(Tổ Quốc) - Cơ sở sản xuất với hạ tầng không thể kém hơn, các loại nguyên liệu không chỉ được đựng trong các vật chứa cáu bẩn mà còn được đổ đống ra đất, mặc người ta dẫm đạp thậm chí… khạc nhổ thẳng vào.
Con đường đi bẩn đến không tưởng của đường mạch nha - nguyên liệu chủ yếu trong ngành công nghiệp mứt kẹo và bia.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nhu cầu của người dân về các mặt hàng thực phẩm như bánh kẹo và rượu bia ngày càng tăng cao. Thế nhưng tại các làng nghề chuyên cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất kẹo và bia lại có quy trình sản xuất kém chất lượng đến không ngờ.
Kẹo mạch nha hay đường mạch nha là tên gọi của loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc hay lúa mạch hoặc từ các loại tinh bột.
Kẹo mạch nha là nguyên liệu không thể thiếu trong công nghiệp sản xuất mứt kẹo và bia.
Đường mạch nha có tác dụng làm cho kẹo tăng độ dai, nhiều tơ, không bị lại đường, không bị chảy nhão do hút ẩm. Đây cũng là nguyên liệu bổ sung quan trọng giúp các nhà sản xuất bia, góp phần hạ được giá thành mà sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Ngoài ra, đường mạch nha còn là nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp khác.
Nhưng có lẽ người tiêu dùng sẽ ít biết việc đường mạch nha này được sản xuất như thế nào trước khi cập bến các cơ sở sản xuất mứt, kẹo hay bia.
Các cơ sở sản xuất mứt, kẹo, bia dù có đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm đến đâu đi chăng nữa, có lẽ cũng phải chào thua với màn chế biến đường mạch gia công này.
Thành phẩm được đựng đầy trong thùng phuy và bao tải cám lợn
Có mặt tại 1 trụ sở sản xuất đường mạch nha thuộc xã Dương Liễu – huyện Hoài Đức – TP.Hà Nội, không thể hình dung nổi đây là nơi chế biến thứ nguyên liệu chủ yếu trong công nghiệp làm mứt kẹo và bia.
Từ những bước chân đầu tiên vào cơ sở này, chúng tôi không khỏi rùng mình với sự mất vệ sinh cũng như chất lượng hạ tầng vô cùng kém.
Đập vào mắt chúng tôi là 5 chiếc thùng phuy lớn màu xanh với bề ngoài cáu bẩn, thậm chí những chiếc thùng phuy này còn được đặt ngay cạnh 1 thùng rác màu trắng. Điều đáng nói, những chiếc thùng phuy mà đến chạm tay vào còn khiến nhiều người không dám lại chính là những chiếc thùng chứa thành phẩm sau khi chế biến – đường mạch nha.
Xung quanh cơ sở sản xuất này là những vật dụng vô cùng mất vệ sinh, ngay cả mái nhà cũng không đủ điều kiện để che chắn mưa nắng. Không thể hình dung được những nguyên liệu nằm la liệt này sẽ chống chọi ra sao trong những ngày mưa bão.
Chiếm diện tích khá nhiều trong cơ sở sản xuất giống như căn nhà hoang này là những khối bột màu trắng được chất thành đống, không hề có biện pháp che chắn nào. Chỉ có những tấm bạt bám đầy bụi và đất cát, nhìn thoáng qua chẳng thể biết chúng đã được dùng đi dùng lại đến bao nhiêu lần.
Những khối bột trắng này được những người đang trực tiếp sản xuất cho biết là bột sắn, 1 trong những loại bột được dùng để nấu ra đường mạch nha.
Một người phụ nữ đang tiến hành nấu bột sắn để tạo ra đường mạch nha trong 1 chiếc nồi khổng lồ mà chúng tôi không dám gọi nó là "nồi". Bởi lẽ, "chiếc nồi" này có bề ngoài đen đúa, bẩn thỉu đến không thể hình dung nổi.
Còn đây là nơi mà đường mạch nha sẽ được đổ ra theo những chiếc ống dẫn rỉ sét không rõ đã qua bao nhiêu năm sử dụng. Chiếc khay lớn được làm bằng sắt nhưng vô cùng kém vệ sinh, nhìn từ bên ngoài cũng đủ thấy nhớt đen kịt bám xung quanh khay, nhiều chỗ còn nhờn nhụa và đóng mạng nhện.
Dường như họ không hề vệ sinh cho những dụng cụ này từ rất lâu rồi.
Trong "căn nhà hoang" được tận dụng làm trụ sở sản xuất nguyên liệu còn rất nhiều bao tải trắng được vứt la liệt trên mặt đất và chồng chất lên nhau. Chúng tôi chú ý đến 1 chiếc bao tải được để ngay dưới chiếc vòi của khay chứa mạch nha trong khâu sản xuất cuối cùng. Thật bất ngờ, đây cũng chính là bao bì sản phẩm của cơ sở này trước khi hạ cánh tại các nhà máy sản xuất mứt kẹo và bia.
Đáng nói hơn nữa, bao bì cho sản phẩm đường mạch nha này chính là những bao tải đựng… cám lợn.
Còn đây là tấm bạt phủ phía trên khay đựng thành phẩm, một tấm bạt cũ kỹ, rách rưới và bám bẩn, từ tấm bạt trên kia có thể làm rơi rớt bao nhiêu vật thể kém vệ sinh hơn nữa xuống khay thành phẩm?
Bột sắn bị người ta dẫm đạp thậm chí… khạc nhổ lên
Từ các khối bột sắn chất đống, chúng tôi lần tìm theo chân những người nhận trách nhiệm vận chuyển chúng. Những điều mắt thấy tai nghe khiến chúng tôi khó lòng mà tin nổi.
Chiếc xe tải chở theo những khối bột thong dong đi trên đường. Trong điều kiện không khí ô nhiễm đến mức đáng báo động hiện nay, những người vận chuyển này chẳng hề quan tâm đến việc mình đang chở bột sắn pha lẫn với biết bao bụi bặm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chiếc xe chuyên chở nguyên liệu thực phẩm này, trong những giờ tăng ca, họ còn sử dụng để chở đất cát, vật liệu xây dựng. Chở xong chuyến hàng này, họ cũng không vệ sinh chiếc xe mà cứ thể mà đổ đầy bột sắn lên rồi tiếp tục vận chuyển.
Không một biện pháp che chắn nào được sử dụng trên chiếc xe tải vô cùng nhếch nhác. Dụng cụ để chứa bột sắn chính là chiếc thùng xe trước đó chở đất cát, họ chở số bột này qua nhiều đoạn đường. Tất nhiên, số bột này vẫn chơ vơ trên thùng xe qua mọi nẻo đường.
Điểm tập kết cuối cùng của xe bột sắn là 1 tấm bạt mỏng manh trải trên nền đất giữa đường, họ lùi xe thẳng vào tấm bạt rồi thản nhiên đổ bột sắn ngay trực tiếp lên vết bánh xe đen kịt đó.
Sau khi được đổ lên tấm bạt, họ thản nhiên cầm theo chiếc xẻng xúc đất để xúc bột sắn.
Một người nhét tay vào túi quần, dạo 1 vòng quanh "bãi bột" đổ đống trên đất và bất ngờ… khạc nhổ thẳng vào chỗ bột sắn la liệt trên mặt đất.
Đây là loại bột được các cơ sở sản xuất đường mạch nha tại xã Dương Liệu sử dụng làm nguyên liệu chính. Thật khó tưởng tượng sau từng ấy quy trình bẩn đến kinh hoàng đó thì các "thành phẩm" này sẽ được chuyển đến nơi đâu.
Rất nhiều nơi đang nhập nguồn đường mạch nha bẩn để sản xuất mứt kẹo
Đặt câu hỏi với những người trực tiếp sản xuất đường mạch nha tại xã Dương Liễu – huyện Hoài Đức về điểm cập bến của đường mạch nha mà họ chế biến ra, chúng tôi nhận được câu trả lời chắc chắn.
"Người ta đến tận nơi mua, cũng chuyển hàng ra khắp nơi. Cứ kẹo là phải dùng đến đường mạch nha này, ở Thanh Hoá hay Nghệ An cũng chuyển hàng ra đấy hết".
Chẳng ai có thể biết được cơ sở sản xuất mứt kẹo nào đã, đang và sẽ nhập nguồn đường mạch nha này. Khi mà những người sản xuất tự tin cho biết hàng của họ được chuyển đi khắp nơi và hô biến ra đủ các loại mứt kẹo, người dân có lẽ sẽ không khỏi bất ngờ.
Khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu số lượng đường mạch nha bẩn sẽ được sử dụng để sản xuất mứt kẹo và bia.
Liệu rằng những chiếc kẹo trên tay hay trong khay mứt ngày Tết có thật sự đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Ngay cả khi cơ sở sản xuất mứt kẹo có đảm bảo quy trình đi chăng nữa thì những bao tải cám lợn chứa đường mạch nha kia có thể chính là nguyên liệu được nhập về để làm ra những chiếc kẹo trên tay người tiêu dùng?
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề không chỉ người dân mà các cơ quan có chức năng luôn quan tâm. Vậy với quy trình sản xuất 1 loại nguyên liệu trọng yếu trong ngành thực phẩm lại kém chất lượng, mất vệ sinh đến như thế này, người tiêu dùng biết sẽ phải đặt niềm tin vào nơi đâu?
Mạn Ngọc - Clip: Hoàng Tuân & Tuấn Tùng