(Tổ Quốc) - Vì sự phát triển lành mạnh của trẻ, các bậc cha mẹ hãy cố gắng điều chỉnh hành vi của mình.
Hình ảnh con thì gào khóc ầm ĩ, còn bố mẹ "tăng xông" hết cỡ không phải cảnh xa lạ với nhiều gia đình, và khi thấy điều này đa phần sẽ cảm thông với bố mẹ, ít ai biết đến tác hại của sự việc ảnh hưởng đến đứa trẻ như thế nào.
Nghiên cứu y học cổ truyền Trung Quốc cho hay, trẻ phải thường xuyên chịu áp lực tâm lý như vậy có thể gây ảnh hưởng đến thận, từ đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển chiều cao của trẻ, có thể khiến trẻ thấp lùn, chậm lớn.
Y học Trung Quốc cho rằng thận là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển thể chất, có thể tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển và sinh sản. Thận không đủ dưỡng chất và tủy xương thiếu tinh chất có thể khiến trẻ còi cọc, ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao và trí tuệ của trẻ.
Cuốn Hoàng Đế nội kinh (một tài liệu y học cổ của Trung Quốc, được coi là nguồn gốc giáo lý cơ bản của nền y học cổ truyền Trung Quốc trong hơn hai thiên niên kỷ) có đề cập vấn đề "nỗi sợ hãi gây tổn thương đối với thận". Những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng, bị phạt trong thời gian dài có thể gặp tổn thương ở thận, thậm chí bị suy thận.
Từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên, thận trong cơ thể người sẽ dần hoàn thiện và sản sinh ra một chất gọi là "Tiangui". Và sau khi trưởng thành, cơ thể con người sẽ hoàn thiện khả năng sinh sản, nhưng nếu thận bị suy giảm cũng có thể gây suy giảm khả năng sinh sản.
Năm 1997, chương trình nghiên cứu Phát triển Trẻ em Quốc gia Anh đã thực hiện một nghiên cứu với tổng số 6.574 đứa trẻ sinh từ ngày 3 đến ngày 9/3/1958 ở Anh để xác định xem các mâu thuẫn, cãi vã trong gia đình có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, trí tuệ của trẻ trước 7 tuổi hay không, loại trừ yếu tố thiếu thốn vật chất.
Các nhà khoa học đã theo dõi những đứa trẻ trong chương trình nghiên cứu trong thời gian hơn 40 năm. Kết quả nghiên cứu, phân tích cho thấy, những đứa trẻ mà gia đình thường có xung đột, mâu thuẫn, cãi vã có tỉ lệ thấp lùn tương đối cao. Cụ thể, tỉ lệ trẻ có tầm vóc thấp bé ở những gia đình có nhiều xung đột, cãi vã là 31,1%, còn với những đứa trẻ ở gia đình hòa thuận thì tỉ lệ là 20,2%. Sau khi cân nhắc cả các yếu tố khác đó là tầng lớp xã hội, số con trong 1 gia đình, giới tính và chiều cao mặc định (do gene)... các nhà nghiên cứu Anh đã đưa ra kết luận, mâu thuẫn gia đình là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự chậm lớn của trẻ trong thời thơ ấu.
Ai cũng đều biết sự tăng trưởng và phát triển của trẻ chủ yếu dựa vào hormone tăng trưởng, và thực tế hệ thống kiểm soát tiết hormone tăng trưởng lại chịu sự tác động của cảm xúc.
Những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng, bị phạt, ở trong những gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, cãi vã, có áp lực tinh thần và tâm lý rất lớn, hay xuất hiện trạng thái tâm lý tiêu cực có thể khiến trẻ ngủ không ngon giấc vào ban đêm, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng. Từ đó, có thể đưa ra kết luận những đứa trẻ hay bị cha mẹ la mắng có khả năng bị ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và trí tuệ.
Thực tế, mỗi đứa trẻ đều là một thiên thần được gửi đến cho bố mẹ, ngay cả khi bố mẹ có giận đến mấy nhưng nhìn gương mặt "ngây thơ vô số tội" của con là trái tim lại tan chảy vì yêu thương. Vì sự phát triển lành mạnh của trẻ, các bậc cha mẹ hãy cố gắng bình tĩnh, thật sự bình tĩnh khi chuẩn bị giận dữ với con.
Lưu Thoa