(Tổ Quốc) - Theo bác sĩ, đây là cách làm sai và dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho trẻ.
Trường hợp sốt cao dẫn đến co giật xảy ra không ít ở trẻ nhỏ khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Đặc biệt là với những phụ huynh lần đầu chứng kiến con mình bị co giật sẽ hoảng loạn và sợ hãi, không biết phải làm gì trong lúc này.
Dưới đây là một số lời khuyên của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2, đồng thời cũng là bác sĩ Nhi khoa được nhiều mẹ Việt tin tưởng, yêu mến.
1. Định nghĩa sốt co giật?
Theo hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ năm 2018: sốt co giật là tình trạng co giật xảy ra ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi khi trẻ sốt lớn hơn 38 độ C, không có bằng chứng do nguyên nhân nội sọ (nhiễm trùng, chấn thương đầu hay động kinh), không tìm thấy nguyên nhân gây co giật khác như rối loạn điện giải, hạ đường huyết, dùng thuốc hay cai thuốc hay tiền sử có những cơn co giật không sốt. Vậy để loại trừ chắc chắn cần sự trợ giúp của Bác sĩ, do đó nếu con bạn có co giật, việc cho bé đi khám ngay sau đó là điều bắt buộc.
2. Tình trạng này có thật sự nguy hiểm không?
Thật may mắn cho chúng ta là 80-85% trường hợp sốt co giật là một tình trạng lành tính, không gây tổn thương não. Cơn co giật dạng này thường đơn giản có nghĩa là kéo dài dưới 15 phút, thường dưới 5 phút, thường co giật toàn thể, gồm cả cơ mặt và cơ hô hấp và không tái phát trong vòng 24 giờ đầu. Do đó nếu con bạn nằm trong nhóm này, bạn có thể yên tâm.
3. Vậy khi nào sốt co giật thì đáng lo?
Khi con bạn không còn nằm trong nhóm không đơn giản, đồng nghĩa với việc cơn co giật phức tạp tức là cơn co giật kéo dài trên 15 phút, co giật cục bộ, có thể nửa người hay một chi, tái phát nhiều hơn 1 cơn trong 24 giờ hay cùng một đợt bệnh. Sau cơn co giật bé lơ mơ kéo dài hoặc có thể liệt tạm thời. Thường xảy ra ở trẻ nhỏ tuổi hơn và thường có nguy cơ chậm phát triển cao hơn sốt co giật đơn giản.
Trong đó trạng thái động kinh liên quan đến sốt hay là FSE – febrible status epilepticus là dạng nặng nhất của sốt co giật phức tạp, được định nghĩa khi cơn co giật kéo dài trên 30 phút hoặc nhiều cơn liên tiếp giữa các cơn không có khoảng tỉnh. Trẻ có FSE nhiều khả năng có bất thường hồi hải mã và có nguy cơ động kinh cao. Do đó ở nhóm này cần được thăm khám, điều trị và theo dõi bởi các Bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhi để được đánh giá toàn diện hơn.
4. Cần làm gì và không nên làm gì khi cơn sốt co giật xảy ra?
Điều đầu tiên nên nhớ, là bạn không thể làm gì để cắt cơn co giật của trẻ cả! Vì vậy, tốt nhất là bạn nên bình tĩnh, cố gắng tránh những việc làm có thể gây tổn thương hoặc gây hại thêm cho trẻ. Cũng giống như cách xử trí các trường hợp co giật khác, nên nhẹ nhàng đỡ trẻ đang co giật nằm xuống một mặt phẳng an toàn, như sàn nhà, hoặc lên nệm. Nếu để trên giường, chú ý khả năng trẻ bị té xuống giường trong cơn co giật. Xoay lưng trẻ, để trẻ nằm nghiêng bên, và kê một cái gối mềm dưới đầu của trẻ.
Đồng thời bạn nên nhìn xung quanh xem có đồ vật cứng, nhọn, dễ bể, dễ cháy... gần bên hay không. Nếu có, nên thu dọn những đồ vật này, phòng ngừa chấn thương thêm cho bạn và trẻ đang co giật. Trong thời gian co giật, bạn nên cố gắng theo dõi và ghi nhận những gì xảy ra: thời gian co giật bao lâu; co giật một bên hay hai bên; tay hay chân, hay cả tay và chân; trẻ có trợn mắt, gồng người hay không? Sau khi hết cơn co giật, hạ sốt cho trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
5. Bạn không nên làm gì đối với trẻ co giật?
Nên lưu ý, ngoại trừ những điều nên làm kể trên, bạn không nên làm bất kì điều gì khác cho một trẻ đang co giật. Những thực hành thường gặp ở cộng đồng đối với người bị co giật, như đè lên người trẻ, bỏ vật cứng vào miệng trẻ (muỗng, đũa, cây đè lưỡi, hoặc bàn tay, ngón tay của người lớn...), hoặc vắt chanh, cho uống nước, uống thuốc hạ sốt khi trẻ đang gồng co giật; có người còn cố gắng làm động tác hô hấp nhân tạo cho trẻ khi trẻ đang co giật... là sai lầm và không được khuyến cáo thực hành.
Lý do là vì, co giật không làm trẻ ngạt thở, ngưng thở, hay tự nuốt lưỡi, tự cắn lưỡi của mình. Khi bạn cho vật cứng vào miệng trẻ, có thể gây ngạt, hoặc gây tổn thương thêm cho răng miệng trẻ, đồng thời có thể gây tổn thương cho chính bạn. Việc bỏ chất lỏng bất kì vào miệng trẻ là rất nguy hiểm, vì có thể gây ra nguy cơ hít sặc các dung dịch này trực tiếp vào phổi trẻ. Việc bỏ trẻ đang co giật vào bồn tắm với mong muốn hạ sốt cho trẻ, cũng là điều không nên làm, vì chẳng những không giúp được việc hạ sốt, mà còn có thể làm trẻ bị ngạt, hoặc sặc nước thêm.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.
Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.
San San