(Tổ Quốc) - Các bé trong độ tuổi từ 2-4 quả thực khiến các bậc phụ huynh hết sức đau đầu.
Bước vào giai đoạn từ 2-4 tuổi, các bé đều có sự thay đổi khiến nhiều bố mẹ ngỡ ngàng. Bên cạnh việc học thêm nhiều điều hay như thích khám phá tìm tòi, bắt chước và ngôn ngữ phát triển mạnh thì bố mẹ cũng đau đầu khoản ăn vạ của bé. Thế nhưng nếu thấy bé có biểu hiện như vậy thì không nên vội đánh giá là con hư vì đây chỉ là một giai đoạn phát triển tâm lý bình thường của trẻ, thường được gọi là khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3.
Hot mom Trinh Phạm, một bà mẹ nổi tiếng cũng đã không ít lần rơi vào trường hợp con trai 2 tuổi của mình bỗng nhiên khủng hoảng. Bà mẹ 1 con cho biết từ 2- 4 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu có nhiều cảm xúc và yêu cầu nhiều với thế giới. Thế nhưng các con lại chưa hiểu được điều gì là tốt - xấu và cũng chưa biết kiểm soát cảm xúc của mình.
Thế nên lúc không thể diễn đạt được điều mình muốn hoặc không được đáp ứng thì trẻ sẽ ngay lập tức thể hiện bằng hành động: khóc mếu, la hét, đấm đá, thậm chí đau đầu hơn là còn làm ngay giữa nơi công cộng luôn. Đôi khi chuyện này làm mẹ shock mà không kiềm chế được quát con hay phạt con luôn.
Em bé Bơ cũng có những lúc mè nheo, ăn vạ khiến mẹ Trinh đau đầu.
Theo Trinh Phạm, người lớn có những ngày tệ hại thì trẻ em cũng vậy. Thế nên khi thấy Bơ có thái độ khó chịu, bà mẹ 1 con lập tức thực hiện các việc sau:
1. Không dọa nạt hay bỏ con lại một mình. Hãy thử tưởng tượng bản thân có một ngày tồi tệ, về đến nhà lại bị người thân quát vào mặt bảo đừng có cư xử như thế nếu không sẽ bị đánh; bắt ngồi 1 chỗ 1 mình tự kiểm điểm về hành vi của mình - nghe thật quá kinh khủng. Vậy nên đừng đối xử với trẻ em như thế. Việc làm con sợ như thế có thể hiệu quả tức thì nhưng sẽ khiến các vấn đề tương tự nảy sinh trong tương lai, hoặc tâm lý phản kháng/chạy trốn khỏi chính cha mẹ mình.
2. Nên cho trẻ thời gian để giải toả cảm xúc: Ai cũng cần phải có những lúc "xả" để cảm thấy thoải mái hơn và trẻ em cũng vậy. Hãy cho con khoảng vài phút để bày tỏ cảm xúc có thể không chú ý đến con nhưng nên ở bên cạnh. Sau đó nếu con tiếp tục khóc, la hét và có những hành động tiêu cực thì nên ngồi xuống bằng tầm nhìn của con để bé thấy yên tâm và có thể đừng nói gì cả cho đến lúc con bắt đầu bình tĩnh lại.
3. Không nên xử lý ở chốn đông người: Nếu con quấy ở nơi đông người thì hãy cố gắng đưa con đến một nơi ít người, yên tĩnh và riêng tư 1 chút, như phòng ngủ hay trong xe ô tô để bắt đầu quá trình xử lý cảm xúc tiêu cực, vừa tránh ảnh hưởng đến mọi người vừa khiến trẻ bớt lo lắng và tìm kiếm sự chú ý.
4. Hãy nói với con khi con bình tĩnh lại: Dùng những cách diễn đạt đơn giản nhất để nói với con rằng điều này là không được, con nên làm như thế nào trong tương lai. Quan trọng là làm điều đó chỉ khi bé đã bình tĩnh lại. Phải từ tốn và chậm rãi, đừng tức giận vào lúc này nếu không các con sẽ sợ hãi và quá trình truyền đạt thất bại luôn. Nếu xử lý lúc con đang tức giận nhiều khi con sẽ rơi vào trạng thái phản kháng nữa.
5. Cố gắng thực hiện đúng tất cả những quy định mình đã đặt ra và làm gương cho con: Nếu như đã dạy con mình phải làm như thế nào mới là đúng thì hãy cố gắng cư xử như vậy - ít nhất là trước mặt con, vì trẻ em nhạy cảm và bắt chước rất nhanh.
Quả thực, để làm những điều trên không phải là việc dễ dàng, cần sự cố gắng, bình tĩnh của cả bố mẹ và con cái. Tuy nhiên, trước khi mắng con, hãy nghĩ đến những hậu quả tiêu cực có thể xảy đến trong tương lai. Trẻ em như một trang giấy trắng, thái độ, hành vi của người lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của bé về sau này.
San San