(Tổ Quốc) - Nghe tin con bị nhà trường đuổi học. Người mẹ vô cùng tức giận, tuy nhiên sau khi nghe những gì giáo viên kể lại, mẹ Tiểu Quang mới nhận thấy có gì đó bất thường.
Với các bậc phụ huynh, có lẽ khoảnh khắc hạnh phúc nhất là luôn thấy con mình được mạnh khỏe, thoải mái nô đùa với bạn bè. Còn hạnh phúc hơn khi con là những cô bé, cậu bé vui vẻ, năng động, ham khám phá. Tuy nhiên, 1 trường hợp dưới đây tại Trung Quốc sẽ khiến các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để nuôi dạy con cái.
Cậu bé Tiểu Quang năm nay 7 tuổi, được các thầy cô nhận xét là khá nghịch ngợm và hiếu động. Kể từ ngày đầu tiên đi học, cậu đã trở thành học sinh phiền phức nhất đối với giáo viên, cho dù giáo viên có khiển trách như thế nào, cậu cũng không chịu nghe lời.
Trong lớp, Tiểu Quang không nghe giảng, thường xuyên làm việc riêng và thậm chí đánh nhau với bạn ngay trong lớp. Có lúc cậu bé còn tự ý đứng lên trong giờ học và cố tình làm gián đoạn bài giảng của cô giáo.
Trong vòng chưa đầy một tuần khai giảng, ngay cả hiệu trưởng cũng phải biết đến cái tên Tiểu Quang. Cậu bé thường xuyên thích trèo lên cây, nghịch ngợm làm hỏng dụng cụ thể thao của trường. Và cho dù bị phê bình đến đâu, cậu bé cũng không hề thay đổi.
Cuối cùng, lãnh đạo nhà trường quyết định cho Tiểu Quang nghỉ học 1 tuần, yêu cầu bố mẹ cậu hãy chỉnh đốn con trai mình rồi mới được đến trường học tiếp.
Nghe tin con bị nhà trường đình chỉ học. Người mẹ vô cùng tức giận, tuy nhiên sau khi nghe những gì giáo viên kể lại, mẹ Tiểu Quang mới nhận thấy có gì đó bất thường. Cô cho biết từ khi học mầm non Tiểu Quang đã rất nghịch ngợm, hiếu động. Thậm chí, cô giáo mầm non cũng không thể kiểm soát được cậu. Người mẹ nghĩ con trai mình lớn lên sẽ đỡ nghịch hơn, nhưng cô không ngờ mọi chuyện lại trở nên nghiêm trọng đến vậy.
Cô giáo hiệu trưởng khéo léo gợi ý rằng mẹ của Tiểu Quang nên đưa con đến bệnh viện khám để kiểm tra xem chỉ số thông minh của đứa trẻ có khác với những đứa trẻ khác hay không.
Cuối cùng, người mẹ đã quyết định đưa con trai đến bệnh viện để kiểm tra. Sau khi bác sĩ khám và chẩn đoán, người mẹ chết lặng khi con bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Người mẹ này thầm cảm ơn nhà trường vì nhờ đó bản thân mới có thể đưa con đến bệnh viện và phát hiện ra bệnh.
Thực tế, có nhiều bậc cha mẹ cho rằng hiếu động nghịch ngợm là bản tính của trẻ, không để ý đến. Tuy nhiên rất có thể đó là dấu hiệu của một rối loạn tâm thần nào đó ở trẻ nhỏ, giống như trường hợp của cậu bé Tiểu Quang.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?
Theo Mayo Clinic, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên thế giới và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ mắc ADHD thường khó duy trì sự chú ý, hiếu động thái quá và có hành vi bốc đồng.
Trẻ mắc ADHD cũng thường xuyên có các mối quan hệ rắc rối và thành tích kém ở trường. Các triệu chứng đôi khi giảm bớt theo tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp không bao giờ hết hẳn triệu chứng.
Các triệu chứng của ADHD thường bắt đầu trước 12 tuổi, tuy nhiên ở một số trẻ em chúng có thể nhận thấy ngay từ khi 3 tuổi. Các triệu chứng ADHD có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng, và triệu chứng có thể tiếp tục phát triển ở tuổi trưởng thành.
Dấu hiệu trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý
1. Không chú ý
Một đứa trẻ có biểu hiện thiếu chú ý thường có thể:
- Không chú ý đến các chi tiết hoặc mắc lỗi bất cẩn trong bài tập ở trường.
- Gặp khó khăn khi tập trung vào các nhiệm vụ hoặc khi chơi.
- Dường như không nghe, ngay cả khi được nói chuyện trực tiếp.
- Gặp khó khăn khi làm theo hướng dẫn và không hoàn thành bài tập ở trường hoặc việc nhà.
- Gặp sự cố khi tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động.
- Tránh hoặc không thích những công việc đòi hỏi nỗ lực tập trung tinh thần, chẳng hạn như bài tập về nhà.
- Hay làm mất các món đồ của mình, chẳng hạn như đồ chơi, bài tập ở trường, bút chì.
- Dễ bị phân tâm.
- Hay quên làm một số hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như quên làm việc nhà.
2. Tăng động và bốc đồng
Một đứa trẻ có các triệu chứng tăng động và bốc đồng thường có thể:
- Thường xuyên vặn vẹo trên ghế. Gặp khó khăn trong việc ngồi yên trong lớp học hoặc trong các tình huống khác.
- Luôn di chuyển, chuyển động liên tục.
- Chạy xung quanh hoặc leo trèo trong những tình huống không thích hợp.
- Gặp khó khăn khi chơi hoặc thực hiện một hoạt động yên lặng.
- Nói quá nhiều.
- Thường xuyên ngắt lời người khác.
- Rất khó trong việc chờ đợi.
- Làm gián đoạn hoặc xâm phạm vào các cuộc trò chuyện, trò chơi hoặc hoạt động của người khác.
Trẻ ADHD có nhiều khả năng mắc các bệnh như: Rối loạn thách thức chống đối (ODD); Rối loạn điều hòa tâm trạng; Rối loạn lo âu; Tự kỷ; Rối loạn tic hoặc hội chứng Tourette...
Nếu bạn lo lắng rằng con mình có các dấu hiệu của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm lý. Các bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám cần thiết, đồng thời đưa ra cho bạn một cách giải quyết phù hợp.
Đậu Đậu