(Tổ Quốc) - Thấy bộ quần áo trong tủ của con, tôi còn tưởng thằng bé muốn tặng bạn gái...
"Wibu": Chỉ những người bị ám ảnh, phát cuồng ở mức độ cao với văn hóa của Nhật Bản.
Mặc dù lấy chồng từ năm 25 tuổi nhưng mãi tới năm 30 tuổi tôi mới được nhận thiên chức làm mẹ. Sinh con vất vả nên tôi càng quý trọng em bé của mình. Hiện tại, tôi có 2 đứa con, một cháu lớn là con trai 15 tuổi, cháu nhỏ là gái, 12 tuổi. Chồng tôi thì làm công việc văn phòng bình thường nhưng anh có kinh doanh cây cảnh nên thu nhập rất khá. Tôi cũng đi làm, gọi là để đốt thời gian thôi chứ chẳng có áp lực về tài chính. Vợ chồng phấn đấu kiếm thật nhiều tiền để mang lại tương lai tốt đẹp nhất cho con cái.
Tôi luôn mong mỏi trong lòng cậu con trai lớn sẽ trở thành một người đàn ông chững chạc, có lý tưởng cao đẹp hoặc nếu đi theo hình mẫu của bố thì cũng rất tốt. Ấy vậy mà con trai tôi lại là "wibu"... Ban đầu chính tôi cũng chẳng hiểu thuật ngữ này đâu. Mọi thứ xuất phát từ việc tôi phát hiện có rất nhiều từ "wibu" trong phòng của con, thậm chí ngay cả mạng xã hội, bạn bè con tôi cũng gọi thằng bé là "wibu".
Bởi không hiểu nghĩa nên tôi lên mạng tra. Thấy định nghĩa của "wibu" là chỉ những người cuồng văn hóa Nhật Bản một cách thái quá, tiêu cực. Nhưng với tư cách của một người mẹ, tôi tin vào con trai mình. Thằng bé mới 15 tuổi, sao lại đổ đốn theo chiều hướng xấu được. Tôi tự an ủi chính lòng mình rằng con trai tôi chỉ là yêu thích đất nước Nhật Bản thôi. Cũng có thể thằng bé muốn sau này đi du học Nhật hoặc học thêm về ngôn ngữ này. Thi thoảng ở bên ngoài phòng con, tôi có thấy con đọc một cái ngôn ngữ giống với tiếng Nhật. Thậm chí, con tôi còn có hẳn một quyển sách viết chữ Hán tự.
Cho tới khi tôi phát hiện ra bộ quần áo ở trong tủ của con. Phòng con trai tôi có tủ quần áo riêng. Những lần giặt đồ, cháu sẽ mang vào máy giặt rồi tự phơi, tự cất. Nhà tôi rèn cho con tính tự lập từ nhỏ. Vậy nên chẳng mấy khi tôi động vào tủ đồ ấy. Vả lại thằng bé cũng không thích người lạ vào phòng. Bình thường thì con tôi sẽ xin tiền mẹ để mua quần áo, tôi cũng không tiếc chút nào. Do đó, tôi lại càng không biết con đặt những thứ gì trên mạng.
Khoảng hơn một tuần trước, tôi vào phòng con, muốn nghía qua tủ quần áo để tiện xem con có thiếu gì không để tôi còn đi shopping mua tặng cháu vài bộ. Vậy mà khi mở ra xem, tôi thấy có một bộ quần áo rất... kỳ cục. Đó là bộ đồ người hầu gái. Suy nghĩ hiện ngay trong đầu tôi là phải chăng con muốn tặng bộ quần áo này cho người yêu? Song ngẫm ra khá vô lý, con tôi đi học xong về nhà miết, chẳng giao du với ai, sao mà có thể có bạn gái chứ. Với lại thằng bé trông cũng chẳng có biểu hiện gì của yêu đương cả.
Tôi lập tức kiểm tra những góc khác trong phòng. Và rồi thêm lần sững sờ khi chứng kiến tận mắt những bức ảnh con trai tôi tạo dáng trong bộ người hầu gái trước gương... Không chỉ vậy, trong một vài quyển nháp của con trai, tôi cũng thấy nhiều bức vẽ kiểu truyện tranh Nhật Bản. Đến nước này, tôi chắc chắn con mình chính là kiểu "wibu" mà mọi người nói trên mạng. Có lẽ cháu đã quá nghiền với kiểu truyện tranh của đất nước mặt trời mọc cùng những nhân vật trong đó.
Vì sợ động tới lòng tự trọng của con nên tôi không dám nói ra với thằng bé hay trò chuyện thẳng. Tôi chỉ lo rằng nếu mình sơ suất gì thì cháu sẽ giận tôi, nghĩ là tôi đang kiểm soát. Tôi còn không dám hỏi bé gái thứ hai trong nhà, nhỡ con lại học theo anh trai thì tôi chẳng biết làm sao nữa.
Tôi đã đọc rất nhiều những bài viết, tham gia muôn kiểu hội nhóm trên Facebook về "wibu", lập cả nick giả để con không phát hiện ra. Tôi thấy mọi người khá chỉ trích lối sống này, thậm chí còn gắn mác "lập dị". Bây giờ, tôi còn thấy con trai đúng là càng ngày càng khác. Cháu cứ lầm lì ít nói, không muốn giao tiếp gì với người lạ, đúng kiểu trầm tư, thích ở trong phòng một mình. Và có thể con tôi còn thỏa mãn với những thú vui riêng. Giờ tôi biết phải làm sao đây...
M.B