã ký, đóng tiền 100% cả 2 căn hộ, gồm 1 căn CT4-108 rộng 153m2 với giá 165.000 USD, 1 căn CT1-02 rộng 116m2 với giá khoảng 120.000 USD. Hơn 10 năm nay, tôi không dám nghĩ đến dự án này vì chỉ cần nghĩ đến, tôi lại không chịu đựng nổi, tinh thần bất ổn.
Bà Bình xót xa: "Trong quá trình gặp phía chủ đầu tư để đòi nhà, thậm chí tôi còn bị shock tâm lý và mất trí nhớ tạm thời. Đến nay, tôi mới chỉ được bàn giao 1 căn ở tòa CT1-102 nhưng chỉ có phần thô, chủ đầu tư còn nợ 180 triệu đồng tiền hoàn thiện nội thất và 18m2 sàn thương mại".
Bà nói thêm: "Tôi thấy rất phẫn uất vì chủ đầu tư không hề xin lỗi, cũng như tìm cách khắc phục, giúp đỡ khách hàng. Chính điều này đã khiến tôi cũng như hơn 2000 khách hàng khác cảm thấy đau đớn về tinh thần và không muốn tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long".
Công trình xuống cấp, hạ tầng tạm bợ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 10 năm về trước, Usilk City từng là thành phố trong mơ với 13 tòa nhà cao 25 – 50 tầng, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ đưa ra thị trường 2.700 căn hộ hiện đại.
Dự án do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) làm chủ đầu tư có quy mô 9,2 héc-ta nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu), thuộc địa phận xã Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội.
Dự án được khởi công từ quý II/2008, theo hợp đồng ký với khách hàng, các tòa nhà CT1-101, CT1-102, CT1-103 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào tháng 3/2012; các tòa nhà còn lại là CT1-104, CT2-105, CT3-106, CT3-107, CT4-108 bắt đầu bàn giao từ cuối năm 2012 và hoàn thiện vào quý III/2013.
Tuy nhiên, hiện tại nhiều tòa chung cư bỏ dở, chỉ dừng lại ở những cột bê tông, sắt thép hoen gỉ, những đống phế liệu ngổn ngang. Dù đã thu hơn 4.000 tỉ đồng của hơn 2.000 khách hàng, song các căn hộ đã không được bàn đúng như tiến độ đã cam kết.
Hiện tại các tòa CT1-101,102, 103 đã được bàn giao nhà, tuy nhiên cư dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh "tạm bợ" nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện. Trong đó, nghiêm trọng nhất là hệ thống PCCC chưa được cơ quan quản lý nghiệm thu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Bên cạnh các công trình đang ngừng thi công khác trong dự án, tòa nhà CT2-105 đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao nhà. Thế nhưng, việc thống nhất quyền lợi giữa chủ đầu tư mới Hải Phát và khách hàng cũ chưa đi đến điểm chung.
Minh Ngọc