(Tổ Quốc) - Nhờ tình yêu thương của mẹ, cậu bé không muốn đến trường ngày nào nay đã vui vẻ, hòa đồng với các bạn.
Trẻ em vốn hồn nhiên, vô tư nhưng đôi khi nhạy cảm vô cùng. Đặc biệt là vào thời điểm các bé phải chuyển sang một môi trường mới như thay đổi nơi sống, lớp học, trường học... hay thậm chí chỉ là một người bạn hàng xóm mới. Những lúc này, để nhanh chóng hòa nhập, ngoài sự nỗ lực của bản thân, con cần những lời khuyên và sự bảo ban nhẹ nhàng từ bố mẹ.
Mới đây, chị Hoàng Thị Hiên (38 tuổi, sống ở Đức) kể về câu chuyện của con trai là bé Lê Minh Đức (8 tuổi) thời điểm chuyển từ Việt Nam sang Đức. Cậu bé đã mất một khoảng thời gian cố gắng nhưng vẫn chưa hòa nhập được với trường lớp và bạn bè. Chỉ đến khi Minh Đức tâm sự với mẹ và nhờ tình yêu thương cùng sự khéo léo của chị Hiên, mọi chuyện đã dần được giải quyết.
"Nếu 1 ngày con không muốn đến trường!
Hôm qua dọn phòng hai mẹ con mình tìm được một mẩu giấy nhàu nát. Khi xem mẩu giấy đó hai mẹ con đã cùng nhau cười rất vui vẻ, một trải nghiệm xấu của con giờ đã trở thành một kỉ niệm vô cùng hài hước và đáng nhớ.
Năm con học lớp 1 là lúc con phải thay đổi môi trường sống, con từ Việt Nam sang Đức cùng mẹ và đi học ở lớp toàn các bạn nói tiếng Đức nên con không chia sẻ và nói chuyện được với ai, kể cả cô giáo cùng không thể giao tiếp được với con để hỗ trợ. Hàng ngày con đi học với cảm xúc không hứng thú và một ngày con nói với mẹ: Mẹ ơi, mẹ cho con học ở nhà với mẹ nhé, con không muốn đến trường nữa. Sau khi hỏi con thì con nói: Bạn chọc con nên con đẩy bạn và cô để con ngồi ra phía xa hẳn so với các bạn. Hôm đó mình cũng nhận được Email của cô nói về việc con làm phiền bạn, không cho bạn học.
Mình nhẹ nhàng ôm con vào lòng, với một đứa trẻ 6 tuổi như con mà đã phải chịu bất công như thế thì cảm xúc buồn đến thế nào. Con bắt đầu xin mẹ: Mẹ ơi, con chỉ muốn ở nhà học với mẹ thôi, cô giáo nói con không hiểu, con đi học buồn, các bạn không chơi với con. Con đi học gần một năm mà không nhớ tên cô giáo hay một bạn nào trong lớp.
Mình ghi nhận cảm xúc của con, phân tích tình hình cho con hiểu là đứa trẻ nào cũng phải đến trường và mẹ còn phải làm những công việc khác nữa không thể dạy con nhiều được. Mình hỏi con: Mẹ có thể đi học chung với con cho vui không? Con trả lời: Lớp học chỉ dành cho trẻ con thôi mẹ. Sau rất nhiều phương án buồn cười mà hai mẹ con bàn nhau như: Mẹ đi học với con nhưng nấp sau cánh cửa, mẹ mặc đồ tàng hình ngồi cạnh con học, mẹ nằm trên nóc trường học để nhìn con, mẹ mặc đồ giả làm cô giáo đi đến lớp dạy con hay mẹ giả làm em bé lớp 1 đi học với con và rất nhiều phương án dở hơi khác nữa mà hai mẹ con mình nghĩ ra nhưng cuối cùng mình đưa ra một phương án thực tế hơn: Mình lấy một mảnh giấy nhỏ cắt thành hình trái tim, một mặt mình viết tên mình và mặt còn lại mình vẽ 2 mặt cười có tên 2 mẹ con ở dưới, mình nói con hãy mang mảnh giấy này đi học, đây là một mảnh giấy có phép thuật, nếu lúc nào con buồn con mở ra xem con sẽ hết ngay thôi.
Hôm sau đi học mình dặn con giữ giấy bên mình, mình còn nhắc con đừng có bỏ vào túi sau nhé, nhỡ con bủm một cái mẹ ở nhà thối xỉu mất, hai mẹ con cười vang cả con đường đi học.
Những ngày sau đó mình không kì vọng hay ép con về việc học nhưng vẫn đồng hành cùng con, hai mẹ con mình học rất vui kiểu như: Trời ơi, chữ A của tôi nó đầu nhọn mà sao bác viết thành đầu búa rồi, A đầu búa.
Thời gian trôi qua nhanh, cậu bé A đầu búa sợ đến lớp năm xưa nay đã nói tiếng Đức trôi chảy và vui vẻ khi đến trường. Các cô giáo ai cũng ngạc nhiên trước sự tiến bộ của con nhưng chắc các cô không biết về tờ giấy bí mật kia của hai mẹ con mình, chỉ là một tờ giấy nhỏ thôi nhưng mình đã tôn trọng cảm xúc của con, cùng con tìm ra giải pháp để biến những kỉ niệm buồn thành kỉ niệm vui và hôm nay 2 mẹ con mình đã cười rất nhiều khi nhắc lại kỉ niệm đó. Mình rất xúc động khi nhìn tờ giấy nhàu nát, chắc chắn con đã mở ra xem rất nhiều nên nó mới cũ đến mức đó", chị Hiên tâm sự.
Câu chuyện của chị Hiên đã khiến rất nhiều người cảm thấy xúc động. Sang một đất nước mới hoàn toàn khác biệt, ngay đến cả người lớn cũng cần thời gian làm quen, với một đứa trẻ điều này càng khó khăn hơn bởi con phải học lại mọi thứ từ đầu. Thế nhưng may mắn Minh Đức là một cậu bé hiểu chuyện, con biết tâm sự với mẹ, biết dựa vào tình yêu của mẹ và cố gắng nỗ lực từng ngày. Còn chị Hiên là một người mẹ vô cùng tuyệt vời, từ cách chị đồng hành đến lắng nghe và luôn ở bên con trong giây phút khó khăn nhất.
Những lúc như thế này, điều một đứa bé cần không phải là lời răn đe, uốn nắn hay những câu đại loại như "rồi sẽ quen" mà chúng cần sự bao bọc, thấu hiểu, ghi nhận cảm xúc từ người thương yêu nhất của mình. Và chị Hiên đã làm rất tốt điều đó.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của bản thân, bà mẹ 1 con tâm sự: "Với câu chuyện này mình muốn nhắn nhủ là muốn hòa nhập thì đầu tiên phải cho cả 2 mẹ con thời gian. Ban đầu Minh Đức chưa quen nhưng mình luôn kiên nhẫn đồng hành, không ép con và cũng không áp lực bản thân. Mặc dù nói thật là nhiều lúc nghe cô giáo nhận xét về con mà thương bé quá nhưng vẫn phải bình tĩnh.
Hình trái tim mình vẽ chỉ muốn con biết rằng mẹ sẽ luôn ở đó, lắng nghe và dù thế nào mình cũng luôn chờ đợi khi con tan học, dù nắng dù mưa rét mình cũng đến sớm 5 phút đón con về. Bé nhà mình hiện tại rất hạnh phúc với cuộc sống mới, con luôn nổi bật vì tự tin và vui vẻ, con còn rất giỏi toán nữa".
Không chỉ chị Hiên mà bé Minh Đức cũng đã vô cùng cố gắng để hòa nhập ở môi trường mới. Câu chuyện của 2 mẹ con đã trở thành một bài học kinh nghiệm cho mọi người, đặc biệt là với những gia đình quyết định cho con sang nước ngoài học.
San San