(Tổ Quốc) - Mặc dù đã đưa con đi khám bác sĩ nhưng chị Thảo vẫn không tìm ra nguyên nhân khiến bé nổi mẩn và không ngủ đêm trong suốt 7 tháng trời.
Đến tham gia chương trình "Chat với mẹ bỉm sữa Cali" tập 17 là bà mẹ bỉm sữa Vũ Thị Thanh Thảo, 32 tuổi. Chị Thảo hiện đang làm mẹ của 3 nhóc tỳ, bé lớn nhất 4 tuổi và bé nhỏ nhất là 1 tuổi. Không chỉ tâm sự về hành trình bầu bí, sinh con và chăm sóc con nhỏ, chị Thảo còn thẳng thắn trò chuyện với MC Kim Hiền và Kim Anh về vấn đề chuyện "chăn gối" sau sinh.
7 tháng liền con không ngủ đêm, nguyên nhân nằm ở chai sữa tắm
Nhớ lại lần mang thai bé đầu tiên, khi đó em bé đã đến sớm hơn so với dự định của vợ chồng chị. Trước khi biết tin mang thai thì chuyện tình của họ gặp khá nhiều sóng gió, có lẽ nhờ sự xuất hiện của đứa bé nên vợ chồng chị mới có thể đến được với nhau.
May mắn là chị Thảo đã trải qua một thai kỳ khá suôn sẻ. Việc sinh nở của chị Thảo cũng không gặp nhiều khó khăn. Trong 4 năm chị sinh liền 3 bé vì muốn sinh một thể rồi dừng.
Làm chủ 3 tiệm làm nails và nối mi nên công việc của chị Thảo khá bận rộn. Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng chăm sóc con chu đáo, tự tay nấu ăn cho các bé và dặn dò người giúp việc tỉ mỉ trong việc chăm sóc, trông nom lũ trẻ. Thế nhưng vì ôm đồm nhiều việc nên chị Thảo cũng cảm thấy mệt mỏi và hay cáu gắt.
Hành trình nuôi con của chị vất vả nhất có lẽ là ở giai đoạn sinh bé thứ ba. Vì lúc này chị phải tự chăm con nhỏ, 2 con gái lớn gửi về Việt Nam nhờ ông bà nội chăm sóc. Chị Thảo có thuê người giúp việc nhưng khi giao con cho người giúp việc thì chị cảm thấy không yên tâm.
"Có một điều mà mình cảm thấy rất hối hận đó là khi sinh bé thứ 3. Nguyên 7 tháng trời bé không có ngủ đêm. Bé bị ngứa nên mặt lúc nào cũng bí xị, không vui. Bé hay khóc lúc nửa đêm, cứ ngủ được 1-2 tiếng là bé lại dậy khóc. Ông xã của mình đi làm về rất mệt nên nghe tiếng con khóc thì anh cáu và hét lên: "Đứa bé này ra đời chỉ để khóc thôi hay sao ấy".
Lúc đó mình đã bảo vệ con, mình nghĩ rằng không có đứa bé nào sinh ra mà nó muốn khóc suốt như vậy cả. Chắc chắn nó phải có vấn đề gì thì nó mới khóc mà mình không hiểu được nó.
Mình thấy người con bị mẩn đỏ nên đưa đi khám thì bác sĩ nói không có vấn đề gì. Mình cũng đổi các loại sữa tắm khác nhau cho con, nhưng có lẽ vì người giúp việc quen dùng loại sữa tắm cũ rồi nên vẫn tiếp tục dùng loại này. Mình phải đi làm nên cũng không ở nhà để kiểm soát được là người giúp việc dùng loại nào cho con.
Đến khi những nốt mẩn đỏ của con xuất hiện trên mắt, trên tai thì mình chắc chắn là con bị dị ứng, và đúng thật bé bị dị ứng sữa tắm. Sau đó mình đã yêu cầu người giúp việc dừng sử dụng sữa tắm cho bé.
Nếu như mình chăm con hoàn toàn thì mình sẽ sớm phát hiện ra vấn đề nằm ở đâu nhưng vì phải đi làm nên chưa đủ hiểu con, để con phải chịu đựng như vậy. Vì không ngủ đêm được nên bé khá còi. Lần đầu tiên trong vòng 7 tháng liền, mình không cho con dùng sữa tắm thì thằng bé đã ngủ một mạch từ tối đến sáng hôm sau. Mình bật khóc vì thấy bản thân quá tệ" - chị Thảo kể.
Thấy con dâu vất vả nên bố mẹ chồng của chị Thảo bảo vợ chồng chị gửi nốt bé út về để ông bà chăm sóc giúp. Ban đầu chị Thảo từ chối vì chị muốn được gần con và cũng thấy bé chưa đủ lớn để xa mình. Cho đến khi bé được 14 tháng tuổi, chị Thảo cảm nhận được sự buồn bã của con khi mỗi lần xem camera ở nhà đều thấy con đứng ở cửa ngóng mẹ về.
"Mình thấy con không đáng bị đối xử như vậy, phải lủi thủi một mình trong khi có các chị lại san sát tuổi nhau. Nên sau đó mình quyết định gửi con về với ông bà nội và các chị của bé. Và từ khi về Việt Nam thì bé rất là vui" - chị Thảo chia sẻ.
Chị cũng rất yêu thích việc chăm con nhưng điều đó khiến chị bị stress. Bà mẹ 3 con nhận thấy mình còn quá trẻ để ở nhà làm một bà mẹ bỉm sữa, cảm thấy thiếu tự tin khi không kiếm được tiền. Chị Thảo đã từng nghĩ mình sẽ là một bà mẹ bỉm sữa thật hiện đại, thật giỏi, thật thành công. Và thực tế khi ở trong vai trò này làm mẹ thì chị đã không làm được những điều như bản thân mong muốn, ngay cả đến việc đi vệ sinh cũng không yên với các con.
Lạnh nhạt chuyện "chăn gối" sau sinh và nổi giận khi thấy tin nhắn của chồng với người phụ nữ lạ
Tâm sự về chuyện "chăn gối" sau khi đã sinh 3 con, chị Thảo tiết lộ tần suất gần gũi với chồng của chị giảm đi nhiều, bởi vì chị đã dành hết thời gian của mình cho con nên rất mệt mỏi.
"Có hôm chồng mình làm việc ban đêm xong ngủ rồi thì mình nằm cạnh và thấy anh ấy có tin nhắn. Mở ra thì mình thấy cuộc trò chuyện của anh với một vài cô bạn mới quen tự xưng là dược sĩ. Anh ấy có nói chuyện với cô kia là: "Vì còn trẻ nên anh khá mạnh trong vấn đề đó nhưng vợ của anh sinh xong thì hơi lạnh nhạt. Em có thuốc gì để hỗ trợ hay không?".
Sau khi đọc những dòng tin nhắn đó mình cảm thấy giận và bị tổn thương. Tại sao chồng không nói trực tiếp với mình mà lại đi nói với người phụ nữ khác về chuyện đó? Mình cho rằng ông xã đã ăn vụng sau lưng vợ và anh đang ngoại tình tư tưởng. Rồi mình dừng lại một phút để ngắm bản thân trong gương. Bao lâu nay mình cứ bận con cái mà không quan tâm đến bản thân, ngay cả việc mua chiếc áo mới cũng phải trì hoãn.
Hai vợ chồng cãi vã xong thì cũng bình tĩnh ngồi lại để nói chuyện với nhau. Mình nhận ra là ông xã không có vấn đề gì cả, chỉ là mình thiếu tự tin về bản thân nên mới có suy nghĩ áp đặt cho anh như vậy" - chị Thảo nói thêm.
Qua câu chuyện của mình, chị Thảo cũng có những lời nhắn nhủ muốn gửi đến các mẹ bỉm sữa rằng: "Tất cả mọi việc đều có lý do của nó. Phụ nữ dù có bận rộn đến mấy thì cũng nên dành thời gian cho bản thân. Điều đó là thể hiện trách nhiệm với bản thân và với cả chồng, con mình nữa.
Chúng ta hãy thương yêu chính mình thì bản thân sẽ đẹp lên. Giống như mình, khi bắt đầu chuyển qua mua những bộ đồ tôn lên vẻ sang trọng, mềm mại của cơ thể thì lúc đó mình cũng hiểu ra là ông xã muốn gì. Hoá ra anh thích những chất vải lụa mềm mại, và sau đó mình thường xuyên mặc những bộ đồ với chất liệu đó.
Và từ những điều ấy thì mình vui vẻ hơn, hạn chế suy nghĩ tiêu cực, làm mình sống tích cực hơn. Tất cả là do mình chứ không phải do người đàn ông của mình".
V.V.