(Tổ Quốc) - Có lẽ người mẹ là nữ điều dưỡng sẽ mãi mãi không quên được đêm rời con gái đang sốt cao để cùng các đồng đội vào "chiến trường" COVID-19 đang khốc liệt.
Người mẹ ấy là chị Phạm Thị Len, và đêm định mệnh ấy là thời điểm chị phải "nhận lệnh" đến làm nhiệm vụ điều dưỡng trưởng tại Trung tâm lưu giữ tạm thời phòng, chống dịch COVID–19 đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng, nay là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1.
Ngay lúc chị ra đi, đứa con gái út hơn 3 tuổi đang bị sốt. Bé lại có tiền sử co giật. Nhưng nhiệm vụ cấp bách, chị đành gạt nước mắt vì việc chung.
Đêm hôm đó, chị cùng 13 đồng nghiệp tiếp nhận 700 bệnh nhân F0, vừa tiếp nhận bệnh vừa sắp xếp lại nơi tiếp nhận bệnh vẫn đang vô cùng bừa bộn. Từ hôm đó, ba đứa con nhỏ của chị ở với bà nội mà chị chưa dám về thăm lần nào. Thấm thoắt đến nay đã gần 3 tháng trời, mẹ con chị Len cách biệt.
Cũng trong hoàn cảnh vợ, chồng, con "ba người ba nơi" là gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy. Anh công tác tại một trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần ở TP.HCM.
Khi Trung tâm có nhiều ca F0, anh phải ở lại để làm nhiệm vụ.
Vợ là nhân viên y tế tại một bệnh viện chuyên điều trị COVID–19, ông bà nội, ngoại ở xa nên đứa con nhỏ 4 tuổi phải gửi về nhà dì chăm sóc.
Đã hơn hai tháng nay, anh/chị chỉ gặp con qua điện thoại. Nhiều hôm, nhìn con khóc nức nở trên màn hình vì nhớ bố mẹ mà anh/chị cũng không cầm nước mắt.
Càng xa nhau, họ càng tự bảo nhau phải cùng cố gắng để vượt qua giai đoạn này. Câu nói quen thuộc mà anh/chị dành cho con: con cố gắng chơi ngoan, hết dịch bố mẹ sẽ đón con về.
Còn chị Cao Thị Hương công tác tại Bệnh viện điều trị COVID–19 thành phố Thủ Đức. Tuy nhà chị rất gần nơi làm việc nhưng chị vẫn phải mang đồ đến nhà đồng nghiệp tá túc, nhằm đảm bảo an toàn cho con và mẹ già.
Đứa con hơn một tuổi, ngày nào cũng được bố cho gọi điện thoại với mẹ ê, a tập nói. Đó là những giây phút thư giãn của chị sau những giờ dài căng mình với người bệnh.
Có những ngày bất lực nhìn người bệnh mình vừa chăm sóc ra đi mà lòng nghẹn đắng.
Nhưng chị biết còn khỏe là còn có cơ hội gặp nhau. Biết rằng có thiệt thòi cho con nhưng đóng góp được một chút công sức thấy cũng nhẹ lòng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong cơn đại dịch, mỗi nhân viên y tế đều có một câu chuyện riêng của mình.
Khác với những đứa trẻ có bố mẹ làm việc trong những ngành nghề khác, những đứa con của nhân viên y tế, đặc biệt là những bé có mẹ làm ngành Y thì bình thường cũng đã phải chịu nhiều thiệt thòi.
Điều thiệt thòi dễ thấy nhất là từ rất sớm các con đã phải chịu cảnh xa mẹ vào mỗi đêm có lịch trực.
Những ngày lễ, Tết các con thường xuyên không được ba mẹ dẫn đi chơi như bạn bè cùng trang lứa.
COVID-19 xuất hiện, nhân viên y tế với sứ mệnh của ngành nghề, bước vào "tuyến đầu" chống dịch. Những đứa con của họ sẽ được gửi cho người thân, bạn bè, hàng xóm.
Ai cũng mong một ngày dịch sớm được đẩy lùi để trẻ nhỏ gặp lại cha mẹ, gia đình được đoàn tụ sau bao ngày xa cách.
Hoàng Lê