(Tổ Quốc) - Ăn chậm, vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình ti vi là tình trạng phổ biến trong nhiều gia đình có trẻ nhỏ hiện nay.
Vấn đề con ăn chậm, đòi xem ti vi trong bữa ăn luôn khiến các mẹ vô cùng đau đầu, thậm chí bế tắc trong việc tìm ra cách giải quyết.
Một bà mẹ than thở: "Con của tôi khi ăn cơm nhất định phải xem ti vi, không cho nó xem ti vi thì nó sẽ không ăn. Tôi biết rõ vừa ăn vừa xem ti vi không tốt cho hệ tiêu hóa của con, nhưng tôi chẳng còn cách nào khác".
Khi được chia sẻ tình huống này, bà mẹ khác đã gợi ý: "Con của tôi cũng là đứa trẻ ngang bướng như thế và tôi đã sử dụng một cách đơn giản nhưng cực kì hiệu quả khiến con tập trung vào việc ăn cơm. Tôi đã cố ý làm hư ti vi trong vòng 1 tháng để uốn nắn thói quen xấu của con. Kể từ ngày ti vi bị hư, con tôi khóc lóc ăn vạ mấy ngày trời.
Tôi an ủi con: "Ti vi nhà mình hư rồi con à, con đừng nghĩ đến chuyện xem ti vi nữa". Nó cứ loay hoay thử ti vi mọi cách nhưng không thể lên hình, thế là sau nhiều ngày nó quen với chuyện ti vi bị hư. Trẻ con có khả năng thích ứng rất nhanh, khi nó nghĩ ti vi bị hư thì nó chẳng thèm bật ti vi làm gì nữa".
Tiếp theo là một vấn đề khác các bậc cha mẹ cũng thường gặp, có một ông bố nói với tôi rằng: "Con trai nhà tôi hiện nay 5 tuổi, mỗi lần ăn cơm thì nó sẽ ngồi một góc nghĩ ngợi cả buổi. Nếu tôi không hối thúc thì 1 - 2 tiếng sau nó vẫn chưa ăn xong. Tôi phải làm sao mới có thể hướng dẫn con tập trung ăn hết bát cơm nhỉ?".
Đối với một cậu bé 5 tuổi, tôi nghĩ tốc độ ăn cơm của cậu bé sẽ có sự khác biệt rõ rệt khi ở nhà và khi đi nhà trẻ. Nhà trẻ là một dạng sinh hoạt tập thể, không ai có thể chấp nhận chuyện ăn cơm 1 - 2 tiếng mà vẫn chưa xong. Bởi vậy nhiều trường hợp trẻ quen ăn cơm chậm ở nhà, nhưng khi đi nhà trẻ thì rất ngoan ăn xong phần cơm của mình mà không đợi nhắc.
Khi ở nhà, nếu trẻ ăn cơm chậm nghĩa là trẻ đang tập trung nghĩ đến một số chuyện thú vị. Ví dụ trò chơi với các bạn, bộ phim hoạt hình vui nhộn, hoặc những suy nghĩ mà chỉ có trẻ con mới hiểu được.
Trong hoàn cảnh này, tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy cho trẻ thấy thời gian đang trôi. Thời gian là khái niệm trừu tượng, nhưng trẻ con vẫn có thể hiểu. Cha mẹ hãy treo một chiếc đồng hồ gần nơi ăn cơm của trẻ. Hãy để trẻ thấy thời gian đang nhích dần và trẻ phải ăn xong bát cơm mà không nên trì hoãn thêm.
Mỗi khi trẻ ăn chậm, cha mẹ hãy chỉ vào đồng hồ và dùng thời gian nhắc nhở trẻ. Hối thúc về thời gian rõ ràng sẽ tốt hơn việc chỉ ở bên đốc thúc trẻ ăn nhanh lên. Trẻ ăn cơm chậm là vì bé không biết đã mất quá nhiều thời gian cho những suy nghĩ trong đầu. Nhắc trẻ thời gian đang trôi là cách khá hay giúp trẻ tập trung vào việc ăn cơm mà cha mẹ nên thử.
Bên cạnh đó, môi trường xung quanh cũng có tác động gây nhiễu đến khả năng tập trung ăn cơm của bé. Chẳng hạn tiếng ồn của ti vi hoặc tiếng cười trò chuyện của người nhà. Tất cả những âm thanh gây nhiễu đều sẽ khiến trẻ không thể xác định thời gian đang trôi.
Do đó, khi trẻ ăn cơm, cha mẹ cần lưu ý 2 điều: loại bỏ âm thanh gây nhiễu khiến trẻ mất khả năng tập trung và chuẩn bị cho bé một chiếc đồng hồ để bé thấy thời gian đang trôi qua.
Sau 1 tháng áp dụng, trẻ sẽ ý thức được sự hiện hữu của thời gian, trẻ sẽ chuyên chú vào việc ăn cơm mà không làm mất quá nhiều thời gian khiến các bậc cha mẹ buồn phiền.
TÚ UYÊN