(Tổ Quốc) - Ban đầu, người mẹ không mấy để ý, nhưng khi thấy con lặp lại hành động này nhiều lần, cô đã để ý và tìm ra nguyên nhân.
Trong quá trình lớn lên của mình, mọi đứa trẻ đều học được rất nhiều điều mới mẻ thông qua hành vi bắt chước. Và trong gia đình, người chúng hay bắt chước nhiều nhất không ai khác chính là cha mẹ.
Thông thường, trong các gia đình, người bố sẽ dành nhiều thời gian ra ngoài kiếm tiền hơn mẹ. Nhưng cũng có những hoàn cảnh đặc biệt, như gia đình của bà mẹ người Trung Quốc tên Ma dưới đây. Vì đặc thù công việc, cô thường xuyên phải đi suốt. Đến khi chính thức kinh doanh riêng, thời gian ở nhà với con của cô càng ít đi. Mọi việc chăm sóc con cái cô hầu như dựa vào chồng.
Thật may, con gái cô Ma rất quấn bố, gần như chẳng bao giờ rời bố nửa bước. Cũng vì thế mà bé bắt chước mọi hành vi của bố.
Một dịp hiếm hoi cô Ma được nghỉ ngơi ở nhà vài ngày. Và trong dịp này, cô Ma đã khám phá ra nhiều điều thú vị ở con gái. Ấn tượng nhất phải kể đến chuyện cô Ma thấy con gái hễ đi đâu, việc đầu tiên phải làm sau khi về nhà là cởi tất ra và... đưa lên mũi ngửi. Cô bé cởi tất bằng động tác dứt khoát và lặp lại hành động này nhiều lần. Mới đầu cô Ma không quan tâm, về sau thấy con nhiều lần có hành vi tương tự thì thấy rất kì lạ nên để ý tìm hiểu.
Hóa ra, mỗi khi chồng cô đi đâu về nhà, việc đầu tiên cũng là cởi tất ra và đưa lên mũi ngửi. Con gái cô Ma đã bắt chước y hệt thói quen này của bố. Lúc tìm ra nguyên nhân của hành vi lạ, cô Ma vừa buồn cười mà cũng thấy thật trớ trêu. Ai ngờ một thói quen nhỏ nhặt, vô thức ấy ở chồng cô lại được con gái sao y bản chính!
Đây là hành động "sao y bản chính" từ người bố.
Tại sao trẻ có khả năng bắt chước mạnh mẽ?
Trẻ con vốn dĩ nhạy cảm và hay bắt chước người lớn. Nếu đứa trẻ học điều tốt, đó là sự may mắn. Ngược lại, nếu đứa trẻ học những thói xấu, bố mẹ sẽ rất phiền lòng.
1. Tò mò
Sự tò mò nảy sinh từ khi trẻ còn rất nhỏ. Chúng bắt đầu quan sát nhiều thứ, chẳng hạn như xem bố mẹ ăn như thế nào, mặc ra sao và không loại trừ việc làm gì sau khi cởi tất.
Trong câu chuyện trên, người bố có thói quen đưa tất lên ngửi sau khi cởi ra, con gái đã để ý và học theo.
Nếu để ý kĩ, bố mẹ sẽ thấy các hành vi của con đều là bắt chước người lớn mỗi ngày. Có những cử chỉ, thói quen bắt chước của trẻ khiến người lớn buồn cười vì trông thật đáng yêu, song có những thói quen lại đáng lo ngại vì nó là sự bắt chước hành vi xấu, không phù hợp lứa tuổi.
2. Trẻ thích được thu hút sự chú ý
Sau khi bắt chước các hành động của người lớn, đứa trẻ nào cũng thích thể hiện cho ông bà, bố mẹ biết, đây là cách thu hút sự chú ý. Tâm lý chung của trẻ là muốn được cha mẹ bày tỏ thái độ xác nhận rằng con đã học được một điều mới mẻ và cảm thấy vui về điều đó.
Phải làm gì để trẻ bắt chước những thói quen tốt?
1. Không cãi vã, tranh chấp trước mặt trẻ
Trẻ em rất nhạy cảm chứ không phải là "không biết gì" như nhiều người nghĩ. Mỗi khi bố mẹ to tiếng, cãi vã, mâu thuẫn với nhau mà thể hiện trước mặt trẻ, trẻ sẽ bắt chước cả thái độ và hành vi của cha mẹ. Muốn trẻ không học theo những điều xấu, cha mẹ nên bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc trước mặt trẻ, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt cũng nên thể hiện với thái độ tích cực.
2. Bố mẹ nên sắp xếp thời gian dành cho con
Những ai có con nhỏ sẽ thấu hiểu nỗi khổ khi vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa phải chăm con, song khi có con, bố mẹ cần biết cách sắp xếp thời gian thật hợp lý, dành thời gian hàng ngày để tương tác với con nhiều nhất có thể. Có như vậy, bố mẹ mới biết con có thói quen tốt - xấu gì để kịp thời nắn chỉnh. Sự đồng hành và theo dõi sát sao của cha mẹ sẽ giúp định hướng và tính cách tích cực, thói quen tốt của trẻ một cách từ từ. Điều đó cũng giúp bố mẹ bớt áp lực khi nuôi dạy con.
3. Bố mẹ chăm chỉ làm gương tốt
Muốn con học được những điều tốt, việc trước tiên bố mẹ cần làm là làm tấm gương tốt cho con bắt chước theo. Chẳng hạn bố mẹ chăm tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Ngoài tác động đến sức khỏe thì các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời sẽ khiến trẻ vui vẻ, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và tinh thần phấn chấn hơn. Bố mẹ nên duy trì thói quen vận động thường xuyên hàng ngày để nuôi dưỡng một đứa trẻ thích vận động, yêu thể thao từ nhỏ.
Moon