(Tổ Quốc) - Ngày nay, sữa gần như là thức uống hằng ngày với mỗi đứa trẻ. Trong đời sống, sữa phổ biến như cơm hay nước lọc... Ấy thế nhưng gần đây, một "chuyên gia dinh dưỡng" đã đưa ra lời khuyên người Việt không nên uống sữa bò.
Gần đây trên mạng xã hội lan truyền rộng rãi bài viết của một người dùng mạng xã hội tự xưng là health coach (chuyên gia dinh dưỡng) với tựa: "Vì sao người Việt không nên uống sữa bò?". Bài viết ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng mạng xã hội. Song cũng đã có không ít những tranh cãi được đặt ra.
Nội dung của bài viết như sau: "VÌ SAO NGƯỜI VIỆT KHÔNG NÊN UỐNG SỮA BÒ?
Vì kiểu GIEN của người Việt khiến chúng ta không hấp thụ được sữa bò!
Coach đã viết rất nhiều về đề tài này trong 7 năm qua, hôm nay Coach xin trích 1 báo cáo khoa học đăng trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet, review 450 công trình nghiên cứu, cho thấy tỉ lệ người Việt hấp thụ kém đường lactose trong sữa bò cao tới 98% (so với 73% người Nhật, 36% người Mỹ, 16% người Đức, 12% người Hà Lan và chỉ có 4% người Đan Mạch).
Cũng dễ hiểu, tổ tiên chủng tộc chúng ta không nuôi bò sữa và uống sữa bò nên không có gien đột biến qua hàng nghìn năm để tiêu hóa loại thực phẩm này.
Do hấp thụ kém nên các chất không tiêu hóa được gây VIÊM ở nhiều cấp độ khác nhau trong ruột và các hệ thống trong cơ thể, dẫn đến nhiều loại bệnh mãn tính và lão hóa sớm tế bào.
Cùng với đó, tác giả đính kèm dẫn chứng được trích từ bài nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học The Lancet vào tháng 7 năm 2017.
Trong đó, có một chi tiết đáng chú ý: "Tỉ lệ người Việt hấp thụ kém đường lactose trong sữa bò cao tới 98% (so với 73% người Nhật, 36% người Mỹ, 16% người Đức, 12% người Hà Lan và chỉ có 4% người Đan Mạch).
Cũng dễ hiểu, tổ tiên chủng tộc chúng ta không nuôi bò sữa và uống sữa bò nên không có gien đột biến qua hàng nghìn năm để tiêu hóa loại thực phẩm này". Từ đó tác giả bài viết khẳng định người Việt không nên uống sữa bò, điều này khiến các mẹ đang nuôi con nhỏ vô cùng hoang mang bởi lẽ hầu hết trẻ lớn nhỏ hiện nay đều đang sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa bò.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, TS.DS. Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ) và TS. Nguyễn Thị Thanh Vân (chuyên gia công nghệ sinh học, ĐH Uppsala, Thuỵ Điển) đã có lời giải đáp.
Theo đó, hai Tiến sĩ khẳng định tác giả của bài viết đăng tải trên mạng xã hội kể trên chưa thực sự hiểu ý nghĩa của bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancent và những suy luận được đưa ra là không thích hợp, không thể tuyên bố hay áp dụng trên diện rộng.
Thưa Tiến sĩ Phạm Đức Hùng, có đúng là đến 98% người Việt hấp thụ kém đường lactose trong sữa bò, anh nhận định sao về vấn đề này?
Không dung nạp lactose thường xảy ra ở người lớn, đặc biệt là người Châu Á, Phi và gốc Tây Ban Nha. Theo nghiên cứu từ Tạp chí The Lancet trên, 98% người Việt không dung nạp lactose theo mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Ngoài ra nghiên cứu trên loại trừ nhóm trẻ em dưới 10 tuổi trong nghiên cứu của họ, nên không thể dùng kết quả nghiên cứu đó áp dụng cho nhóm trẻ em được.
Anh có thể giải thích rõ hơn về tình trạng không dung nạp lactose?
Không dung nạp lactose là tình trạng một người không có đủ enzyme tự nhiên (lactase) để phân huỷ đường lactose. Đường này hiện diện nhiều trong các loại sữa và thực phẩm làm từ sữa. Khi đó sữa lactose sẽ trôi xuống ruột, tương tác với hệ vi khuẩn đường ruột, và tạo nên một số triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu và tiêu chảy.
Nếu đến 98% người Việt kém dung nạp lactose thì có phải tất cả người Việt đều không nên uống sữa bò, thưa anh?
Câu trả lời là không.
Đầu tiên, sữa cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, tác dụng tốt mà sữa đem lại nhiều hơn nhiều so với tác dụng phụ (với người không dung nạp). Nếu người Việt không uống sữa hay sản phẩm từ sữa thì chúng ta sẽ dễ bị thiếu hụt nhiều thành phần quan trọng cho sự phát triển như: canxi, Vitamin D, riboflavin và đạm.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy, người không dung nạp lactose vẫn có thể uống 1 đến 2 ly sữa hằng ngày và không có triệu chứng có hại nào. Một lượng lớn người uống sữa bị rối loạn tiêu hoá là do hiệu ứng nocebo (nghĩ rằng mình sẽ bị đau bụng nên bị đau bụng).
Sữa ít béo hoặc không béo gây triệu chứng ít hơn. Hoặc cũng có thể sử dụng các loại nước uống thay thế cho sữa bò như: hạnh nhân, sữa hạt flax, sữa đậu nành, sữa gạo.
Người bị không dung nạp nghiêm trọng có thể dùng sữa không có lactose. Loại sữa này được xem là có thành phần dinh dưỡng tương đương sữa bình thường, dễ tiêu hoá và ngọt hơn.
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, chị có thể cho biết tại sao trẻ em lại nên uống sữa?
Không uống sữa thì làm sao có dinh dưỡng cần thiết?!
Hầu hết trẻ em sinh ra đều có đủ men lactase để phân huỷ lactose, lượng enzyme này sẽ giảm dần sau khi chúng ta dứt sữa, trong vòng 10 năm đầu đời. Điều này là khoa học và cũng được biện dẫn chính trong nghiên cứu của The Lancet.
Sữa mẹ đương nhiên là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng chính trong sữa mẹ cũng chứa đường lactose (6.9%-7.2%), ngoài ra còn có các thành phần khác như 3%-5% chất béo, 0.8%-0.9% đạm, kháng thể, khoáng và nước…
Khuyến cáo của chị dành cho các mẹ nuôi con nhỏ nhưng thiếu sữa mẹ là gì?
Có 2 cách như sau:
1. Dùng sữa công thức
Sữa công thức là từ sữa bột. Có nhiều thành phần và vitamin quan trọng cho em bé. Một số ích lợi của sữa công thức là:
- Bé không cần thêm vitamin bên ngoài (dù là dùng sữa mẹ, các bé vẫn cần thêm vitamin D).
- Dễ pha, và đưa cho bé uống.
- Bất kể ai cũng có thể cho bé uống và tạo được tình cảm với bé tốt hơn.
- Sữa công thức phổ biến, dễ mua.
2. Mua hoặc xin sữa mẹ
Giải pháp này ở Mỹ rất phổ biến, có nhiều ngân hàng sữa để trữ sữa mẹ từ những người có nhiều sữa cho tặng. Ngân hàng sữa cần sàng lọc và tiệt trùng sữa và trữ trong điều kiện thích hợp.
Vậy, những trẻ nào không nên dùng sữa bò hoặc hạn chế?
Trẻ em dưới 12 tháng không thể tiêu hóa sữa bò một cách dễ dàng và đầy đủ như sữa công thức. Chưa kể, sữa bò với hàm lượng protein và muối khoáng cao có thể ảnh hưởng tới thận chưa trưởng thành ở trẻ nhỏ. Sữa bò cũng không chứa các loại chất béo có lợi nhất cho sự phát triển của trẻ.
Cùng với đó, hàm lượng vitamin C, sắt và một số chất dinh dưỡng khác có trong sữa bò cũng không đáp ứng đủ cho nhu cầu của bé. Sữa bò có thể gây thiếu máu thiếu sắt ở một số trẻ vì protein của nó có thể kích thích lớp niêm mạc dạ dày và ruột, làm mất một lượng máu nhỏ vào phân. Ngoài ra sữa bò có nhiều chất khoáng không thích hợp cho đường tiêu hoá của trẻ. Vì vậy không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng sữa bò đều đặn như đồ ăn chính.
Trẻ hơn 1 tuổi có thể dùng sữa giảm béo (<2%) 1 lượng nhỏ để bổ sung vitamin D.
Lam Anh