(Tổ Quốc) - Đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất kinh doanh là động lực then chốt để nâng cao năng lực sáng tạo của CBCNV và là nguồn lực để phát triển bền vững, làm chủ công nghệ trong dây truyền sản xuất điện.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện của Ban Lãnh đạo Công ty, phong trào nghiên cứu khoa học tại VNPD đã được lan tỏa đến toàn bộ CBCNV tạo một làn sóng thi đua nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao năng lực và nắm bắt công nghệ trong toàn Công ty.
Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN đã được đề xuất nghiên cứu, được triển khai xây dựng mô hình thử nghiệm, đánh giá kết quả đạt được và là tiền đề để áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh tại VNPD.
Từ kết quả đó, nhiều đề tài nghiên cứu đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu thay thế sửa chữa, xử lý sự cố và nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị cũng như năng suất, giảm giá thành, rút ngắn thời gian xử lý sự cố.
Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu về sửa chữa, xử lý sự cố, Công ty đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, đưa những ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất.
Tại các đơn vị trực thuộc, khối văn phòng cơ quan công ty có mức độ ứng dụng công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã được ứng dụng, triển khai.
Thực hiện chủ trương và định hướng của Ban Lãnh đạo Công ty, Khối văn Phòng cơ quan Công ty là đơn vị tiên phong trong chủ động nghiên cứu khoa học công nghệ, chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty.
Các ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, nhân sự, tài chính được áp dụng triệt để nhằm quản lý tập trung và giảm thiểu tối đa các chi phí hành chính. Trong khi đó, với Khối sản xuất kinh doanh điện được ưu tiên công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ trong các hệ thống thuộc nhà máy.
Bằng việc xây dựng các mô hình học tập nghiên cứu trên các thiết bị tương tự trong dây chuyền sản xuất điện, các cán bộ kỹ thuật của Công ty đã nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ trong nhà máy điện nói chung và nhà máy thủy điện nói riêng.
Điển hình là các mô hình học tập thí nghiệm về hệ thống rơ le bảo vệ, hệ thống điều khiển, hệ thống kích từ, sửa chữa biến tần.
Đặc biệt Công ty đã nghiên cứu, chế tạo và áp dụng thành công bộ điều khiển kích từ (AVR) cho máy phát điện của Nhà máy thủy điện Bắc Bình, nghiên cứu, chế tạo thành công rơ le giám sát tốc độ dùng cho máy phát thủy điện với độ chính xác cao và đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu về công nghệ trong nhà máy thủy điện.
Bo mạch điều khiển rơ le giám sát tốc độ.
Bên cạnh đó, Công ty đã nghiên cứu thành công bo mạch chuyển đổi tín hiệu phục vụ cho hệ thống điều tốc thủy điện.
Bo mạch có nhiệm vụ thu thập, biến đổi tín hiệu tốc độ máy phát, tần số lưới điện, độ mở cánh hướng tuabin, cánh bánh xe công tác của tuabin và gửi về bộ điều khiển trung tâm (PLC) của điều tốc nhằm phục vụ quá trình tính toán và thuật toán điều khiển.
Đồng thời, nghiên cứu chế tạo thành công nhiều thiết bị đo lường và điều khiển giám sát khác trong nhà máy thủy điện.
Công ty đã nâng cao năng lực kỹ thuật, chủ động và thực hiện sửa chữa thành công nhiều hệ thống, thiết bị đo lường điều khiển trong nhà máy thủy điện như: Các rơ le bảo vệ, bộ điều khiển và giám sát nhiệt độ, thiết bị giám sát mực nước đập dâng, hệ thống camera giám sát, ….
Hình ảnh 2 phiên bản module điều chế tín hiệu (A- dùng phần mềm và B- dùng phần cứng)
Bo mạch phiên bản dùng phần mềm.
Bo mạch phiên bản dùng phần cứng.
Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ngành sản xuất đã trở nên phổ biến và mang lại hiệu quả rất lớn.
Để hiện thực hóa đưa AI vào dây chuyền sản xuất điện năng, Công ty đang nghiên cứu triển khai hệ thống điều khiển tập trung (Trung tâm Smart OCC) để quản lý giám sát các nhà máy trực thuộc tại văn phòng cơ quan Công ty. Dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam là công ty liên kết của Tổng Công ty Phát điện 1. Hiện Công ty đang quản lý vận hành 03 Nhà máy thủy điện: Khe Bố - Công suất 100MW tại Tương Dương, Nghệ An; Bắc Bình – Công suất 33MW tại Bắc Bình, Bình Thuận và Nậm Má – Công suất 3,2MW tại Vị Xuyên, Hà Giang.
Thanh Xuân